Dragon Capital: Sự giảm giá đồng nội tệ lần này sẽ không tác động lớn đến lạm phát


Việc điều chỉnh tỉ giá bình quân lên 9,3% và thu hẹp biên độ giao dịch đánh khá mạnh vào các nhà nhập khẩu. Ngoài ra, tài sản ròng của các nhà đầu tư NN sẽ bị giảm ngay.

Việc điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng của SBV ngày 11/02 thực sự tác động đến vĩ mô Việt Nam trong thời gian tới cũng như ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài như thế nào? CafeF đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Anh Tuấn hiện đang là Kinh tế gia trưởng và Giám đốc nghiên cứu của Dragon Capital.

Ngân hàng nhà nước (SBV) đã chính thức tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ 18.932 đồng/USD lên 20.693 đồng/USD, tương đương tăng 9,3%. Đồng thời thu hẹp biên độ giao dịch từ +/-3% xuống +/-1%, áp dụng từ ngày 11/02/2011. Ông đánh giá như thế nào về việc điều chỉnh này của SBV? Ông có bất ngờ với mức độ điều chỉnh này không?

Trong báo cáo Dự báo vĩ mô năm 2011 và Báo cáo tháng 12, chúng tôi đã đề cập đến việc sẽ điều chỉnh tỷ giá của Việt Nam trong tương lai gần.

Với mức điều chỉnh của SBV lần này đồng nghĩa đồng VND đã chính thức bị mất giá 7,2% (mức trần bán ra theo biểu niêm yết mới của các NHTM sẽ ở mức 20.900 đồng/USD so với mức trần cũ là 19.500 đồng/USD).

Trong khi trên thị trường liên ngân hàng và thị trường tự do, tỷ giá VND/USD được giao dịch thành công khoảng 20.600-21.300 đồng/USD trong 4 tháng qua. Do đó, tôi tin rằng sự điều chỉnh là thích hợp để đưa tỷ giá chỉnh thức tiến sát tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng và giúp cân bằng cung và cầu ngoại hối.

Nếu nhìn vào cán cân thanh toán trong 2 năm vừa qua chúng ta có thể thấy lượng USD chảy vào trong nước cao hơn so với lượng USD chảy ra. Tuy nhiên, phần sai số (E&O) tăng lên, dự trữ ngoại hối sụt giảm. Phần sai số này liên quan mật thiết tới lòng tin vào đồng nội tệ.

Việc tạo được sự liên thông của hai thị trường nếu thành công sẽ giúp rất lớn trong vần đề lòng tin và sẽ giúp các nhà xuất khẩu sẵn lòng hơn (đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước) bán USD cho ngân hàng.

Sau khi chính thức điều chỉnh giảm giá chiều 11/02 chúng tôi quan sát rằng thị trường liên ngân hàng giao dịch tại  mức 20.940-20.960 đồng/USD chỉ cao hơn 40 đồng so với ngày hôm trước. Điều này cũng là một minh chứng cho thấy thị trường liên ngân hàng không bị sốc.

Nhiều người tranh luận tại sao SBV thu hẹp biên độ giao dịch từ + /-3% xuống + / -1%. Chúng tôi nghĩ rằng đó là một động thái thông minh. Lưu ý rằng, trước khi có điều chỉnh này,  việc tính thuế đối với hàng hoá nhập khẩu dựa theo tỷ giá giao ngay của SBV công bố là 19.000VND/USD. Bây giờ, tỷ giá được dùng đối với thuế nhập khẩu là 20.693 VND/USD. Do đó động thái điều chỉnh tỉ giá bình quân lên cao và thu hẹp biên độ giao dịch đánh khá mạnh vào các nhà nhập khẩu.

Quan trọng hơn nữa, trước kia tỷ giá SBV công bố thông thường ở mức quanh 19.000 đồng/USD cách rất xa so với mức giao dịch chính thức khoảng 20.800-21.000 đổng/USD, điều này tạo nên tâm lý tỷ giá SBV công bố hàng ngày qua xa rời thực tế. Đồng thời, một số tổ chức lại có thể có lợi thế để kiếm được sự chênh lệch giá này. Nay, tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên mức rất gần với tỷ giá giao dịch chính thức tạo ra một sân chơi công bằng hơn và hơn hết tạo được tâm lý về hiểu quả điều hành của SBV.

Ngoài ra, biên độ giao dịch càng rộng, càng ít linh hoạt hơn cho NHTW điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng.

Việc điều chỉnh lần này là lớn nhất từ sau cuộc khủng hoảng 1997, có thể xem là động thái kiên quyết nhằm khôi phục lòng tin, cải thiện cân đối ngân sách,…Lãi suất tiền gửi VND hiện nay là 14%-16%/năm so với USD là 5-6%/năm, tôi kỳ vọng việc điều chỉnh tỷ giá lần này và sự kiên quyết trong việc phá vỡ tâm lý VND tiếp tục bị phá giá cũng như sự nhất quán trong chính sách điều hành là liều thuốc mạnh cải thiện tình trạng đô la hóa hiện nay.

Dragon Capital: Sự giảm giá đồng nội tệ lần này sẽ không tác động lớn đến lạm phát  - Ảnh 1
Nguồn: Dragon Capital


Nhiều người cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá theo hướng phá giá đồng nội tệ có lợi trong cải thiện cán cân thương mại. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nước nhập siêu, tôi nghi ngờ ý kiến trên là đúng. Theo ông, việc điều chỉnh này có tác động như thế nào đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam?

Hàng hóa (commodity) chiếm khoảng 40% tổng xuất khẩu của Việt Nam, các nhà xuất khẩu Việt Nam trong hóm hàng này thường là bên chấp nhận giá (price taker). 60% giá trị kim ngạch xuất khẩu là mặt hàng công nghiệp sản suất. Các nhà kinh tế thường nói, 65-70% hàng hóa sản xuất để xuất đến từ nhập khẩu. Do đó, theo tôi việc điều chỉnh tỷ giá lần này có hỗ trợ cho xuất khẩu nhưng không nhiều như mọi người nghĩ. Thêm vào đó tỷ giá giao dịch chính thức thực sự không thay đổi nhiều do đó ảnh hưởng có thể nói là không nhiều.

Tuy nhiên, nó cũng không tạo ra quá nhiều khó khăn trong nhập khẩu. Khu vực tư nhân đã sử dụng tỷ giá liên ngân hàng để nhập khẩu trong thời gian qua do đó gần như không có thay đổi so với hiện nay. Tuy nhiên các nhà nhập khẩu quốc doanh có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi các công ty này thường được hỗ trợ của Chính Phủ để mua USD theo tỷ giá chính thức. Theo tôi, tới đây chi phí nhập khẩu sẽ tăng lên ít nhấp 7-9% đối với doanh nghiệp quốc doanh này.

Tôi ước tính thâm hụt ngân sách năm nay của Việt Nam vào khoảng 12 tỷ USD (CIF). Chỉ tiêu này có thể thấp hơn 12 tỉ USD và sẽ được bù đáp nhiều bằng các nguồn như: FDI được giải ngân 7,7 tỉ USD; 8 tỉ USD kiều hối; 3,3 tỉ USD ODA (tất cả các khoản từ năm 2010); và xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn nhập khẩu như hiện nay sẽ hỗ trợ rất nhiều cho đồng nội tệ.

Ông có cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ ảnh hưởng khá đến chỉ tiêu lạm phát trong năm 2011 không?

Tôi được biết có rất nhiều báo cáo trong và ngoài nước cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá sẽ ảnh hưởng rất lớn lên lạm phát. Ngược lại, tôi tin rằng sự giảm giá đồng nội tệ lần này sẽ không có tác động lớn đến lạm phát.

Theo tính toán của chúng tôi, thông thường 1% mất giá của đồng nội tệ sẽ có ảnh hưởng tổng quan lên lạm phát khoảng 0.18 điểm. Tuy nhiên, lần này bởi  phần lớn sự sụt giá đồng VND đã phản ánh vào lạm phát, khi thị trường liên ngân hàng đã được giao dịch ở mức 21.000 đồng/USD trong 4 tháng. Có thể giá xăng dầu là một trong những mặt hàng bị ảnh hưởng lớn từ việc điều chỉnh tỷ giá trong đợt này.

Do đó, chúng tôi tiếp tục giữ lạm phát dự báo của chúng tôi như sau: cho đến tháng 7-8 năm nay, CPI ở mức 12-13% so với cùng kỳ năm 2010, sau đó đạt đỉnh và đến cuối năm đạt 10% so với năm 2010.

Việc điều chỉnh tỷ giá sẽ tác động ít nhiều đến quỹ đầu tư nước ngoài.Ông đánh giá như thế nào về mức độ tác động lên hoạt động/giá trị tài sản ròng của các quỹ nước ngoài đã đầu tư ở Việt Nam từ trước?

Trước mắt vì tài sản ròng của các nhà đầu tư nước ngoài được tính bằng USD, nên khi tỷ giá điều chỉnh giảm thì giá trị tài sản ròng của nhà đầu tư sẽ bị giảm ngay. Điều này đương nhiên là ảnh hưởng xấu đến các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, nếu chính sách này tạo được sự ổn định về kinh tế vĩ mô và liên thông giữ tỷ giá chính thức và không chính thức thì khả năng huy động vốn và làm ăn của các nhà đầu tư nước ngoài cũng tốt hơn. Đó cũng là điều chúng tôi hy vọng sẽ xảy ra.

Tỷ giá là kết quả của các chính sách vĩ mô khác của Việt Nam. Do đó, việc điều chỉnh tỷ giá chỉ là một bước trong nhiều bước để ổn định vĩ mô. Nói một cách khác ngắn gọn là việc kiểm soát lạm phát, cán cân thanh toán, và đầu tư hiệu quả vẫn là những câu hỏi phải được trả lời thật tốt. Nếu không chính sách tỷ giá sẽ còn nhiều khó khăn.

Cảm ơn ông!