Gói 30 nghìn tỷ: Một chính sách nhân văn nhưng kết thúc “không có hậu“

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Việc tồn tại khá nhiều những bất cập cả trong chính sách cũng như quá trình thực thi, khiến gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng từ khi ra đời đến lúc về đích luôn trong tình trạng “rối như tơ vò”.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng là gói vay hỗ trợ mua nhà dành cho người nghèo, người thu nhập thấp, được bắt đầu triển khai từ ngày 1/6/2013. Nhìn lại về gói hỗ trợ này trong 3 năm triển khai thực hiện, phóng viên đã ghi lại một số ý kiến chuyên gia đánh giá về gói hỗ trợ này.

Ông Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Nhiều “nút thắt”

Gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng khi ra đời (tháng 6/2013) được xem như “một mũi tên trúng hai đích” khi vừa là liều thuốc “cấp cứu” cho thị trường bất động sản đang bị đóng băng, vừa hỗ trợ người thu nhập thấp có điều kiện sở hữu nhà. Chủ trương, mục đích rất đúng, rất hợp lòng dân, nhưng qua thực tế triển khai thực hiện thì bộc lộ khá nhiều “nút thắt”.

Cụ thể, người đi vay, đặc biệt là người dân vay mua nhà hoặc vay xây, sửa chữa nhà bị “hành” rất nhiều về mặt thủ tục. Để “chạm” được tới gói 30.000 tỷ, có thể nói người dân phải đi qua nhiều “cửa ải” xin xác nhận đủ loại giấy tờ, thủ tục hành chính…

Bên cạnh những khó khăn, rắc rối về mặt thủ tục, thì “nút thắt” lớn nhất là các ngân hàng đang dùng cơ chế cho người nghèo vay tiền cũng giống như cho người giàu vay tiền, tức cũng bắt họ chứng minh thu nhập, chứng minh khả năng trả nợ, phải có tài sản thế chấp… rồi chờ đợi họ đến “phòng máy lạnh” hỏi vay tiền, trong khi ở nhiều nước khác tín dụng cho người nghèo là cán bộ tín dụng phải xuống tận địa bàn có người nghèo để tìm hiểu và cho vay.

Câu chuyện giải quyết an sinh xã hội khác câu chuyện thị trường. Bởi vậy, việc trao cho các doanh nghiệp thị trường đi làm doanh nghiệp xã hội dường như “lệch pha” về lý tưởng, dẫn đến các ngân hàng không “mặn mà”, hờ hững trong việc giúp người nghèo vay tiền. Thậm chí, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đăng ký tham gia giải ngân gói 30.000 tỷ là để “PR”, “làm hàng” chứ thực chất không mặn mà cho vay, vì lợi nhuận thu về từ gói tín dụng này thấp hơn nhiều so với các gói vay thương mại (biên độ lợi nhuận chỉ vào khoảng 2%).

Về chủ trương của gói tín dụng 30.000 tỷ là rất tốt, tuy nhiên, những bất cập trong việc triển khai chính sách vào thực tế, đã khiến một chính sách tốt chưa đạt được trọn vẹn những mục tiêu lý tưởng của nó.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành: Nhức nhối những hiện tượng trục lợi

Ngay từ khi gói 30.000 tỷ ra đời, tôi đã không lạc quan về tính khả thi của gói hỗ trợ này, thậm chí, nếu nói xét theo mục đích của gói tín dụng là hướng đến người nghèo, người thu nhập thấp để hỗ trợ họ có điều kiện sở hữu, mua được nhà thì gói 30.000 tỷ đã thất bại.

Bởi lẽ, chiếu theo những điều kiện phía ngân hàng đưa ra để được vay ưu đãi từ gói tín dụng 30.000 tỷ, thì đối tượng thụ hưởng chính là người nghèo, người thu nhập thấprất ít tiếp cận được, mà chủ yếu là những người thu nhập trung bình khá mới vay mua được nhà.

Đặc biệt, còn xuất hiện nhiều hiện tượng trục lợi từ gói hỗ trợ này. Đơn cử như tình trạng “cò” chạy thủ tục vay gói 30.000 tỷ, hay hiện tượng “đặt cọc” để được mua nhà ở xã hội, hay “xé nhỏ” hợp đồng mua nhà (vượt tiêu chuẩn quy định trong gói 30.000 tỷ) thành nhiều gói nhỏ để đủ tiêu chuẩn được vay ưu đãi… Trong khi đó, đối tượng chính của gói hỗ trợ là người thu nhập thấp lại gặp khó khăn khi tiếp cận gói vay này, cho thấy cơ quan quản lý chưa có giải pháp ngăn chặn các hiện tượng trục lợi, khiến người dân phải chịu thiệt hại.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng, mấu chốt của việc gói 30.000 tỷ chưa có sức lan tỏa lớn là bởi thị trường thiếu nguồn cung sản phẩm – những căn hộ nhỏ giá tầm 300-500 triệu đồng để hỗ trợ người nghèo có nhà. Muốn giúp người nghèo các địa phương nên học tập Bình Dương. Bình Dương đã táo bạo nhìn nhận sự thực dân nghèo phải có căn hộ nhỏ.

Trước đây, Bình Dương đầu tư một lúc 5.000 căn hộ 30m2 bán với giá 200-300 triệu đồng, giờ họ tiếp tục làm 30.000 căn hộ diện tích khoảng 40-50m2 bán giá 8-9 triệu đồng/m2, tức tổng số tiền khoảng 400-500 triệu đồng trở lại. Với những căn hộ nhỏ, giá tiền vừa phải thì người thu nhập thấp mới có khả năng tích lũy trang trải để trả nợ. Còn hiện thị trường chủ yếu là những căn hộ giá trên 1 tỷ đồng thì người thu nhập thấp rất khó “chạm” được ước mơ có nhà.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần hướng đến là xây nhà xã hội để cho đối tượng người có thu nhập thấp thuê, bởi nhà cho thuê cũng là sản phẩm phục vụ một cách hiệu quả cho những người nghèo.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội: Cần chính sách hỗ trợ nhà ở lâu dài

Đến nay, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ và Thông tư số 11, các ngân hàng thương mại tính tới nay đã cam kết cho vay tới 29.500 tỷ đồng, tương đương với 98% tổng số giá trị của gói tín dụng, và giải ngân được khoảng 20.300 tỷ đồng, tương đương với 70% tổng giá trị của gói.

Trước khi gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ “về đích”, dư luận được một phen “rúng động” khi biết quy định cá nhân, hộ gia đình vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng sẽ phải trả lãi suất vay thương mại đối với phần vốn giải ngân sau ngày kết thúc chương trình.

Rất may, sau khi nghe ý kiến phản ánh nguyện vọng của người dân, ý kiến của Bộ Xây dựng và Hiệp hội Bất động sản..., Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ xem xét gia hạn giải ngân đến hết số tiền 30.000 tỷ đồng, trong trường hợp từ nay đến 1/6, gói hỗ trợ này chưa giải ngân hết. Nếu không có kiến nghị gia hạn giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, thì sẽ chẳng khác nào một chính sách nhân văn nhưng kết thúc “không có hậu”.

Gói 30.000 tỷ đồng đã xác định có thời hạn và cũng sắp khép lại. Tuy nhiên, chính sách tín dụng để phát triển nhà ở xã hội cũng như chính sách tín dụng hỗ trợ cho người nghèo, người thu nhập thấp, không nên là chính sách có tính “thời vụ” mà cần xây dựng chính sách này có tính chiến lược, lâu dài trong suốt quá trình phát triển của nền kinh tế, nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng về nhà ở của nhân dân theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng sống của nhân dân.

Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ khá nhiều những bất cập còn tồn tại qua quá trình thực tế triển khai gói 30.000 tỷ, những chính sách, gói tín dụng hỗ trợ tiếp theo cần tạo ra những quy định thông thoáng hơn, tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho người vay để dễ dàng tiếp cận được các chính sách hỗ trợ, góp phần hiện thực hóa ước mơ có nhà của những người thu nhập thấp.