Hà Nội: Ưu tiên quỹ đất cho đầu tư các công trình công cộng

Theo baochinhphu.vn

Đó là chủ trương của TP. Hà Nội trong quản lý sử dụng quỹ đất sau di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp quy hoạch ra khỏi Thành phố theo chỉ đạo của Chính phủ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thời gian qua UBND TP. Hà Nội đã và đang tập trung và quyết liệt trong việc huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị, trong đó bao gồm các tuyến đường xuyên tâm, vành đai mới, các tuyến đường sắt đô thị; các dự án cấp thoát nước, xử lý rác, nghĩa trang... đầu tư xây dựng các trường học, bệnh viện.... Tăng cường hệ thống cây xanh Thủ đô để giảm tải và cải thiện hiệu quả môi trường đô thị hiện nay.

Việc rà soát hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật các khu đô thị mới đã được UBND Thành phố giao cho các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Xây dựng thực hiện làm cơ sở xem xét, quyết định đầu tư bổ sung đồng bộ trên toàn Thành phố. UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẩn trương xây dựng chương trình phát triển đô thị nhằm kiểm soát đầu tư xây dựng có kế hoạch theo quy hoạch.

Cùng với đó, UBND TP. Hà Nội giao Sở Quy hoạch-Kiến trúc chủ động phối hợp với các Sở ngành, quận, huyện tiến hành rà soát, bổ sung quỹ đất xây dựng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, các công trình dân sinh bức xúc được quan tâm.

Cụ thể, Thành phố sẽ bổ sung 184 điểm trường học (mầm non, tiểu học, THCS, THPT); bổ sung các điểm sân chơi, vườn hoa, công cộng Thành phố với tổng quy mô đất khoảng 63,5 ha. Hiện nay, cơ bản các đề xuất của các đơn vị liên quan đến các quỹ đất trên đều được giải quyết dứt điểm.

Vừa qua, Thành phố đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương thực hiện công tác di dời trụ sở các bộ, ngành, các cơ sở giáo dục, đào tạo, y tế tại các quận nội đô theo định hướng quy hoạch chung nhằm tạo động lực phát triển các khu vực ngoài đô thị trung tâm (đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái...), giảm sức hút đối với lao động, dân cư ngoại thành, ngoại tỉnh đồng thời tạo quỹ đất phục vụ đầu tư bổ sung các công trình xã hội của Thành phố còn thiếu.

Tuy nhiên đến nay kết quả di dời còn rất hạn chế, các cơ sở đã được bố trí quỹ đất mới gồm bộ, ngành (09 cơ sở), bệnh viện tuyến Trung ương (08 bệnh viện), giáo dục (01 cơ sở) đều chưa bàn giao lại quỹ đất cũ cho Thành phố.

UBND Thành phố đã giao nhiệm vụ cho Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì về công tác di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp quy hoạch; giao Sở Công thương chủ trì lập quy hoạch phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố. 

Thành phố cũng giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương để rà soát, đối chiếu Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung xây dựng huyện với các địa điểm công nghiệp di dời, khu - cụm công nghiệp theo danh mục cụ thể, đề xuất nguyên tắc phân nhóm thứ tự di dời.

Hiện nay, TP. Hà Nội đang tổng hợp số lượng cơ sở sản xuất đã thỏa thuận vị trí di dời khỏi khu vực nội thành và tình trạng quản lý sử dụng quỹ đất sau di dời để  tổng hợp báo cáo UBND Thành phố.

Quản lý quỹ đất sau khi di dời như thế nào?

Quỹ đất của các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm sau khi di dời đều được UBND thành phố Hà Nội xem xét, chỉ đạo ưu tiên phục vụ đầu tư xây dựng bổ sung các công trình trường học, cây xanh, công trình công cộng... phần diện tích còn lại được xem xét, đầu tư xây dựng các công trình dịch vụ, thương mại, nhà ở... trên cơ sở tính toán các chỉ tiêu, xem xét sự phù hợp với quy hoạch bảo đảm theo quy định hiện hành.

Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn một số quận nội thành bên ngoài khu vực nội đô lịch sử như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì, Bắc Từ Liêm.. đã triển khai đầu tư xây dựng một số dự án khu đô thị nhằm giải quyết các nhu cầu phát triển đời sống kinh tế-xã hội, đô thị của địa phương và Thành phố.

Việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng các dự án, các khu đô thị đã bảo đảm tuân thủ theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Quy hoạch phân khu; bảo đảm các yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn về hạ tầng xã hội, hạ tầng đô thị để bảo đảm phục vụ nhu cầu của khu đô thị và khu vực xung quanh theo quy định.

Trong quá trình triển khai quy hoạch, phê duyệt dự án, TP. Hà Nội yêu cầu xác định rõ trách nhiệm đầu tư các công trình hạ tầng xã hội, trường học công lập do nhà nước đầu tư, quản lý sẽ được giao chính quyền địa phương làm chủ đầu tư thực hiện; trường hợp không có nhu cầu xây dựng trường công lập sẽ thực hiện xã hội hóa do chủ đầu tư thực hiện và xác định rõ nội dung, tiến độ thực hiện trong quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư của dự án. Công tác kiểm tra được thực hiện theo kế hoạch hoặc đột xuất theo dự án và được các cơ quan chuyên môn liên quan của Thành phố thực hiện.

UBND TP. Hà Nội cũng đang tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra và đề xuất các giải pháp xử lý kịp thời và nghiêm minh các vi phạm quy định về quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng, quản lý đối với các chủ đầu tư xây dựng không đúng mục đích, chậm triển khai đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội.

Theo chỉ đạo của thành phố, quỹ đất dành cho xây dựng nhà trẻ, trường học không được cho phép chuyển đổi sang chức năng dân dụng khác.