Gói 30.000 tỷ đồng vẫn chưa “phá băng” được thị trường

Hồng Nhung

(Tài chính) Suốt một thời gian dài trầm lắng, giờ đây thị trường bất động sản (BĐS) đang dần sôi động trở lại với nhiều giao dịch mua bán sau những nỗ lực giải cứu thị trường của Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, hiệu quả giải ngân của gói cứu trợ BĐS 30.000 tỷ đồng hiện vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.

Lãi suất cho vay cá nhân mua nhà cần giảm xuống 4,5%/năm. Nguồn: internet
Lãi suất cho vay cá nhân mua nhà cần giảm xuống 4,5%/năm. Nguồn: internet

Có hiệu lực từ ngày 1/6/2013, nhưng từ trước đó, người dân và chủ đầu tư đều kỳ vọng chính sách hỗ trợ thị trường BĐS thông qua gói 30.000 tỷ đồng sẽ có tác động mạnh mẽ đến thị trường. Theo đó, 70% nguồn vốn của gói cứu trợ này để kích cầu mua nhà ở xã hội của người dân và 30% cho vay để kích cung cho các doanh nghiệp (DN) chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tiến độ giải ngân của gói cứu trợ này vẫn còn chậm chạp và gặp nhiều vướng mắc.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31/1/2014, các ngân hàng đã cam kết cho 2.246 khách hàng vay với tổng số tiền đạt 2.324,3 tỷ đồng. Trong đó, đã giải ngân cho 2.218 khách hàng với tổng dư nợ 1.068,5 tỷ đồng, tăng 32,7% so với cuối tháng 12/2013. Cụ thể đối với khách hàng cá nhân, các ngân hàng đã cam kết cho 2.231 khách hàng vay với tổng số tiền 801,6 tỷ đồng và đã giải ngân theo tiến độ cho 2.208 khách hàng với dư nợ 533,7 tỷ đồng.

Như vậy, có thể nói, dù Chính phủ đã có nhiều biện pháp mạnh mẽ để giải cứu thị trường BĐS nhưng tiến độ giải ngân còn nhiều bất cập và chậm trễ khiến gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng này vẫn chưa thực sự “phá băng” được thị trường.

Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân gói hỗ trợ ưu đãi lãi suất 30.000 tỷ còn gặp nhiều vướng mắc. Đầu tiên phải kể đến thủ tục vay vốn. Cụ thể như cơ quan công chứng không cho thế chấp tài sản đảm bảo hình thành trong tương lai hay chính căn hộ mà họ đang đầu tư, trong đó có phần vốn vay ngân hàng và một phần vốn tự có của họ. Thêm vào đó, thủ tục xác nhận của cấp cơ sở về thực trạng nhà ở hiện vẫn còn nhiều bất cập. Về phía ngân hàng, quy định về vấn đề thu nhập thấp và ổn định cũng đang là rào cản đối với người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội.

Bên cạnh thủ tục vay ưu đãi còn khắt khe, tiêu chí xác định tổ chức tín dung có đối tượng khách hàng là DN kinh doanh BĐS được tham gia gói 30.000 tỷ đồng cũng là nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân nguồn vốn này gặp khó khăn. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, hiện nay chỉ có 5 ngân hàng tham gia gói 30.000 tỷ đồng, nhưng một số nhà băng còn rụt rè, e ngại rủi ro khi cho vay với lãi suất ưu đãi, trong khi đó nhiều ngân hàng cổ phần lại đề xuất muốn tham gia nhưng chưa được sự chấp thuận của cơ quan quản lý.

Ngoài ra, một yếu tố rất được người có nhu cầu mua nhà quan tâm là lãi suất và thời gian ưu đãi lãi suất. Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết, dù lãi suất ưu đãi hỗ trợ vay mua nhà đã giảm xuống 5%/năm nhưng do thời gian áp dụng lãi suất không phù hợp đã làm người mua nhà gặp không ít băn khoăn. Do đó, nhiều ý kiến đề xuất nên kéo dài thời gian áp dụng lãi suất ưu đãi cho người mua nhà từ tối đa 10 năm lên 15 năm. Với thời gian ưu đãi dài và lãi suất thấp sẽ khuyến khích người dân tham gia mua nhà, đồng thời các ngân hàng tham gia cung cấp gói hỗ trợ này cũng sẽ tạo ra sự thanh khoản cho nguồn vốn.

Để giải quyết vấn đề này, mới đây, Bộ Xây dựng đã ban hành thông tư nới lỏng các điều kiện vay ưu đãi. Ngoài ra, đối tượng vay vốn hỗ trợ nhà ở không phải xác nhận về thu nhập, nhưng trường hợp các ngân hàng yêu cầu khách hàng chứng minh về thu nhập để bảo đảm cho phương án trả nợ thì vẫn thực hiện theo quy định của ngân hàng.

Chia sẻ về việc với một số ý kiến cho rằng nên tăng tỷ lệ cho vay đối với DN để giải phóng hàng tồn kho và làm nóng dần thị trường BĐS, ông Đặng Hùng Võ nhấn mạnh, cần giữ một tỷ lệ phân bổ vốn hợp lý để tránh rơi vào tình trạng nợ xấu. Việc nới tiêu chuẩn cho vay là cần thiết, nhưng tránh nâng tỷ lệ cho vay đối với DN quá 30% tổng mức gói hỗ trợ và duy trì tỷ lệ 70% cho người mua nhà. Ngoài ra, điều quan trọng là DN cần tự chủ động có hướng đi mới để giải hàng tồn kho, kích thích nhu cầu của người tiêu dùng như  xây dựng dự án nhà ở xã hội dành cho sinh viên, công nhân khu công nghiệp; nâng cao chất lượng công trình…

Một số ý kiến cho rằng, lãi suất cho vay cá nhân mua nhà cần giảm xuống 4,5%/năm, thay vì 5%/năm như hiện nay, đồng thời gia hạn thời gian trả nợ lên 20 năm. Chẳng hạn, với khoản vay 500 triệu đồng trong 10 năm, hằng tháng, người vay phải trả trên dưới 5 triệu đồng, nhưng nếu thời gian trả nợ được dãn ra 20 năm thì hàng tháng, khách hàng cá nhân vay chỉ phải trả khoảng 2 - 3 triệu đồng. Điều đó sẽ giảm được gánh nặng và áp lực cho người vay vốn, nhất là người có thu nhập thấp.