Giá thuê văn phòng tại Việt Nam còn khiêm tốn so với khu vực

Theo Nhật Bình/reatimes.vn

Mới đây, Báo cáo khảo sát Prime Benchmark - Xác định quy chuẩn giá thuê do Savills Châu Á – Thái Bình Dương thực hiện đã chính thức được công bố. Bản báo cáo cung cấp những thông tin chi tiết bao gồm: Giá thuê, phí quản lý và các mức thuế của chính phủ tại một số BĐS trọng điểm, thuộc các thành phố khác nhau trong khu vực Châu Á.

 Giá thuê văn phòng tại Việt Nam còn khiêm tốn so với khu vực. Nguồn: internet
Giá thuê văn phòng tại Việt Nam còn khiêm tốn so với khu vực. Nguồn: internet

Nội dung báo cáo khảo sát cho thấy, đồng đô la Mỹ mất giá so với hầu hết các loại tiền tệ của châu Á từ 0,6-6,8% trong nửa đầu năm 2017. Điều này được phản ánh trong việc giá thuê tính bằng đô la Mỹ của các loại hình BĐS phát sinh thu nhập tại khu vực châu Á có giá cao hơn.

Ở phân khúc văn phòng, nếu tính bằng nội tệ, thị trường cho thuê văn phòng cao cấp tại hầu hết các thành phố đều có sự tăng nhẹ, nhưng nhiều nơi hiện đang trong giai đoạn cuối tăng trưởng hoặc suy giảm.

Theo Savills, Trung Quốc là một bức tranh đa màu sắc. Trong khi thị trường cho thuê văn phòng ở Thượng Hải và Quảng Châu có sự tăng trưởng khiêm tốn thì Bắc Kinh và Thẩm Quyến lại giảm nhẹ. Hồng Kông hoạt động tốt nhất do các doanh nghiệp tài chính Trung Quốc mở rộng kinh doanh.

Ông Troy Griffths, Phó giám đốc Savills Việt Nam nhận định: “Nếu so sánh trong khu vực thì giá thuê văn phòng tại Việt Nam còn khá khiêm tốn. Tuy vậy, trên  thực tế, nhiều tòa nhà văn phòng đạt công suất cho thuê 100% và ngày càng khó tìm mặt bằng cả sàn trống, giá thuê nhiều khả năng sẽ tăng trong trung hạn”.

 Giá thuê văn phòng tại Việt Nam còn khiêm tốn so với khu vực  - Ảnh 1Dao động về chi phí cho thuê văn phòng tại các nước thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

 Giá thuê văn phòng tại Việt Nam còn khiêm tốn so với khu vực  - Ảnh 2Chi phí thuê trung bình tại các nước thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Đối với thị trường bán lẻ, theo Savills, thị trường này trong khu vực dao động từ -13.7% ở Singapore đến +8.3% ở Osaka, Nhật Bản. Số lượng khách du lịch Trung Quốc và Hàn Quốc đến Nhật Bản tăng mạnh đã thúc đẩy sự phát triển của ngành bán lẻ nơi đây. Tình hình hoạt động của thị trường Singapore giảm mạnh do nguồn cầu ngày càng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự phát triển chóng mặt của ngành bán lẻ trực tuyến.

Nhận xét về tình hình bán lẻ tại Việt Nam, ông Troy Griffths, cho biết, thị trường càng lúc càng trở nên sôi động bởi sự gia nhập của các nhà bán lẻ mới. Tất cả các chỉ số của ngành bán lẻ đều khả quan. “Tuy vậy liệu việc mở rộng theo xu hướng đương đại có được đền đáp bằng một con số doanh thu bán lẻ tương xứng?”, ông Troy Griffths đặt câu hỏi.

Ở phân khúc căn hộ dịch vụ cao cấp, Savill cho rằng, hầu hết các thị trường đều ở đầu giai đoạn suy giảm. Giá thuê trung bình dao động từ -5.0% ở Singapore đến +7.9% ở Thẩm Quyến. Nếu tính bằng đô la Mỹ, giá thuê ở hầu hết các thị trường trong khu vực đều tăng. Trong đó, Seoul là thị trường tăng mạnh nhất 11.4%.

Tại Việt Nam, nguồn vốn FDI mạnh tiếp tục thúc đẩy tình hình hoạt động khả quan của phân khúc căn hộ dịch vụ. Các doanh nghiệp bậc 2 và các doanh nghiệp vừa và nhỏ nay là đối tượng tập trung phát triển của phân khúc này.

Đánh giá về thị trường khách sạn, Savills Việt Nam cho rằng, chính sách miễn thị thực cho các nước EU đã có tác động mạnh mẽ đến mức giá phòng khách sạn tại Hà Nội, với mức tăng cao nhất trong khu vực, 50%. Mức giá phòng khách sạn ở Singapore, Manila và Kuala Lumpur cũng tăng lần lượt là 11,6%, 8,9% và 7,4.

Tình hình hoạt động xuất sắc của thị trường khách sạn tại Việt Nam tiếp diễn nhờ một số lượng lớn khách du lịch Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc. Các dự án nghỉ dưỡng và dịch vụ lưu trú đang nở rộ do các chủ đầu tư muốn giữ vững hoặc cải thiện vị thế của mình trên thị trường.