Hà Nội kiên quyết “cắt” dự án khi chủ đầu tư thiếu năng lực

Theo Pháp luật Việt Nam

“Nếu nguyên nhân là do chủ đầu không đủ năng lực, không tâm huyết với dự án, gia hạn mà không triển khai được dự án đúng tiến độ thì phải kiên quyết thu hồi” – là một trong những ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh tại cuộc giao ban trực tuyến về thực hiện các biện pháp khắc phục, xử lý các dự án có sử dụng đất trên địa bàn thành phố chậm triển khai vi phạm luật đất đai tổ chức sáng qua.

Hà Nội kiên quyết “cắt” dự án khi chủ đầu tư thiếu năng lực
Toàn cảnh buổi họp. Nguồn:Internet

Thanh tra rồi… không biết xử ra sao

Theo Sở Tài nguyên- Môi trường (TNMT) thành phố, đa số các dự án chậm triển khai trên địa bàn thành phố là do không đủ năng lực thực hiện dự án do thay đổi phương án sản xuất kinh doanh, nhưng không kịp thời bố trí vốn và triển khai phương án sản xuất, kinh doanh mới, có khó khăn về vốn…

Có những tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh tại thời điểm thanh tra chỉ sử dụng một phần diện tích đất được giao, diện tích còn lại sử dụng không đúng mục đích cho thuê nhà xưởng, mặt bằng, liên doanh, liên kết trái qui định.

Nhưng thanh tra chủ yếu phát hiện sai phạm còn việc xử lý triệt để các vi phạm trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố nhiều năm qua vẫn đầy khó khăn vì như Sở TMMT “tố”, hầu hết các đối tượng thanh tra không hợp tác khi Đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ.

Quy định tại nghị định 105/2009 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai không rõ, thiếu cụ thể, khung xử phạt các lỗi vi phạm về đất đai còn thấp, không có tác dụng răn đe, việc qui định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo nghị định còn nhiều bất cập, không rõ ràng gây khó khăn trong việc xác định thời điểm vi phạm để xử phạt.

Không để việc gia hạn dự án là “công cụ cho doanh nghiệp chây ỳ”

Trước thực trạng các dự án chậm triển khai vi phạm pháp luật đất đai của Hà Nội và kiến nghị xử lý của các địa phương, Phó Chủ tịch thành phố Vũ Hồng Khanh yêu cầu, các dự án chậm thực hiện thì dùng các biện pháp pháp luật cho phép để yêu cầu thực hiện nhưng không có nghĩa là doanh nghiệpkhông đồng ý với quyết định của chính quyền là đòi thu hồi vì “thông thường người dân không “vui vẻ” với các quyết định thu hồi đất, nhưng để giữ kỷ cương phép nước thì phải quyết liệt thực hiện”.

Phó Chủ tịch thành phố cũng chỉ đạo các địa phương phải tạo điều kiện để các hộ gia đình, cá nhân được giao đất sử dụng đất hiệu quả, phát triển sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật. Việc phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật đất đai phải được tập trung cao độ, không có chuyện “của cấp nào cấp nấy lo” mà tất cả các cấp phải trông nom địa bàn, quản lý cho tốt, phát hiện, xử lý vi phạm theo hướng “Mọi vi phạm đều phải được phát hiện và xử lý kiên quyết, nhưng không cực đoan đến mức cứ vi phạm là phải thu hồi đất”.

“Không gia hạn nhiều lần, chỉ đảm bảo thời gian để chủ đầu tư khắc phục khó khăn khách quan, không để việc gia hạn triển khai dự án là công cụ cho doanh nghiệp chây ỳ”, ông Khanh nhấn mạnh.

Sau khi thanh, kiểm tra việc sử dụng của 653 tổ chức sử dụng đất từ năm 2009 đến quí I/2013 trên địa bàn thành phố có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai, UBND ban hành 43 quyết định thu hồi đất với tổng diện tích 832,65 ha, trong đó 17 Quyết định đã thực hiện, thu hồi xong 818 ha đất.

Sở TN&MT thành phố đang lập hồ sơ thu hồi đất đối với 4 tổ chức (dự kiến thu hồi 7.082,7m2 đất).

Trong số 482 dự án sử dụng sai mục đích, không có hiệu quả, chuyển nhượng trái pháp luật đã bị thanh, kiểm tra, có 302 dự án đã khắc phục, triển khai và đất đai vào sử dụng đất đai; 11 dự án được gia hạn (trong đó 5 dự án được đề nghị cho ra khỏi danh sách chậm triển khai, 6 dự án đang tiếp tục giám sát đến hết thời hạn gia hạn); 122 tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 2,062 tỷ đồng do vi phạm pháp luật đất đai nhưng chưa chưa đến mức thu hồi.