Ế ẩm quyền mua cổ phần

Theo ĐTCK

Phát hành cho cổ đông hiện hữu với giá ưu đãi, thậm chí bằng mệnh giá là một trong những cách tăng vốn được nhiều DN lựa chọn. Trong bối cảnh thị trường sụt giảm mạnh, nhiều NĐT không muốn thực hiện quyền mua và muốn chuyển nhượng.

 

Tuy nhiên, giao dịch không thực sự sôi động khi triển vọng tăng giá cổ phiếu là không nhiều và nhất là cơ chế giao dịch quyền mua khó khăn.

Cung vượt xa cầu

Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP. HCM (HFIC) thực hiện bán đấu giá gần 15 triệu quyền mua cổ phần (CP) Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP. HCM (HDBank) với giá khởi điểm 110 đồng/quyền. Khi sở hữu 4 quyền mua, NĐT sẽ được mua 1,16 CP mới với giá 10.000 đồng/CP. Kết quả, chỉ có 2 NĐT trong nước tham gia đấu giá 5.035 quyền mua và khối lượng quyền mua bán được chỉ là 4.830 quyền mua. Như vậy, một lượng rất lớn quyền mua bị ế ẩm.

Một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến việc NĐT không quan tâm đến cuộc đấu giá này là giá khởi điểm đưa ra quá cao (110 đồng/quyền) so với quyền lợi NĐT được hưởng (sở hữu 4 quyền mua mới được mua 1,16 CP mới). Một nguyên nhân khác là giá CP HDBank giao dịch trên thị trường tự do rất thấp, ở mức 10.200 đồng/CP.

Trong đợt phát hành bổ sung của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) gần đây, đã có 357.212 cổ phiếu bị từ chối mua trong khi giá phát hành cũng chỉ là 10.000 đồng/CP và giá hiện tại đang giao dịch trên thị trường niêm yết là gần 20.000đ/CP. Để đợt phát hành được thành công, số cổ phiếu cổ đông từ chối mua và cổ phiếu lẻ phát sinh là 357.212 cổ phiếu được bán cho Công đoàn Vietinbank với giá bán 10.000 đồng/CP (bằng giá phát hành cho cổ đông hiện hữu).

Trước sức ép tăng vốn theo lộ trình quy định của Nghị định 141/2006/NĐ-CP, tới đây, nhiều ngân hàng TMCP sẽ phải thực hiện tăng vốn làm nguồn cung cổ phiếu tăng lên đột biến. Không ít cổ đông của các ngân hàng này là DN hoặc đơn vị có vốn nhà nước. Sau những vụ đầu tư dàn trải kém hiệu quả của một số DNNN, điển hình là Vinashin, Chính phủ đã yêu cầu rà soát và thu hẹp đầu tư ngoài ngành. Do đó, khi các ngân hàng tăng vốn, các cổ đông có vốn nhà nước hoặc không có nguồn lực tài chính hoặc không muốn nâng tỷ lệ sở hữu nên đã thực hiện đấu giá quyền mua cổ phần.

Sau HFIC đấu giá quyền mua cổ phần HDBank, CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) cũng thực hiện đấu giá quyền mua CP của Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) trong đợt phát hành tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng. VOSCO thực hiện đấu giá toàn bộ quyền mua thêm trên 4,15 triệu CP MSB với giá khởi điểm là 150 đồng/quyền mua 1 cổ phiếu. Hiện tại, VOSCO đang nắm giữ 7.090.945 cổ phần của Maritime Bank.

Trong đợt tăng vốn từ hơn 1.631,8 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) phát hành thêm 26,108 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông theo tỷ lệ 16%, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu (sở hữu 10 CP sẽ được mua 1,6 CP mới). Khác với HDBank, tại Ngân hàng TMCP Việt Á, HIFC đưa ra mức giá khởi điểm khá thấp, 43 đồng/quyền mua trong đợt đấu giá CP phát hành thêm tại Ngân hàng này. Số quyền mua được đưa ra đấu giá tương ứng 3,82 triệu CP được mua, thời gian thực hiện đấu giá là 12/11/2010. Việc HIFC đưa ra mức giá khởi điểm khá thấp trong cuộc đấu giá quyền mua là do tiềm lực của VietABank và HDBank khác nhau.

Cần một cơ chế giao dịch

Khi biết hơn 9.000 CP phát hành thêm trong đợt tăng vốn từ 600 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng của CTCP Quốc Cường Gia bị cổ đông hiện hữu từ chối quyền mua, một số NĐT đã tỏ ra nuối tiếc. "Trong khi giá CP này đang giao dịch trên thị trường là 30.000 đồng/CP, việc mua CP mới với giá 15.000đ/CP là khoản đầu tư khá hấp dẫn. Thậm chí bỏ thêm ra 3.000 đồng để mua một quyền mua thì khoản đầu tư này vẫn có lãi", NĐT Lê Ngọc Hoàng cho biết. Tuy nhiên, người sở hữu quyền mua đã không gặp người bán và cuối cùng, số CP kể trên, DN đã phân phối cho các NĐT khác.

Là một dạng chứng khoán phái sinh nhưng giao dịch quyền mua trên TTCK Việt Nam hiện diễn ra rất hạn chế. Do chỉ là quyền mua nên NĐT sẽ phải thực hiện thêm một số thủ tục để sở hữu CP. Từ khi mua CP phát hành thêm đến khi về tài khoản là khoảng thời gian dài, khiến NĐT e ngại với việc mua CP phát hành thêm chứ chưa nói đến quyền mua CP phát hành thêm. Hơn nữa, việc giao dịch quyền mua hiện nay rất khó khăn và hầu như chỉ dành cho NĐT tổ chức mua với khối lượng lớn nhằm mục tiêu đầu tư dài hạn. NĐT cá nhân muốn bán hoặc mua quyền mua tự liên hệ để khớp nối cung cầu. Hiện các môi giới OTC cũng ít để ý đến các giao dịch như thế này, bởi thị trường OTC đóng băng trên diện rộng.

Giám đốc một DN chuyên đăng tin mua - bán CP OTC cho biết, tới đây, doanh nghiệp này sẽ đưa thêm các thông tin liên quan đến giao dịch quyền mua bởi đây là một nhu cầu có thực.

"Để các đợt phát hành được thành công, có nhiều yếu tố, trong đó, việc tạo thanh khoản cho các chứng khoán phái sinh như quyền mua CP là điều rất cần thiết", vị giám đốc kể trên cho biết.

Tuy nhiên, trong khi cơ quan quản lý không thực sự quan tâm đến việc tạo thanh khoản cho CP trên thị trường OTC thì việc giao dịch quyền mua vẫn chỉ là sự tự phát giữa các bên. Một câu hỏi đặt ra là trong khi chưa có quy định cụ thể liên quan đến chứng khoán phái sinh, những tranh chấp trong giao dịch quyền mua sẽ được xử lý ra sao?