Dòng tiền đang chảy vào đâu?

Theo Đầu tư

Tốc độ tăng cung tiền 7 tháng đầu năm nay ở mức 12,96% - một tốc độ tăng không phải là thấp. Vào lúc này, một câu hỏi lớn được đặt ra là dòng tiền đang chảy vào đâu, khi mà giá trên các kênh đầu tư đang có sự biến động khác thường?

Trước hết là CPI, cùng kỳ năm trước tăng 3,22%, còn 7 tháng năm nay tăng 4,84%. Nhưng tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước là so với mặt bằng giá đã xuống thấp của tháng 12/2008 - tháng thứ 3 liên tiếp bị giảm; còn 7 tháng đầu năm nay lại so với mặt bằng giá đã tăng cao của tháng 12/2009. Đó là tốc độ tăng có tính thời điểm, còn nếu tính bình quân so với cùng kỳ năm trước, thì tốc độ tăng trong 7 tháng năm nay lại thấp hơn tốc độ tăng tương ứng của năm 2009 (tăng 8,67% so với tăng 9,25%). Như vậy, tiền chưa chạy nhiều vào hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng. Đó là chưa tính hàng hóa đang tồn kho ở mức khá cao. CPI tháng 8 có thể còn tăng thấp, nhưng sẽ tăng cao hơn so với tốc độ tăng trong 4 tháng trước đó và từ tháng 9 trở đi sẽ tăng cao lên (giá xăng dầu tăng, giá lương thực tăng trở lại…). Theo đó, dòng tiền sẽ chạy vào kênh này nhiều hơn so với 7 tháng đầu năm. 

Tốc độ tăng giá nhà ở và vật liệu xây dựng (bộ phận quan trọng của bất động sản) tăng 8,57% so với cùng kỳ năm 2009. Điều đó chứng tỏ, dòng tiền đã chảy khá lớn vào kênh đầu tư bất động sản.

Tuy nhiên, cơn sốt giá đất cách đây vài tháng chủ yếu xảy ra ở Hà Nội, đặc biệt ở khu vực Ba Vì, nhưng ở khu vực này, giá đã giảm tới 70%, ở các khu vực khác cũng giảm vài chục phầm trăm, khả năng từ nay đến cuối năm, giá cũng chưa tăng do nguồn cung tăng khi xu hướng thoát hàng mạnh hơn mua vào. Do vậy, dòng tiền chảy vào kênh đầu tư này trong những tháng cuối năm sẽ không nhiều. 

Lãi suất tiết kiệm trong 7 tháng đầu năm nay tuy cao hơn không nhiều so với mức lãi suất trong cùng kỳ năm 2009, nhưng quan trọng hơn là đã chuyển từ thực âm sang thực dương, đặc biệt là trong 4 tháng gần đây, mức thực dương có xu hướng cao lên. Đây chính là yếu tố đã có sức hút một lượng tiền lớn từ lưu thông vào hệ thống ngân hàng thương mại. Mặt bằng lãi suất đang được tích cực hạ xuống, tuy có thể không đạt được mức chỉ đạo "vào 10, ra 12" (tức là lãi suất huy động còn 10%/năm và lãi suất cho vay còn 12%/năm), nhưng có thể không còn hấp dẫn như mấy tháng qua, trong khi kênh đầu tư khác có thể hấp dẫn hơn, nên lượng tiền vào kênh tiết kiệm có thể sẽ không còn cao như trước.  

Ba kênh đầu tư khác có tốc độ tăng giá thấp hơn hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước là vàng, USD, chứng khoán. 

Với lượng vàng xuất khẩu ở mức khá cao và sàn vàng ngừng hoạt động. Tính chung cả năm, dòng tiền trên thị trường vàng sẽ chảy ra nhiều hơn vào.  

Cũng trong thời gian này, giá USD tăng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (0,79% so với 6,22%), nếu tính bình quân 7 tháng thì cũng tăng thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (7,29% so với 9,03%). Như thế, tiền vào thị trường USD không lớn, thậm chí có thể còn ra nhiều hơn vào. Từ giờ đến cuối năm, có thể nhiều khoản vay ngoại tệ đến kỳ đáo hạn; nếu tỷ giá VND/USD tăng lên do phải thực hiện cả hai mục tiêu kiềm chế nhập siêu và tăng dự trữ ngoại hối, thì có thể dòng tiền sẽ vào nhiều hơn ra.  

Thị trường chứng khoán cả hai sàn HOSE, HNX đã về dưới "mo". Những người "chơi" chứng khoán bằng tiền phải đi vay lãi thì còn bị lỗ "kép"- vừa lỗ do giá chứng khoán giảm, vừa lỗ do phải trả lãi tiền vay.  

Chứng khoán Việt Nam gần như "một mình một chợ" - giảm khi thế giới tăng; cổ phiếu nhỏ thì tăng, cổ phiếu to thì giảm; cổ phiếu tốt lại giảm, cổ phiếu "xấu" đến mức thuộc diện cảnh báo lại cứ tăng. Chợ đang nhiều hàng, giá đang giảm, thậm chí còn đang ế, phần lớn bán dưới giá, nhưng hàng mới từ các công ty mới niêm yết, từ các công ty đã niêm yết phát hành tăng vốn, từ các công ty chứng khoán, từ các đại gia nội bộ… cứ ùn ùn vào chợ. Trong khi đó, một lượng tiền không nhỏ nằm im ở tài khoản, lượng khác được rút ra đầu tư vào các kênh khác, hoặc trả nợ vay khi chơi chứng khoán.

Như vậy, có thể thấy, dòng tiền đang chạy quanh, đang chờ cơ hội để chảy mạnh vào một kênh, hoặc những mặt hàng nào đó, rồi gây nóng sốt ở kênh này hay mặt hàng này. Cần cảnh giác!