Gói tín dụng 50.000 tỷ đồng: “Mồi kích” thị trường bất động sản?

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Muốn vực dậy nền kinh tế, phải xử lý được nợ xấu. Muốn xử lý được nợ xấu, một điểm quan trọng là phải phục hồi được thị trường bất động sản (BĐS) ” – TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định về gói tín dụng 50.000 tỷ đồng được Ngân hàng Xây dựng đưa ra mới đây. Vị chuyên gia này cũng bày tỏ nhiều kỳ vọng vào tính khả thi của gói tín dụng này.

Gói 50.000 tỷ đồng được đề xuất nhằm làm "mồi kích” đốt nóng trở lại thị trường BĐS. Nguồn: daidoanket.vn
Gói 50.000 tỷ đồng được đề xuất nhằm làm "mồi kích” đốt nóng trở lại thị trường BĐS. Nguồn: daidoanket.vn
Vẫn tồn kho tới 94.000 tỷ đồng

Theo đánh giá của giới chuyên gia trong ngành, mặc dù giao dịch đã có những dấu hiệu ấm lên, song thị trường BĐS vẫn chưa thực sự khởi sắc, điều này được thể hiện ở con số tồn kho BĐS vẫn còn tới hơn 94.000 tỷ đồng.

Thời gian qua, để vực dậy thị trường BĐS, hàng loạt các chính sách đã được nhà quản lý bàn bạc và đưa ra. Trong đó phải kể đến gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng với mục tiêu phát triển phân khúc nhà ở thương mại và hướng đến đối tượng chính là người thu nhập thấp. Mặc dù theo nhận định của Bộ trưởng  Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, mục tiêu chính của gói này không phải là phá băng thị trường BĐS, song, ông cũng bày tỏ gói hỗ trợ này sẽ là một yếu tố kích cầu, phần nào giúp cho giao dịch trên thị trường BĐS ấm lên.

Tuy nhiên, với tốc độ giải ngân ỳ ạch, cũng như các thủ tục cho vay gặp nhiều bất cập, nhiều chuyên gia đã rất thẳng thắn đưa ra nhận định rằng, gói 30.000 tỷ đồng coi như đã thất bại khi gần 1 năm mới giải ngân được khoảng hơn 4%.

Như vậy, cho dù đã rất nỗ lực đưa ra hàng loạt các giải pháp nhằm cứu thị trường này, các nhà quản lý vẫn đang rất đau đầu vì chưa thấy một giải pháp nào thực sự phát huy hiệu quả.

Trong khi đó, theo nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ của Chính phủ, nền kinh tế chỉ có thể hồi phục hoàn toàn khi chúng ta xử lý được hết nợ xấu. Muốn xử lý nợ xấu, yếu tố rất quan trọng là phải vực dậy được thị trường BĐS bởi thị trường này liên quan đến rất nhiều các lĩnh vực kinh tế khác. Thị trường này đóng băng, tất yếu dẫn đến hàng loạt lĩnh vực kinh tế đóng băng. Và như vậy đương nhiên nền kinh tế không thể tăng trưởng trong điều kiện như vậy.

50.000 tỷ đồng có "sưởi ấm” thị trường?

Trong khi thị trường BĐS còn đang mắc kẹt, loay hoay với hàng loạt giải pháp, mới đây, một gói tín dụng mới với trị giá 50.000 tỷ đồng đã được Ngân hàng Xây dựng đề xuất không ngoài mục tiêu làm "mồi kích” đốt nóng trở lại thị trường BĐS.

Theo ông Phan Thành Mai, Tổng giám đốc Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), mục tiêu của chương trình nhằm hiện thực hóa và vận hành thông suốt chuỗi liên kết xây dựng 4 nhà (chủ đầu tư - nhà thầu - nhà tổ chức cung ứng vật liệu xây dựng - ngân hàng), xây dựng sàn kinh doanh vật liệu xây dựng chuyên nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các chủ thể tham gia thị trường xây dựng, an toàn tín dụng cho các ngân hàng liên minh cấp vốn, khơi thông hàng hóa vật liệu xây dựng thông qua các hình thức trả chậm và đối trừ, giảm lưu thông tiền mặt góp phần giảm lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng mới khi còn có các khoản vay cũ…

Ông Mai cho biết, tham gia gói hỗ trợ này, cả 4 nhà sẽ cùng ký kết trên 1 hợp đồng; nhiều ngân hàng thương mại cùng tham gia tài trợ các DN trong chuỗi. Việc đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng trong chuỗi được thực hiện thông qua nhà tổ chức chợ/sàn mua bán vật liệu xây dựng với các dự án khả thi. Ở đây, nhà sản xuất được cho vay không nhất thiết cần tài sản đảm bảo, chỉ cần đối ứng bằng vật liệu xây dựng cung ứng cho công trình, phương thức trả chậm, các ngân hàng chủ động tiếp cận doanh nghiệp, các doanh nghiệp có khoản nợ ở các ngân hàng khác được khoanh nợ và tiếp tục cho vay theo mục đích mới của chuỗi 4 nhà.

Nhận định về sự "xuất hiện” của gói tín dụng 50.000 tỷ đồng, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng thực tế kinh doanh của xây dựng và BĐS được thể hiện ở sự dịch chuyển của hàng hóa (vật liệu xây dựng, sản phẩm đầu vào) và sự dịch chuyển của lượng tiền tệ (tín dụng, tiền đầu tư, tiền đặt cọc) để hỗ trợ sự dịch chuyển hàng hóa. Hai khâu này tuy tách biệt nhưng lại là hai mặt của một đồng tiền và đáng lý phải gắn bó rất mật thiết với nhau.

Tuy nhiên, nhìn từ thực tế những năm gần đây cho thấy, hai khâu này càng ngày càng tách rời nhau ra và gây nên khủng hoảng trong lĩnh vực xây dựng và thị trường BĐS. Hàng hóa ứ đọng, không có người mua, hay mua mà không được thanh toán.

Gói tín dụng 50.000 tỷ đồng đã được xây dựng dựa trên kinh nghiệm thực tế này và đã thiết kế một cơ chế hợp lý để nối kết hai khâu hàng hóa và tiền tệ/tín dụng, khai thông những điểm huyết mạch của hàng hóa và tiền tệ, và cuối cùng kiểm soát được dòng tiền và giúp hoàn thành các sản phẩm BĐS cũng như giúp tiêu thụ những sản phẩm này qua những chương trình tín dụng của các ngân hàng tham gia gói 50.000 tỷ đồng.

Bày tỏ những kỳ vọng về sự phục hồi thị trường BĐS, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng đưa ra nhận định: Với mô hình liên kết "4 nhà” này, tới đây thị trường BĐS sẽ khắc phục được tình trạng nhà thầu sau khi làm xong không có tiền để thanh toán cho các nhà cung cấp nguyên liệu, tiền nhân công, dẫn đến cả 3 nhà: chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung ứng đều nợ ngân hàng và đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu rất cao.

Ông Nghĩa khẳng định: Với việc đưa ra gói tín dụng 50.000 tỷ đồng và cơ chế cung ứng vốn hoàn toàn khác trước đây, mục tiêu phá băng thị trường BĐS chúng ta đang theo đuổi có thể thực hiện được.