“Đòn bẩy” nào để tăng nguồn cung bất động sản?

Theo An An/reatimes.vn

Trước các vướng mắc về chính sách, việc rà soát pháp lý các dự án bất động sản đã khiến nguồn cung tiếp tục thiếu hụt so với nhu cầu thực tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Công văn báo cáo Bộ Xây dựng mới đây của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho hay, trong năm 2019, thị trường nhà ở cả nước có sự sụt giảm mạnh mẽ cả về nguồn cung lẫn giao dịch. Cụ thể, nguồn cung năm 2019 chỉ đạt 107.284 sản phẩm, bằng 61,5% năm 2018; giao dịch đạt 72.828 sản phẩm, bằng 64,7% năm 2018.

Sự suy giảm của nguồn cung đã làm biến động giá cả. Tại Hà Nội, giá nhà tại mọi phân khúc bắt đầu tăng trong quý IV/2019, trong đó phân khúc trung cấp và cao cấp tăng khoảng 5% so với quý IV/2018. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, giá bán căn hộ trung cấp đã tăng liên tục trong cả năm 2019: quý I tăng 3%, quý II tăng 4,9%, quý III tăng 4%, quý IV tăng 5%.

VNREA nhận định việc sụt giảm nguồn cung nhà ở trên cả nước do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là do việc rà soát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước đối với các dự án.

Lượng giao dịch năm 2019 suy giảm cũng bắt nguồn từ việc người tiêu dùng lo sợ khi thị trường xuất hiện nhiều dự án không phù hợp pháp luật, trong khi lại thiếu thông tin từ cơ quan nhà nước để kiểm tra.

Về giá bán, VNREA cho rằng khan hiếm nguồn cung là nguyên nhân đẩy giá bán tăng trưởng. Tuy nhiên, điều nghịch lý là việc khan hiếm nguồn cung không phải do thị trường không còn dư địa phát triển mà do các dự án đều bị ngưng trệ.

Nhận định về thị trường bất động sản năm 2020, VNREA cho rằng lực cầu về đầu tư và mua sắm vẫn được duy trì; nguồn cung tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có thể không suy giảm so với năm 2019 nhưng lượng dự án đủ điều kiện bán sẽ giảm mạnh.

Giá nhà, đất có thể sẽ tiếp tục tăng nhưng lực tăng không mạnh vì sự khan hiếm chỉ là tạm thời. Sự siết chặt tín dụng bất động sản chắc chắn sẽ làm giảm lực đầu tư từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, điều này khiến hoạt động mua bán - sáp nhập diễn ra sôi động hơn.

Theo VNREA, năm 2020, nguồn cung khan hiếm sẽ tao ra cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động môi giới bất động sản. Có thể sẽ có nhiều doanh nghiệp và môi giới bất động sản không thể trụ lại với nghề nghiệp.

Sự giảm thiểu nguồn cung và việc các cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương nếu như không có các biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ, các giải pháp công bố minh bạch thông tin dự án có thể dẫn đến tiếp tục tái diễn việc các dự án bất động sản không phù hợp quy định pháp luật lại được chào bán ra trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định: “Tình trạng thiếu nguồn cung nguyên nhân cơ bản đến từ việc xử lý, điều tiết của chính quyền, địa phương. Nhiều địa phương có dấu hiệu làm sai quy định, quy trình giờ họ phải rà soát lại. Tuy nhiên, việc rà soát, kiểm tra kéo dài lại gây khó khăn cho thị trường. Điển hình tại TP. Hồ Chí Minh có nhiều dự án đã đủ điều kiện để có thể ra hàng nhưng vẫn chậm trễ phê duyệt, chưa có văn bản phê duyệt nên dự án vẫn “nằm im” còn tại Nha trang, Đà Nẵng, chúng tôi cũng chưa thấy có dấu hiệu nào tích cực trong việc cải thiện chính sách, cải thiện môi trường đầu tư bất động sản. 

Rất nhiều dự án đang đợi phải xử lý trong khi đó chính quyền lại cho dừng “cả mớ”, cứ để đó để kiểm tra, để rà soát, nếu đưa ra bán là bị phạt. Đó là nguyên nhân chính khiến thị trường thiếu nguồn cung, giá tăng cao. Do đó, thời gian phê duyệt dự án nhanh hay chậm giờ là do chính quyền địa phương có quyết tâm cải thiện môi trường cho các nhà đầu tư hay không”.

Để thúc đẩy phát triển các dự án bất động sản, VNREA đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tháo gỡ vướng mắc, tiếp tục cải cách thể chế, hoàn thiện cơ chế pháp lý. Đặc biệt là xử lý dứt điểm các dự án trái phép, sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra để tiếp tục được triển khai; hỗ trợ cấp phép cho những dự án đủ điều kiện phát triển...

Ngày 18/2 VNREA đã tổ chức hội nghị “Trao đổi khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư về chính sách của Nhà nước với thị trường bất động sản Việt Nam; kiến nghị tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản Việt Nam phát triển ổn định, bền vững”.

Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch VNREA thời gian qua, tác động từ việc siết tín dụng vào bất động sản, siết chặt thủ tục hành chính từ khâu lập đến khi hoàn thiện dự án đã khiến thị trường bất động sản có dấu hiệu trì trệ. Vì vậy, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Xây dựng khảo sát, gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp bất động sản để tháo gỡ vướng mắc.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: “Các khó khăn, vướng mắc về luật đang được các bộ, ban, ngành tháo gỡ, trọng tâm là sửa đổi Luật Đất đai. Bộ Xây dựng lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, tổng hợp để kiến nghị các giải pháp với Thủ tướng Chính phủ”.

Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, dự kiến đầu tháng 3/2020, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh”. Hy vọng rằng, với sự vào cuộc chỉ đạo kịp thời, hiệu quả của cấp có thẩm quyền, các vướng mắc sẽ được tháo gỡ, giúp thúc đẩy nguồn cung bất động sản ổn định.