Gần 1.500 dự án chậm tiến độ bị rà soát, xử lý

Theo Vạn Xuân/bizlive.vn

48 tỉnh, thành phố đã rà soát thực hiện xử lý gần 1.500 dự án chậm triển khai với tổng diện tích gần 23.000 ha đất, trong đó thu hồi, hủy bỏ chủ trương đầu tư gần 15.000 ha.

Gần 1.500 dự án chậm tiến độ bị rà soát, xử lý.
Gần 1.500 dự án chậm tiến độ bị rà soát, xử lý.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, để xử lý các dự án chậm triển khai, Bộ đã trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg để yêu cầu rà soát, xử lý địa phương. Yêu cầu địa phương thực hiện Quy định điều kiện để nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất trong Luật Đất đai 2013 (phải có năng lực tài chính, phải ký quỹ, nếu được gia hạn dự án theo quy định của Luật thì phải nộp thêm tiền sử dụng đất…) để sàng lọc nhà đầu tư kém năng lực, đầu cơ, giữ đất.

Trong năm 2018, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, 48 tỉnh, thành phố đã rà soát thực hiện xử lý gần 1.500 dự án chậm triển khai với tổng diện tích gần 23.000 ha đất, trong đó thu hồi, hủy bỏ chủ trương đầu tư gần 15.000 ha.

“Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương ra soát, xử lý thu hồi các dự án chậm triển khai; Ban hành Luật Đất đai về thu hồi đất bỏ hoang do chậm tiến độ”, ông Thành cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, cuối tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Tại văn bản này, ngoài yêu cầu đề nghị các cơ quan liên quan tiến hành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất đối với một số loại hình bất động sản mới, Thủ tướng còn yêu cầu tiến hành kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản đã có quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày chỉ thị này được ban hành, đặc biệt là các dự án bất động sản nhà ở cao cấp để xử lý theo hướng sau: Đối với các dự án không triển khai, để đất hoang hóa hoặc triển khai chậm thì kiên quyết thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai.

Đối với các dự án bất động sản nhà ở trung, cao cấp đang tồn kho hoặc chủ đầu tư có nhu cầu điều chỉnh quy mô căn hộ sang phân khúc bình dân hoặc làm nhà ở xã hội thì cần giải quyết ngay thủ tục cho phép chuyển đổi, hoàn thành trong quý III/2019.

Cùng với đó, có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang tồn tại đối với các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở phân khúc bình dân, giá thấp đang gặp khó khăn trên phạm vi địa bàn.