Gói 50 nghìn tỷ và những dấu hỏi

Theo bizlive.vn

(Tài chính) Sau khi Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) công bố “gói tín dụng 50.000 tỷ đồng”, hàng loạt các ngân hàng đã lên tiếng phủ nhận hoặc cho biết chỉ đang thảo luận kế hoạch này với VNCB.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Mặc dù vậy, trong khoảng 10 ngân hàng được liệt kê, vẫn có những nhà băng sẽ "đồng hành" cùng với VNCB trong kế hoạch này. Dĩ nhiên, quy mô gói tín dụng khi đó có thể không đạt mục tiêu 50.000 tỷ ban đầu đặt ra.

Xung đột lợi ích ?

Câu hỏi được nhiều doanh nghiệp quan tâm lúc này là: Bằng cách nào họ có thể vay được vốn từ chương trình này? 

Một phần câu trả lời đã được thể hiện trong bản kế hoạch của VNCB trình bày mới đây.

Theo đó, ngân hàng này sẽ triển khai 4 gói tín dụng bao gồm: chuỗi liên kết tài trợ khép kín ngành xây dựng, chuỗi liên kết tài trợ xây mới/sửa chữa nhà ở trả chậm, repo bất động sản, tài trợ ứng trước tiền bán xe ô tô.

Đáng chú ý là trong các dịch vụ tài chính này, cái tên Tập đoàn Thiên Thanh (TTG) đều xuất hiện với vai trò trung gian. 

Đặc biệt là ở các gói tín dụng liên quan đến xây dựng và bất động sản, TTG đều là nhà tổ chức cung ứng dịch vụ, sàn giao dịch vật liệu xây dựng.

TTG cũng thể hiện hai cam kết quan trọng với các nhà sản xuất và cung ứng: (i) Đảm bảo khả năng thanh toán; (ii) Giải phóng khối lượng lớn hàng tồn kho vật liệu xây dựng thông qua mua và đặt hàng trước với số lượng lớn.

Tuy nhiên, liệu có khả năng xung đột lợi ích ở đây không, khi chính TTG cũng đang là một trong các nhà cung cấp vật liệu xây dựng và trang trí nội thất quy mô lớn?

TTG từng dự kiến sẽ xây một trung tâm thương mại vật liệu xây dựng và trang trí nội thất lớn nhất tại TP. Hồ Chí Minh (mô hình tương tự Melinh Plaza tại Hà Nội) nhằm quy tụ các nhà sản xuất và cung cấp trong lĩnh vực này. 

Ngoài ra, dịch vụ repo bất động sản và ứng trước tiền bán xe cũng có thể được cung cấp cho các khách hàng thông qua hệ thống showroom và dựa trên hàng loạt các dự án bất động sản của TTG.
Gói 50 nghìn tỷ và những dấu hỏi - Ảnh 1
* TTG xuất hiện trong cả 4 sản phẩm tín dụng mà VNCB vừa công bố
"Vùng tối" của VNCB

Cần nói thêm một chút về VNCB. Tiền thân của VNCB là Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank). Đây là một trong 9 ngân hàng yếu kém cần tái cơ cấu trong danh sách của Ngân hàng Nhà nước từ năm 2012.

Cái tên Thiên Thanh (TTG) chính thức xuất hiện từ đầu năm 2013, khi Trustbank tổ chức đại hội cổ đông và thông báo tập đoàn này sẽ là đối tác trong kế hoạch tái cấu trúc của ngân hàng. Theo đó, 85% vốn của ngân hàng sẽ được nắm giữ bởi TTG (10%) và 20 cá nhân khác.

Đáng chú ý, không lâu sau đó, ông Phạm Công Danh, Tổng giám đốc của Tập đoàn Thiên Thanh, được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT của Trustbank (nay là VNCB).

Tháng 7/2013, VNCB tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2013, với rất ít thông tin về tình hình hoạt động, tài chính của ngân hàng này được công bố. Hàng loạt các nghị quyết được thông qua tại đại hội nhưng không cho biết nhiều về kết quả kinh doanh, tình hình tài sản của ngân hàng. Đến thời điểm này ngân hàng vẫn chưa công bố báo cáo tài chính, báo cáo thường niên năm 2012 theo thông lệ của một ngân hàng đại chúng.

Đặc biệt, VNCB đã thực hiện tăng vốn từ 3.000 tỷ lên 7.500 tỷ đồng vào tháng 12/2013, theo hình thức chào báo cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cán bộ nhân viên ngân hàng. Nhưng không có bản cáo bạch hay bất kỳ thông tin nào về đợt chào bán được công bố trên website của ngân hàng này cho đến khi công bố kết quả chào bán thành công.

Với việc nhiều cổ đông lớn của VNCB không lộ diện (20 nhà đầu tư còn lại là ai?) và tình hình hoạt động chưa được công khai, minh bạch như các ngân hàng khác, có lẽ, sẽ khiến công chúng đặt ra nhiều thắc mắc.