Gỡ tắc thực hiện chính sách nhà ở xã hội

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Ngày 24/8, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) có văn bản số 60/CV-HoREA về tổ chức thực hiện chính sách nhà ở xã hội gửi Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh, các Bộ liên quan trong đó, nêu hàng loạt kiến nghị, đề xuất nhằm giải quyết ách tắc trong thực hiện chính sách nhà ở mang tính an sinh – quốc kế.

HoREA đề nghị thời hạn gửi tiết kiệm 12 tháng là đủ điều kiện về việc phải gửi tiết kiệm nếu muốn mua, thuê mua nhà ở xã hội. Nguồn: Internet
HoREA đề nghị thời hạn gửi tiết kiệm 12 tháng là đủ điều kiện về việc phải gửi tiết kiệm nếu muốn mua, thuê mua nhà ở xã hội. Nguồn: Internet

Một trong nhiều kiến nghị phân tích của HoREA là nội dung liên quan tới điều kiện phải gửi tiết kiệm để được vay vốn ưu đãi mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Theo Khoản 2 điều 74 Luật Nhà ở 2014 quy định: “Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện huy động tiền gửi tiết kiệm của hộ gia đình, cá nhân trong nước có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội để cho các đối tượng này vay với lãi suất ưu đãi và thời hạn vay dài hạn sau một thời gian gửi tiết kiệm nhất định”.

Hiệp hội cho rằng có thể hiểu là sau thời gian tối thiểu 12 tháng đã gửi tiết kiệm thì hộ gia đình, cá nhân mới đạt được điều kiện để vay vốn ưu đãi (gửi tiết kiệm trước).

“Hóa giải” điều kiện phải gửi tiết kiệm

Tuy nhiên, khoản 5 điều 13 Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ đã quy định: “Khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội phải thực hiện việc gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội hàng tháng, với thời gian tối thiểu 12 tháng và mức gửi theo quy định của bên cho vay”.

Hiệp hội cho rằng có thể hiểu là hộ gia đình, cá nhân phải gửi tiết kiệm kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng (gửi tiết kiệm sau), nên tại mục (3.a) văn bản 2526/NHCS-TDSV ngày 27/07/2016 của Ngân hàng Chính sách xã hội đã quy định người vay vốn phải đáp ứng đủ các điều kiện, trong đó có điều kiện “phải thực hiện gửi tiền tiết kiệm hàng tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Chính sách xã hội” (gửi tiết kiệm sau).

Để thống nhất tổ chức thực hiện, Hiệp hội kiến nghị như sau. Thứ nhất, đề nghị người có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội có thể chọn thực hiện việc gửi tiết kiệm hàng tháng kể từ thời điểm hiện nay, hoặc có thể chọn gửi tiết kiệm hàng tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Thứ hai, HoREA đề nghị thời hạn gửi tiết kiệm 12 tháng là đủ điều kiện về việc phải gửi tiết kiệm nếu muốn mua, thuê mua nhà ở xã hội. Thứ ba, đề nghị lãi suất tiết kiệm bằng mức lãi suất tiết kiệm bình thường đối với các khoản tiền gửi trên 12 tháng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hợp lý hơn mức lãi suất do Ngân hàng Chính sách xã hội đề nghị, để khuyến khích người tiêu dùng tham gia tạo thêm nguồn lực thực hiện chính sách nhà ở xã hội…

Liên quan tới mức gửi tiết kiệm, việc Ngân hàng Chính sách xã hội quy định khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi phải thực hiện gửi tiết kiệm với “Mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn, sẽ dẫn đến mức gửi tiết kiệm khác nhau do giá mua nhà ở xã hội khác nhau”.

Hơn nữa, theo HoREA, trường hợp người gửi tiết kiệm chưa đến lượt được mua nhà (do cung không đáp ứng đủ cầu) thì sẽ không xác định được “mức trả nợ hàng tháng” để gửi tiền tiết kiệm. Vì vậy, đề nghị cần quy định một mức gửi tiền tiết kiệm nhà ở xã hội hàng tháng mà mọi đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội đều thực hiện như nhau.

Ngoài ra, quy định này còn có điểm bất hợp lý là mức gửi tiết kiệm hàng tháng cao, bên cạnh đó, người vay còn phải trả lãi vay hàng tháng trong năm đầu chưa phải trả nợ gốc, và trước đó đã phải trả 20% giá trị hợp đồng mua nhà ở xã hội, thì toàn bộ chi phí hàng tháng sẽ là gánh nặng cho người vay ưu đãi.

Thống nhất chính sách tín dụng

Về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1013/QĐ-TTg ngày 6/6/2016 về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8%/năm (0,4%/tháng); lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay; áp dụng từ ngày 6/6 đến hết 31/12/2016 tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Đồng thời, NHNN đã chỉ định 4 tổ chức tín dụng (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV) tham gia cấp tín dụng nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014.

HoREA kiến nghị NHNN đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8%/năm (0,4%/tháng); lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay; áp dụng từ 6/6/2016 đến hết 31/12/2016 tại các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV tương tự tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng kiến nghị NHNN đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8%/năm (0,4%/tháng); lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay; áp dụng từ 6/6/2016 đến hết 31/12/2016 đối với các tổ chức tín dụng khác đã tham gia gói tín dụng 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/01/2013 của Chính phủ đã cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật.

Liên quan tới đặt cọc tiền thuê nhà ở xã hội, được quy định tại khoản 6 điều 21 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, rằng: “Người thuê nhà ở xã hội có trách nhiệm nộp trước cho bên cho thuê nhà một khoản tiền đặt cọc theo thỏa thuận của hai bên, nhưng tối đa không vượt quá 12 tháng, tối thiểu không thấp hơn 3 tháng tiền thuê nhà ở để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ của người thuê nhà”.

Hiệp hội cho rằng khoản tiền đặt cọc này quá nặng, cao gấp nhiều lần trong thực tế. Vì vậy, HoREA kiến nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ quy định khoản tiền đặt cọc này chỉ bằng 1 đến 3 tháng tiền thuê nhà như thông lệ ngoài xã hội để giảm bớt gánh nặng cho người thuê nhà ở xã hội.