Gay gắt “truy” việc xử lý “đất vàng” Hà Nội bỏ hoang

Theo Báo Pháp luật

Đất đai là nguồn lực quan trọng nên chấm dứt tình trạng nhiều dự án để đất hoang hóa, lãng phí, sử dụng sai mục đích trong khi không có quỹ đất cho nhiều công trình công cộng là một đề tài nóng bỏng của phiên chất vấn và trả lời chất tại kỳ họp thứ 6 Hội đồng Nhân dân TP.Hà Nội hôm qua (5/12).

Gay gắt “truy” việc xử lý “đất vàng” Hà Nội bỏ hoang
Hà Nội sẽ kiên quyết trong việc thu hồi đất bỏ hoang.

Hoang vì… “chờ” qui hoạch

Trước tình trạng nhiều dự án được giao đất nhiều năm song chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai đề nghị Phó Chủ tịch UBND thành phố trả lời thẳng vào vấn đề “nhiều khi đất “vàng” để hoang do vướng quy hoạch năm 2012 mà tốc độ làm quy hoạch rất chậm, làm sao để doanh nghiệp (DN), người dân yên tâm đất mình không nằm trong vùng có quy hoạch?”. Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh thừa nhận: “Đây là thực trạng bức xúc trên địa bàn Thủ đô. Từ năm 2009 đến nay, thành phố đã chỉ đạo quyết liệt để giải quyết và đến năm 2013 sẽ quyết liệt hơn nữa”.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, “nguyên nhân tình trạng dự án để hoang hóa nhiều cơ bản nhất là do có một số chủ đầu tư không gương mẫu thực hiện luật, hơn 700 chủ đầu tư vi phạm pháp luật về đất đai. Quan điểm của  thành phố là tất cả dự án trên địa bàn có dấu hiệu vi phạm đều thanh tra, xử lý quyết liệt nhưng có lúc có nơi việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai chưa tốt”.

Để chấm dứt tình trạng này, UBND thành phố xác định 6 nhóm giải pháp khắc phục nhưng đặc biệt quan tâm tháo gỡ khó khăn cho DN về giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính và quy hoạch vì lý do khiến đất hoang hóa có nguyên nhân “chờ quy hoạch”. thành phố sẽ tiếp tục rà soát kiểm tra tiến độ các đơn vị được gia hạn sử dụng đất; sau thời gian đó, “nếu dự án tiếp tục đưa đất vào sử dụng, thành phố tạo điều kiện; nếu vẫn để hoang hóa thì buộc phải thu hồi”, ông Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh.

Với giải pháp xử lý các vi phạm từ thấp đến cao, đặc biệt mức phạt sẽ tăng gấp đôi theo Luật Thủ đô, ông Khanh cho rằng “việc nâng mức phạt sẽ có tác động trực tiếp với DN vi phạm, đủ sức răn đe khắc phục tình trạng “DN vui vẻ nộp phạt vì mức phạt quá thấp” còn đất vẫn để hoang hóa”.

“Không có chuyện DN thì làm nhẹ nhàng”

Từ tình trạng 80% khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Hoài Nam đặt câu hỏi về “trách nhiệm của các Sở, ngành trong công tác quản lý đất chưa chặt chẽ, việc lựa chọn chủ đầu tư kém, chủ đầu tư thay đổi mục đích sử dụng đất”.

Một số đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố không tán thành nguyên nhân “vì DN khó khăn nên chưa triển khai dự án. Có DN 10 năm không triển khai dự án, quây rào bán bia, gửi xe ở vị trí đắc địa. Trong khi DN vi phạm pháp luật rất rõ nhưng thu hồi đất rất khó khăn, còn thu hồi đất của dân thì rất quyết liệt, thậm chí tổ chức cưỡng chế, phải chăng có vấn đề khuất tất ở đây?”.

Nhận thấy tình trạng “giải phóng mặt bằng xong để đấy khi người dân mất nhà, mất đất sản xuất còn DN chây ì không sử dụng đất đúng mục đích lại không bị xử lý” là phổ biến hiện nay, đại biểu Nguyễn Hoài Nam đề nghị thành phố: “Phải kiên quyết  với dự án chây ì mới đem lại niềm tin cho người dân. Nếu không cương quyết sau này rất khó khăn cho chính công tác giải phóng mặt bằng”.

Với những chất vấn này, Phó Chủ tịch UBDN thành phố khẳng định “thành phố tuyệt đối không có chuyện dân làm quyết liệt, DN làm nhẹ nhàng trong xử lý các vấn đề liên quan đến đất đai vì các cá nhân đều bình đẳng theo quy định của luật. Chỉ có điều cần xử lý từ thấp đến cao, vi phạm đến đâu xử lý đến đấy”. Để nhấn mạnh hơn nữa, đại diện UBND thành phố hứa “cơ quan nào bao che, bảo kê, dung túng DN vi phạm, thành phố sẵn sàng thanh kiểm tra và xử nghiêm theo luật”.  

Còn giải pháp hiện nay của thành phố là tập trung xây dựng quy hoạch, sau đó rà soát xác định đơn vị nào tiếp tục và không tiếp tục làm theo quy hoạch…