Gỡ “nút thắt” cho gói tín dụng 30.000 tỷ đồng

minh văn

(Tài chính) Dù lãi suất giảm và điều kiện cho vay được nới lỏng song người dân và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS) vẫn khó tiếp cận được với vốn vay, trong khi tiến độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng lại rất chậm. Điều gì khiến dòng vốn tắc nghẽn?

Không phải nhà băng nào cũng sẵn sàng “mở hầu bao” cho vay. Nguồn: internet
Không phải nhà băng nào cũng sẵn sàng “mở hầu bao” cho vay. Nguồn: internet
Ngân hàng thận trọng

Theo Vụ Tín dụng - Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 15/03/2014, các ngân hàng đã cho 3.048 khách hàng vay với tổng số tiền cam kết đạt 2.909 tỷ đồng. Trong đó, đã giải ngân cho 3.023 khách hàng với dư nợ cho vay đạt 1.322 tỷ đồng, tăng 64% so với cuối năm 2013.

Cụ thể, đối với các tổ chức, Ngân hàng Nhà nước đã có các văn bản xác nhận đăng ký (của BIDV, VietinBank và Agribank) được ký hợp đồng cho vay đối với 20 dự án với tổng số tiền là 1.791,92 tỷ đồng. Hiện các ngân hàng đã giải ngân cho 14 dự án với số tiền là 591 tỷ đồng.

Đối với hộ gia đình, cá nhân, 5 ngân hàng đã cam kết cho 3.030 khách hàng cá nhân vay với số tiền là 1.134 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân cho 3.011 khách hàng với dư nợ 731 tỷ đồng.

Trên thực tế, mặc dù các nhà băng vẫn đang “đau đầu” với bài toán giải ngân nguồn vốn đang ùn ứ, song với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng không phải nhà băng nào cũng sẵn sàng “mở hầu bao” cho vay. Để vay được nguồn vốn này, bên vay phải đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí đưa ra của mỗi ngân hàng cũng như của gói tín dụng. Đây là “nút thắt” căn bản làm nản lòng khách hàng khi tiếp cận gói tín dụng này!

Điều đáng nói, mặc dù từ đầu năm 2014, Chính phủ đã liên tiếp yêu cầu và nhắc nhở các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, nhưng đến nay tình hình vẫn bế tắc.

Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, bên cạnh việc tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn, cũng cần phải có quy định để xác định đúng đối tượng khách hàng được vay ưu đãi lãi suất mua nhà đối với gói hỗ trợ. Còn với các quy định hiện nay vẫn rất khó để xác định đúng các đối tượng cho vay ưu đãi.

Nhìn nhận ở khía cạnh khác, ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối khách hàng doanh nghiệp của Ngân hàng TMCP Phương Đông cho biết, tín dụng BĐS được xem là lĩnh vực chứa đụng rủi ro cao, nên dù ngân hàng hô hào đẩy mạnh cho vay nhưng trên thực tế vẫn rất thận trọng nhằm hạn chế tối đa rủi ro, gia tăng nợ xấu.

Lý giải cho sự chậm trễ trong giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, trọng tâm của gói tín dụng này là hướng đến giải ngân cho các dự án nhà ở xã hội, trong khi trên thị trường lại đang thiếu hụt nguồn cung.

Chờ động thái mới

Kể từ khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng kích hoạt (ngày 01/06/2013) đến nay, đã không ít người hy vọng sẽ tiếp cận được gói tín dụng này từ các ngân hàng. Thế nhưng, kỳ vọng nhiều... thất vọng lại lớn!

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho hay, dù các thủ tục giấy tờ đã được cải cách nhưng khi đến nhà băng vay tiền người dân vẫn thấy thủ tục còn khá phức tạp. “Chỉ khi nào các ngân hàng thương mại “nới” các tiêu chí thì người dân mới có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ này”, ông Thành nói.

Đại diện Sàn giao dịch BĐS Sudico cho rằng, với tiêu chí mà gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đưa ra, người mua thoạt nghe tưởng chừng dễ dàng tiếp cận nhưng khi nghiên cứu kỹ thủ tục, điều kiện vay như: về hộ khẩu, chứng minh điều kiện trả nợ… thì số người đủ điều kiện, tiêu chuẩn tiếp cận vốn vay là rất ít. “Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nên nhân rộng đối tượng cho vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, tạo điều kiện về nhà ở cho những người có mức thu nhập trung bình, khó khăn về nhà ở”, vị đại diện này nói.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định, chậm giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng phần lớn ách tắc phía ngân hàng, còn Bộ Xây dựng chỉ là đơn vị đưa ra chính sách và phối hợp trong giải ngân gói tín dụng.

“Để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giải ngân gói tín dụng, Bộ Xây dựng đang kiến nghị tăng thêm số lượng ngân hàng tham gia giải ngân, kéo dài thêm thời gian cho vay và cho phép thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai để đẩy mạnh nguồn cung”. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết.

Nói tóm lại, để người mua dễ dàng tiếp cận vay vốn ưu đãi từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, các ngành, địa phương trong đẩy nhanh các dự án phát triển nhà ở xã hội.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 3 - 2014