Giải pháp phòng cháy chữa cháy: Ý thức cư dân phải được đặt lên hàng đầu

Theo Mạnh Tiến/kinhtenongthon.com.vn

Sau vụ hoả hoạn tại chung cư Carina Plaza, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã trở thành tâm điểm của dư luận. Tuy nhiên, để công tác này thực sự hiệu quả, bên cạnh sự vào cuộc của ngành chức năng thì ý thức của cư dân sinh sống tại các chung cư trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh phải được đặt lên hàng đầu.

Sau vụ hoả hoạn tại chung cư Carina Plaza, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã trở thành tâm điểm của dư luận. Nguồn: internet
Sau vụ hoả hoạn tại chung cư Carina Plaza, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã trở thành tâm điểm của dư luận. Nguồn: internet

Hơn 1.000 vụ cháy trong năm 2017

Liên quan đến công tác PCCC, mới đây, Sở Cảnh sát PCCC, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng báo Thanh Niên tổ chức hội thảo “Giải pháp an toàn khi cháy nổ ở chung cư”. Báo cáo tại hội thảo, đại diện Sở cảnh sát PCCC thông tin, trong năm 2017, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh xảy ra trên 1.000 vụ cháy, làm chết 26 người, bị thương 44 người, thiệt hại về tài sản khoảng 92,5 tỉ đồng.

Trong số hơn 1.000 chung cư tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay, có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 đã hết niên hạn sử dụng, không có hệ thống PCCC nhưng lại tồn tại nhiều căn hộ được cơi nới, rào chắn, không có lối thoát hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Cùng với đó, nhiều cao ốc, căn hộ được xây dựng trong các con hẻm nhỏ, gây khó khăn cho công tác PCCC khi xảy ra sự cố cháy nổ. Đáng chú ý, hiện nay trên địa bàn thành phố có 7 chung cư chưa được nghiệm thu PCCC đã đưa người dân vào sinh sống.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, cho biết, trong những năm gần đây, tại thành phố, việc xây dựng, phát triển chung cư, nhà cao tầng diễn ra mạnh mẽ. Cụ thể, trong 5 năm trở lại đây, tỉ lệ phát triển căn hộ chiếm 24,6% tổng số xây dựng mới, trước đây chỉ chiếm tối đa khoảng 10%. Việc phát triển nhà chung cư với tốc độ nhanh như hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách về nhà ở cho người dân thành phố, nhưng gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.

“Tuy nhiên, điều đáng nói là, người dân sống ở chung cư nhưng không mấy quan tâm đến công việc chung, ý thức trách nhiệm của người dân chưa cao. Do đó, công tác tuyên truyền cần phải sâu rộng, đặc biệt cho cư dân sống ở chung cư cũng như các chủ thể khác”, ông Hải nói.

Theo Đại tá Huỳnh Ngọc Quan, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy, Cảnh sát PCCC TP. Hồ Chí Minh, trước đây, chỉ trong vòng 1 tháng trên địa bàn thành phố có tới 22 người chết do các vụ cháy ở các nhà riêng lẻ, căn hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh. Vì thế không riêng gì chung cư mà đâu cũng vậy, nếu không có ý thức chấp hành an toàn PCCC thì cũng xảy ra nguy cơ cháy nổ. Đặc biệt với chung cư, đến nay số vụ cháy ít hơn so với nhà phố nhưng nếu không can thiệp kịp thời thì hậu quả là khôn lường.

Vị đại diện của Sở Cảnh sát PCCC cũng thông tin, trong 3 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn thành phố xảy ra 120 vụ cháy, trong đó có 1 vụ cháy nghiêm trọng tại chung cư Carina Plaza (quận 8), làm chết 13 người và làm bị thương hơn 50 người. Số liệu trên cho thấy, tỷ lệ cháy nổ tại chung cư so với với nhà phố riêng lẻ chưa phải là cao nhưng hậu quả để lại thì không thể lường hết được. Tuy nhiên, tình trạng cháy nổ xảy ra cháy nhiều nhất là nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất nhỏ lẻ (chiếm 40%). Nguyên nhân cháy chủ yếu là do sự cố hệ thống, thiết bị điện.

Cần nâng cao ý thức người dân

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Thanh Hải cho rằng, nếu không có ý thức PCCC thì nhà ở riêng lẻ cũng có nguy cơ cháy nổ. Với chung cư, rất cần ý thức tự giác, chấp hành của ban quản trị và người dân.

Liên quan vấn đề an toàn PCCC, mới đây, tại Hội nghị quán triệt Chỉ thị 04/CT - UBND của UBND TP. Hồ Chí Minh về triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đối với nhà chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn, Đại tá Trần Đức Tài, Phó giám đốc Sở Công an TP. Hồ Chí Minh, cho rằng, tình hình cháy nổ không chỉ xảy ra tại chung cư mà ở bất cứ nơi nào nếu không có ý thức bảo đảm an toàn PCCC. Nhất là gần đây, nguy cơ cháy nổ cao ở các cơ sở kinh doanh có điều kiện như vũ trường, quán bar, nhà hàng...

Có mặt tại buổi hội thảo, ông Trương Đăng Khoa, nạn nhân trong vụ cháy chung cư Carina cho biết, ở chung cư không phải không an toàn, vấn đề là chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước và chính cư dân cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về đảm bảo an toàn PCCC từ khâu đầu tư, thẩm duyệt dự án cho đến quản lý, vận hành và sử dụng căn hộ.

Tại hội thảo, ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Hưng Thịnh Corp, cho biết, từ trước đến nay, công ty luôn đảm bảo an toàn PCCC với sự kiểm tra, thẩm duyệt  của cảnh sát PCCC địa phương nơi dự án triển khai. Tuy vậy, sau sự cố chung cư Carina Plaza, Hưng Thịnh Corp vẫn chủ động bỏ ra 3 tỷ đồng mua bình chữa cháy mini tặng mỗi căn hộ để khách hàng an tâm. Tuy nhiên, để công tác PCCC thực sự hiệu quả, điều căn bản nhất vẫn là tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành của cư dân trong việc PCCC tại chính nơi mình đang sinh sống.

Cùng quan điểm này, trước đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) trong bài phát biểu của mình tại buổi triển khai Chỉ thị 04/CT - UBND cũng đánh giá về nguyên nhân dẫn đến mất an toàn PCCC tại chung cư và nhà cao tầng. Cụ thể, ông Châu cho rằng, nhiều hộ dân sống trong chung cư và cả những người làm việc, mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí tại các khu nhà cao tầng chưa nhận thức đầy đủ về công tác PCCC và nhất là chưa được huấn luyện kỹ năng PCCC, thoát nạn, cứu hộ, chưa được tham gia diễn tập PCCC.

“Vai trò quản lý nhà nước của chính quyền địa phương về công tác PCCC, trực tiếp là UBND phường, xã, thị trấn trên địa bàn là rất quan trọng. Đặc biệt là vai trò của lực lượng dân phòng khu phố, lực lượng tình nguyện PCCC trong chung cư, khu dân cư, để thực hiện nguyên tắc “3 tại chỗ”,  nhưng chưa được phát huy,” ông Châu nói.