Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội: Đối tượng chính khó tiếp cận

Theo Đại đoàn kết

Mặc dù gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã triển khai được gần 1 tuần, nhưng nhiều chuyên gia vẫn lo ngại phần 70% dành cho khách hàng giải ngân chậm, 30% dành cho doanh nghiệp giải ngân nhanh sẽ làm cho thị trường bất động sản (BĐS) càng thêm khó khăn. PGS., TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, đã có cuộc trò chuyện xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, với riêng Hà Nội, 30.000 tỷ đồng giúp ích gì cho thị trường?  

Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội: Đối tượng chính khó tiếp cận - Ảnh 1
PGS., TS. Ngô Trí Long
PGS., TS. Ngô Trí Long:
Hiện nay tính thanh khoản thị trường BĐS và hàng tồn kho rất lớn mà chủ yếu ở những phân khúc nhà thương mại, liền kề, chung cư cao cấp, biệt thự.  

Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng tương đương 1,5 tỷ USD. Theo tính toán của thành phố Hà Nội, muốn có một nguồn vốn để hoàn thiện số lượng BĐS đang còn tồn kho phải có 45 tỷ USD, trong khi đó chúng ta mới chỉ tung ra 1,5 tỷ tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, gói tín dụng này sẽ tạo cú hích, làm bước đệm để tạo điều kiện cho thị trường BĐS ấm lên và giải quyết mục tiêu chính sách an sinh xã hội của nhà nước. 

Một số ý kiến cho rằng thị trường BĐS phải 5 năm nữa mới hấp thụ hết số lượng tồn kho. Theo ông, điều này có khả thi?

Rất khó để nói thị trường BĐS sẽ hồi phục trong vòng 4-5 năm tới, vì điều đó còn phụ thuộc vào kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh hiện nay, sự phục hồi nền kinh tế là mong manh. Trước mắt, lạm phát kiềm chế được, lãi suất hạ, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, nhưng đây chỉ là cái trước mắt, tôi chưa thấy sự bền vững mà chỉ thấy nền kinh tế vẫn còn trì trệ, nhiều doanh nghiệp (DN) phá sản. Điều quan trọng Nhà nước phải làm sao để DN hoạt động trở lại, thúc đẩy nền kinh tế. Lúc đó kinh tế vĩ mô ổn định thì thị trường BĐS mới có khả năng ấm lại. 

Nhiều chuyên gia cũng lo ngại, trong gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, 30% vốn dành cho DN sẽ được giải ngân sớm, 70% lo ngại sẽ không giải ngân hết. Vậy theo ông, hệ luỵ sẽ là gì? 

Theo tôi, khả năng 30% nguồn vốn dành cho DN sẽ được giải ngân nhanh hơn và thực thi nhanh hơn so 70% nguồn vốn đối với người tiêu dùng. Bởi những tiêu chí ngân hàng đặt ra người dân rất khó tiếp cận, trong khi đó người dân không còn tiền, thu nhập thấp, chỉ đủ trang trải cho cuộc sống thì không thể còn tiền trả lãi ngân hàng hằng tháng. Mà khi thực lực khách hàng như vậy, ngân hàng cũng không thể mở hầu bao, nếu mở hầu bao thì khác nào "thả gà ra đuổi”. 

Trên thực tế, gói hỗ trợ không phải lấy tiền từ ngân sách, mà từ Ngân hàng Nhà nước cho vay. Theo tôi, không cẩn thận 30% thực thi tốt (nguồn cung), trong khi đó phân khúc thương mại còn tồn lớn cộng thêm lượng tồn từ gói vay trong gói 30.000 tỷ đồng nữa thì lượng hàng tồn kho càng tăng cao, gây bất ổn thêm đối với thị trường BĐS. Do vậy, Nhà nước phải tính toán hài hoà mà mục tiêu chính là phải tháo gỡ được 70% của gói tín dụng cho người dân vay (nguồn cầu); đồng thời, xem xét thấu đáo để giảm rủi ro cho ngân hàng.