Góp phần thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam và các nước

Viết Chung

Là ngân hàng thương mại (NHTM) đầu tiên của Việt Nam triển khai thanh toán biên mậu (TTBM) với các nước có chung biên giới, với thị trường Trung Quốc (năm 1997), với thị trường Lào (năm 2009) đến nay, hoạt động này của Agribank có nhiều bước phát triển và vẫn luôn là lợi thế cạnh tranh của Agribank so với các NHTM khác. Thông qua triển khai hiệu quả sản phẩm dịch vụ truyền thống thuộc thế mạnh này, Agribank đã góp phần tích cực thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động giao thương giữa Việt Nam với các nước láng giềng và đảm bảo an ninh tiền tệ khu vực vùng biên.

Bước đột phá
Vào thời điểm năm 1996, ngay sau khi Chính phủ Việt Nam cho phép các NHTM Việt Nam được hợp tác với các NHTM Trung Quốc thực hiện hoạt động thanh toán phục vụ xuất nhập khẩu qua biên giới bằng bản tệ, Agribank là ngân hàng đầu tiên và duy nhất thực hiện TTBM với quốc gia này và hiện nay vẫn đang giữ vai trò chủ lực triển khai hoạt động này tại các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc. Trong giai đoạn 05 năm (2010 đến tháng 6/2015), doanh số TTBM với thị trường Trung Quốc của Agribank đạt được những con số ấn tượng: Doanh số thanh toán đạt 151.304 tỷ đồng, doanh số mua bán ngoại tệ đạt 170.700 tỷ đồng. Agribank ủy quyền cho các Chi nhánh biên giới (Agribank Móng Cái, Agribank Lạng Sơn, Agribank Lào Cai, Agribank Cao Bằng, Agribank Hà Giang) trực tiếp ký nhiều thỏa thuận hợp tác TTBM với các NHTM Trung Quốc (NH Nông nghiệp, NH Kiến thiết, NH Công thương, NH Ngoại thương, NH Tiết kiệm bưu điện, Hợp tác xã tín dụng nông thôn…).

Tiếp đến, năm 2006, Agribank tiến hành TTBM với Campuchia thông qua thoả thuận hợp tác với Ngân hàng ACLEDA của nước này. Ngày 03/6/2008, Agribank ký kết thoả thuận TTBM với Ngân hàng Phongsavanh (Lào) và chính thức triển khai tại Chi nhánh Agribank Quảng Trị từ tháng 3/2009. Tại khu vực biên giới giáp Lào và Campuchia, Agribank là ngân hàng duy nhất cung cấp dịch vụ TTBM cho khách hàng. Tiếp tục phát triển TTBM với Lào, Agribank chính thức ký thỏa thuận hợp tác TTBM với Ngân hàng Nông nghiệp Lào (APB) vào tháng 11/2014. Agribank Chi nhánh Quảng Trị được giao làm đầu mối phối hợp cùng APB chi nhánh Savannakhet và mới đây 28/8/2015, Agribank và APB chính thức khai trương TTBM giữa hai ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách hàng trong hoạt động thanh toán. Trong giai đoạn 05 năm (2010 đến tháng 6/2015), doanh số TTBM với thị trường Lào của Agribank đạt được kết quả khích lệ: Doanh số thanh toán đạt trên 1.040 tỷ đồng, doanh số mua bán ngoại tệ đạt trên 637 tỷ đồng. Đến nay, thị phần TTBM của Agribank tại khu vực biên giới Việt – Lào là 100%. Trên nền tảng công nghệ ngân hàng hiện đại, Agribank đã phát triển thành công sản phẩm TTBM qua Internet và hiện đang áp dụng trong hoạt động thanh toán với các Ngân hàng đối tác.

Tiên phong triển khai TTBM được xem như là bước đi quan trọng có tính đột phá của Agribank nhằm hỗ trợ khách hàng là các doanh nghiệp và cá nhân trong thanh toán hàng hoá xuất nhập khẩu với đối tác của các nước có chung biên giới. Triển khai TTBM có hiệu quả, Agribank đã và đang tích cực góp phần phát triển hoạt động kinh doanh của khách hàng thông qua việc phòng ngừa và giảm rủi ro tỷ giá, tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch... Với sự hỗ trợ tích cực của Agribank thông qua TTBM, giao lưu hàng hóa giữa Việt Nam và các quốc gia láng giềng được thúc đẩy, việc kiểm soát, quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới được thực hiện thuận lợi, an ninh tiền tệ khu vực vùng biên được đảm bảo, nhờ đó tăng thu ngân sách cho các địa phương.

Tiếp tục giữ vững thế mạnh

Trên thị trường hiện nay ngày càng nhiều khách hàng tham gia TTBM, cạnh tranh trong hoạt động này giữa các NHTM cũng ngày càng gay gắt. Tuy nhiên, qua gần 20 năm kinh nghiệm triển khai hoạt động TTBM, Agribank vẫn luôn là NHTM có lợi thế cạnh tranh nhất trong lĩnh vực này với hệ thống mạng lưới gồm 2.250 chi nhánh và phòng giao dịch có mặt tại khắp vùng, miền, huyện đảo của cả nước, nền tảng công nghệ hiện đại, đội ngũ cán bộ nghiệp vụ chuyên nghiệp, có kinh nghiệm, thường xuyên được cập nhật kiến thức nghiệp vụ mới...

Để tiếp tục giữ vững vị trí hàng đầu về TTBM, trên cơ sở phát huy lợi thế sẵn có, Agribank xác định các mục tiêu đạt được cụ thể như tiếp tục triển khai TTBM trên Internet Banking với Ngân hàng Phongsavanh và Ngân hàng Nông nghiệp Lào, đồng thời từng bước mở rộng triển khai với các ngân hàng khác tại Lào, Campuchia và Trung Quốc trong năm 2015 nhằm đưa TTBM có chất lượng dịch vụ tốt nhất trên mọi phương diện đến đông đảo khách hàng trong toàn quốc.

Tích cực phát triển sản phẩm dịch vụ TTBM, Agribank mong muốn mang đến cho khách hàng dịch vụ thanh toán tốt nhất đồng thời góp phần giúp Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước hạn chế những mặt trái của hoạt động thanh toán trong xuất nhập khẩu hàng hóa dịch vụ tại khu vực biên giới, từ đó thúc đẩy kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước láng giềng tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.