Du lịch tăng trưởng tốt và cơ hội cho bất động sản

Theo Minh Sơn/thoibaokinhdoanh.vn

Tăng trưởng du lịch đang góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm lưu trú, khách sạn, nhất là bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng. Đặc biệt, vào các dịp nghỉ lễ như 2/9 năm nay, sự thay đổi về thị hiếu, nhu cầu của khách du lịch đang đặt ra những cơ hội cho doanh nghiệp BĐS nghỉ dưỡng.

 Tăng trưởng du lịch đang góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm lưu trú, khách sạn, nhất là BĐS nghỉ dưỡng. Nguồn: Internet
Tăng trưởng du lịch đang góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm lưu trú, khách sạn, nhất là BĐS nghỉ dưỡng. Nguồn: Internet

Báo cáo khảo sát ngành dịch vụ khách sạn năm 2018 của Grant Thornton cho thấy, Việt Nam là điểm đến du lịch phát triển nhanh thứ 6 trên thế giới và nhanh nhất châu Á. Trong năm 2017, ngành du lịch đã tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2016, vượt kỳ vọng của Chính phủ năm thứ 2 liên tiếp.

Cũng theo báo cáo này, tổng lượng khách du lịch của Việt Năm tăng 19%, từ 72 triệu lượt năm 2016 tới 86 triệu lượt năm 2017. Trong đó, lượng khách quốc tế tăng 29%, lượng khách nội địa tăng 18%.

Sôi động thị trường khách sạn

Riêng 6 tháng đầu năm 2018, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam đạt xấp xỉ 7,9 triệu lượt (tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2017); khách du lịch nội địa ước đạt 42,8 triệu lượt (khách lưu trú đạt 20,5 triệu lượt); tổng thu từ khách du lịch đạt 312.000 tỷ đồng (tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2017).

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch đã giúp ngành khách sạn có một năm thực sự sôi động. Giá phòng bình quân năm 2017 đã tăng 2,8% so với năm 2016, từ 89,3 USD lên đến 91,8 USD.

Sau sự sụt giảm nhẹ vào năm 2016, giá phòng bình quân của khách sạn 5 sao đã có dấu hiệu hồi phục, tăng 4,2% so với năm ngoái. Giá phòng khách sạn 4 sao cũng tăng nhẹ ở mức 1%.

Theo khu vực, giá phòng bình quân ở cả ba vùng đều có sự cải thiện, với khu vực miền Trung tăng mạnh nhất ở mức 5,7%, tiếp đó là miền Bắc ở mức 4,4%. Miền Trung tiếp tục có mức tăng trưởng cao nhất thể hiện qua việc công suất phòng và giá phòng đều tăng so với năm ngoái.

Công suất thuê năm 2017 cũng có sự cải thiện rõ rệt với mức tăng khoảng 5% cho cả hai hạng sao, 4,8% cho khách sạn 4 sao và 5% cho 5 sao. Công suất thuê phòng khách sạn 5 sao đạt 75,2% so với mức 69,2% năm 2016. Tại phân khúc khách sạn 4 sao cũng đạt 72,2% năm 2017 so với mức 69,4% năm 2016.

Bên cạnh nhu cầu du lịch, thị hiếu của khách du lịch cũng thay đổi rất nhiều so với trước. Cùng với sự phát triển kinh tế, tầng lớp trung lưu và người giàu ngày càng gia tăng, khách du lịch hiện nay thường có xu hướng chọn những khách sạn, resort 4 - 5 sao với đầy đủ tiện ích thay vì những "nhà nghỉ" dưới 3 sao như trước đây.

Trong khi đó, theo bà Dương Mai Lan - Giám đốc Ascend Travel, chất lượng ngành khách sạn của Việt Nam dù đã cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây nhưng vẫn chưa thực sự đồng bộ, thiếu nhiều khách sạn cao cấp, khiến thị trường du lịch Việt Nam chưa thực sự hấp dẫn các khách du lịch thượng lưu của cả trong và ngoài nước.

Cơ hội của BĐS du lịch

Chị Trần Thu Huyền cùng nhóm bạn trú tại Cầu Giấy, Hà Nội dự định đi du lịch Quảng Ninh vào 3 ngày nghỉ lễ 2/9. Dù gọi điện thoại trước 2 tuần nhưng các khách sạn tiêu chuẩn 5 sao chị liên hệ đều lắc đầu không còn phòng. Không từ bỏ ý định, chị tiếp tục gọi điện thoại đến các công ty du lịch làm dịch vụ đặt phòng nhưng cuối cùng, chị vẫn nhận được cái lắc đầu.

Chị tiếp tục gọi điện thoại tới Crown Quảng Ninh tiêu chuẩn 3 sao, với mức giá 1,6 triệu đồng/phòng/đêm. Tuy nhiên, chị phải chờ tới nửa ngày mới nhận được câu trả lời của khách sạn vì mới có một gia đình hủy chuyến đi.

Theo một số doanh nghiệp BĐS, tình trạng thiếu phòng vào dịp nghỉ lễ như 2/9 thường xuyên diễn ra, do nhu cầu khách tăng cao, năm nay tăng 20% so với 2017, khiến những khách sạn 4 - 5 sao luôn lấp đầy.

Đại diện Tập đoàn Mường Thanh cho biết, tỷ lệ khách lưu trú ngày 2/9 lên tới 80%, 20% còn lại là khách nước ngoài thuê dài hạn.

Tập đoàn FLC cũng trong tình trạng tương tự, tỷ lệ phòng lấp đầy ngày 2/9 lên tới hơn 80%, còn lại là khách lưu trú dài hạn.

Điều đáng chú ý, năm nay 2/9 rơi vào 3 ngày nghỉ nên các gia đình cũng có nhiều lựa chọn cho chuyến đi của mình. Nếu ở miền Bắc do vào thời điểm giao mùa nên nhiều khách lựa chọn lưu trú tại Sapa, Tam Đảo, Hoà Bình và thăm thắng cảnh Hạ Long.

Còn ở miền Trung và miền Nam, du lịch nghỉ dưỡng biển vẫn là lựa chọn số một. Do đó, tỷ lệ lấp đầy tại các khách sạn 4-5 sao như Novotel, Hòa Bình, hệ thống Vinpearl, Arena, Flora Beach Hotel & Spa Đà Nẵng… đạt 80-90%.

Theo thống kê của các công ty nghiên cứu BĐS, dịch vụ lưu trú khách sạn và resort 4 - 5 sao dịp mùng 2/9 năm nay bùng nổ là do sự phân bố cung - cầu không hợp lý tại các khu vực, các điểm nghỉ dưỡng trên toàn quốc. Do đó, có những khu vực luôn trong tình trạng cháy phòng lưu trú.

Hơn nữa, lượng phòng đang thiếu chính là lý do khiến công suất khai thác phòng của các thành phố du lịch lớn luôn ở mức trung bình trên 70%. Tại những mùa du lịch cao điểm, hầu như các khách sạn 4 - 5 sao đều kín phòng, khách du lịch muốn có phòng thông thường phải đặt trước 1 - 2 tháng.

Theo bà Trịnh Kim Dung - Giám đốc Bộ phận Tư vấn Grant Thornton Việt Nam, với xu hướng tăng trưởng du lịch, các dự án khách sạn, BĐS nghỉ dưỡng, condotel cũng vì thế đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư.

Triển vọng của thị trường này được dự báo sẽ phát triển rất tốt trong thời gian tới. Khách du lịch cũng mong mỏi viễn cảnh đặt phòng khách sạn vào những ngày lễ sẽ không còn khó khăn nữa.