'Đua' lãi suất huy động USD


ừ vài tuần trở lại đây, mặt bằng lãi suất huy động USD của các ngân hàng ngày một tăng lên, lãi suất này đã cán mức 6,1%/năm và chưa có dấu hiệu dừng ở mức này.

 Lãi suất USD “nóng”
Từ giữa tháng 1.2011, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VIETBANK) tăng lãi suất huy động USD từ 0,9% - 1,3%/năm so với mức lãi suất cũ. Lãi suất huy động USD kỳ hạn 6 tháng lên 5,9%/năm; lãi suất tiết kiệm và tiền gửi thanh toán kỳ hạn 12 tháng là 6%/năm.
Mức lãi suất huy động USD cao nhất thuộc về Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa là 6,1%/năm đối với kỳ hạn 6, 9, 12 tháng; các kỳ hạn còn lại ở mức 5,2% - 5,9%/năm. Mức lãi suất huy động USD phổ biến của các ngân hàng có vốn điều lệ khoảng 3.000 tỉ đồng như Ngân hàng TMCP Phương Tây, Đại Á, Việt Á... từ 5% - 5,5%/năm. Còn đối với các Ngân hàng TMCP lớn như Á Châu (ACB), Xuất nhập khẩu (Eximbank), Ngoại thương..., mức lãi suất huy động USD ngấp nghé ở gần mức 5%/năm.

Thông thường lãi suất huy động USD tăng khi nhu cầu vay USD tăng. Theo thông tin từ một ngân hàng cổ phần có mức lãi suất huy động USD khoảng 6%/năm, NH này không có nguồn USD để cho vay nên buộc phải tăng mạnh lãi suất huy động USD cao.

Phân tích về mức chênh lệch lãi suất cho vay tiền đồng và USD hiện nay sẽ dễ hiểu nhiều doanh nghiệp lựa chọn vay USD. Lãi suất cho vay tiền đồng đối với doanh nghiệp hiện ở mức 18% - 19%/năm, trong khi lãi suất cho vay USD ở khoảng 7% - 8%/năm. Eximbank là một trong những ngân hàng có thế mạnh về huy động và cho vay ngoại tệ thế nhưng nguồn tin từ ngân hàng này cho hay cho vay USD không tăng đột biến.

Căn bệnh chủ yếu ở đợt tăng lãi suất lần này được đánh giá là do thanh khoản. lãi suất huy động tiền đồng được khống chế ở mức 14%/năm, một số ngân hàng vượt rào đẩy lãi suất lên khoảng 16%/năm bằng các hình thức tặng thêm quà, tiền. Thế nhưng việc huy động tiền đồng không mấy dễ. Trong khi đó lãi suất huy động USD không bị khống chế ở khối khách hàng cá nhân (lãi suất huy động USD đối với doanh nghiệp khống chế 1%/năm).

Cứ mỗi lần ngân hàng gặp mất thanh khoản, lãi suất huy động USD bị đẩy lên và cuộc đua lãi suất huy động USD bắt đầu xuất phát từ 3,5%/năm cho đến nay đã lên 6,1%/năm (tăng gần 100%).

Theo quy định, khoảng 30% lượng USD mà ngân hàng huy động được phép chuyển đổi sang tiền đồng (trước đây trạng thái 30% này còn có vàng nhưng vừa qua lượng vàng huy động được của ngân hàng không được quy đổi sang tiền đồng) nên nguồn cung USD này phần nào góp phần làm cho giá USD giảm xuống, hiện nay dao động quanh mức 21.000 đồng/USD.

TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng lãi suất huy động USD ở mức 6%/năm chỉ xảy ra ở một số ngân hàng, điều này cho thấy sự thiếu USD là cục bộ, chứ không phải toàn bộ các ngân hàng đều thiếu và sự mất thanh khoản xảy ra không đều. Trường hợp các ngân hàng đều tăng lãi suất lên 6%/năm thì thị trường thật sự mới có vấn đề.

Cẩn trọng khi vay

Theo TS Lê Thẩm Dương, thực trạng thị trường USD Việt Nam hiện nay có hiện tượng đáng quan ngại. Trước đây, giá USD thế giới giảm thì USD trong nước tăng và bây giờ giá USD có xu hướng giảm nhưng lãi suất huy động USD tăng. Lượng USD vào Việt Nam ngày càng tăng chẳng hạn kiều hối (tính cả năm 2010 lên 8 tỉ USD), đầu tư... nhưng lúc nào cũng cảm thấy thiếu USD. Vấn đề là các ngân hàng không huy động được nguồn kiều hối mà lượng ngoại tệ này nằm trong dân rất nhiều. Ngân hàng tăng lãi suất huy động USD nhưng không huy động được nên tiếp tục tăng lên.

Ông Lý Xuân Hải - Tổng giám đốc ACB nhận xét lãi suất huy động USD cao như hiện nay là điều bất hợp lý. Lãi suất USD trên thế giới ở khoảng 0,5% - 1%/năm, trong khi Việt Nam lên hơn 6%/năm. Lãi suất huy động USD cứ tăng như vậy thì khó có thể nào kéo lãi suất huy động tiền đồng giảm. So sánh lạm phát Việt Nam và Mỹ, mức chênh khoảng 8%/năm nên mức lãi suất huy động tiền đồng và USD cũng chênh khoảng mức này.

Ông Dương cho rằng tình trạng các doanh nghiệp vay USD ngày càng nhiều (khi lãi suất cho vay tiền đồng và USD có mức vênh khá lớn) là mối nguy hiểm. Bởi doanh nghiệp sẽ không thể nào lường trước được sự biến động của lãi suất, tỷ giá. Doanh nghiệp vay USD và bán ra với mức giá niêm yết, đến thời hạn trả nợ ngân hàng thì phải mua theo giá tự do. Mức chênh lệch tỷ giá trong và ngoài ngân hàng cao nhất vừa qua lên đến 10% cộng với lãi suất vay USD thì nhiều khi doanh nghiệp chưa chắc được lợi.

Hơn nữa, áp lực trả nợ USD nếu rơi vào cùng một thời điểm sẽ dẫn đến nhu cầu tăng cao đẩy giá USD tăng. Cơ quan chức năng cần có giải pháp để giảm lãi suất huy động USD để từ đó lãi suất huy động tiền đồng giảm xuống chứ hiện nay khu vực sản xuất kinh doanh đang chịu không nổi với mức lãi suất cho vay tiền đồng. Còn giảm lãi suất huy động tiền đồng mà không giảm lãi suất huy động USD, lúc đó sẽ xảy ra tình trạng người dân đi mua USD gửi, làm cho giá USD tăng.

 


Theo Thanh Xuân - Thanh Niên