Giữ nguyên lãi suất cơ bản, ngân hàng “kêu” về trần lãi suất

Theo TBKTSG và tổng hợp của PV TCTConlne

Ngày 26/1/2009, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản 8% trong tháng 2/2010. Điều này trước mắt có thể giúp ổn định tâm lý người dân, nhưng khó khăn trong huy động vốn của các ngân hàng vẫn chưa được tháo gỡ. Nhiều ngân hàng thương mại mong cơ chế lãi suất thỏa thuận sớm được Chính phủ và Quốc hội phê duyệt...

Hầu hết các ngân hàng đóng góp ý kiến trong buổi tổng kết công tác ngành ngân hàng tại TPHCM ngày 26-1 đều cho rằng cơ chế trần lãi suất cho vay và huy động đã khiến các ngân hàng khó khăn và nếu cứ tiếp diễn thì về lâu dài sẽ không tốt cho kinh tế vĩ mô.

 Ông Lê Kim Hòa, Giám đốc chi nhánh TPHCM của Ngân hàng BIDV, cho biết rằng hiện tại đang có nhiều méo mó trong cơ chế lãi suất của các ngân hàng khi hầu hết người gửi tiền cả đáo hạn và gửi mới đều chọn gửi kỳ hạn ngắn. Áp dụng các hình thức khuyến mãi để huy động vốn là vấn đề bình thường nhưng hiện nay giá trị khuyến mãi tính ra chiếm đến 30%-40% lãi suất đang niêm yết là vấn đề không bình thường nữa.
 
 “Hiện nay, lãi suất cho vay từ ngắn hạn đến dài hạn đều ở cùng một mức là 12%/năm. Nếu kéo dài tình trạng này sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động và cơ cấu kỳ hạn của các ngân hàng”, ông Hòa nói.
 
 Để minh họa, ông Trần Xuân Huy, Tổng giám đốc Sacombank, đưa ra ví dụ nếu ngân hàng huy động được 10.000 tỉ đồng kỳ hạn 1 tháng nhưng nhu cầu cho vay kỳ hạn một tháng chỉ có 2.000 tỉ đồng thì phần còn lại sẽ làm gì, sẽ buộc phải cho vay các kỳ hạn dài hơn, sẽ làm mất cân đối cơ cấu kỳ hạn của các ngân hàng.
 
 Thêm vào đó, việc huy động vốn trung dài hạn rất khó khăn khi lãi suất huy động các kỳ hạn đều ở cùng một mức, điều này làm nguồn vốn trung dài hạn của các ngân hàng giảm dần trong khi tỷ lệ lấy vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cũng bị giảm từ 40% xuống còn 30%. Như vậy, việc giải ngân vốn cho các dự án lớn sẽ gặp khó khăn, ông Hòa nói.
 
 Theo các ngân hàng, nếu cho vay theo cơ chế trần lãi suất bằng 150% lãi suất cơ bản, tức cao nhất là 12%/năm hiện nay thì vì khoảng cách giữa lãi suất huy động và cho vay quá nhỏ nên các ngân hàng buộc phải cho vay ở mức cao nhất cho tất cả các khách hàng.
 
 “Như vậy, sẽ không có sự phân biệt chính sách cho khách hàng tốt, xấu, cho những ngành hàng ưu tiên và không ưu tiên, cũng như cho vay ngắn và trung dài hạn. Vì vậy, cho vay tiêu dùng (lãi suất thỏa thuận) trên địa bàn tăng mạnh trong năm 2009”, ông Hòa nói.
 
 Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, cho vay tiêu dùng trên địa bàn từ tháng 2 đến cuối năm 2009 đã tăng 69,6% đạt hơn 37.260 tỉ đồng.
 
 Ông Nguyễn Xuân Cảnh, giám đốc chi nhánh TPHCM của Agribank, cho rằng khi lãi suất cơ bản là 14% thì việc điều hành ngân hàng dễ dàng hơn và lãi suất cho vay có sự phân biệt giữa các đối tượng khách hàng. Hiện nay, chênh lệch đầu vào và đầu ra của lãi suất quá nhỏ khiến ngân hàng không thể linh hoạt được và ông kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên xem lại cơ chế điều hành theo lãi suất cơ bản.
 
 Ông Trần Văn Vĩnh, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông, nói việc duy trì trần lãi suất 12%/năm khiến ngân hàng không thể cho vay khách hàng theo rủi ro mà việc đánh đồng lãi suất cho vay sẽ khuyến khích những khách hàng có độ rủi ro cao đi vay nhiều hơn.
 
 Ông Vĩnh kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên nghiên cứu và cho phép các ngân hàng thu một số loại phí phù hợp khi cho vay trung dài hạn, và các mức phí không quá 2% tổng vốn vay là hợp lý.
 
 Trong phần phát biểu của mình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định rằng hiện nay thanh khoản của tất cả các ngân hàng đều ổn định và việc điều hành gần đây của Ngân hàng Nhà nước đã phần nào hỗ trợ về thanh khoản cho các ngân hàng như tăng kỳ hạn cho vay thông qua nghiệp vụ thị trường mở từ một tuần lên hai tuần, bốn tuần. “Việc giảm dự trữ bắt buộc ngoại tệ từ 7% xuống 4% cũng giúp đưa 520 triệu đô la Mỹ tương đương 10.000 tỉ đồng vào hệ thống ngân hàng mà không gây tác động mạnh đến thị trường”, ông Giàu nói.
 
 Ông cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước kiên quyết xây dựng cơ chế lãi suất thỏa thuận càng sớm càng tốt, tuy nhiên việc này còn phụ thuộc vào Chính phủ và Quốc hội.
 
 Ngân hàng Nhà nước cũng vừa công bố rằng lãi suất cơ bản tháng 2 sẽ được giữ ở mức 8%/năm. Lãi suất tái chiết khấu và tái cấp vốn áp dụng với các ngân hàng thương mại vẫn duy trì ở mức cũ là 6% và 8%/năm.