Hướng thị trường nhà ở vào dân đô thị

Theo Đại Biểu Nhân dân

Bộ Xây dựng cho biết, đến năm 2015, có khoảng 1,7 triệu dân đô thị trên cả nước gặp khó khăn về nhà ở và 1,71 triệu công nhân muốn có chỗ ở cố định. Tuy nhiên, cho đến nay dường như các nhà đầu tư bất động sản trong nước vẫn chưa thực sự mặn mà hướng đến phân khúc thị trường nhà ở cho người dân đô thị.

Hướng thị trường nhà ở vào dân đô thị
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Hiện nay nhu cầu về nhà ở của người dân sống tại các đô thị, đặc biệt là những đối tượng có thu nhập thấp, rất lớn. Để đáp ứng đủ nhu cầu về nhà ở cho dân cư đô thị nói chung, ít nhất cần phải xây dựng khoảng 700 nghìn căn hộ. Trong đó, đối với bộ phận người có thu nhập thấp và công nhân các khu công nghiệp nói riêng, đến năm 2020, con số về nhà ở cần để đáp ứng nhu cầu sẽ tăng thêm khoảng 200 nghìn căn. Đặc biệt, nhu cầu này càng trở nên bức thiết hơn tại các thành phố, đô thị lớn, tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… Theo thống kê, chỉ tính riêng tại TP. Hà Nội, số lượng nhà ở cần xây dựng vào khoảng 30.000 căn.

Tuy nhu cầu của người dân sống ở các vùng đô thị hiện nay rất lớn nhưng dường như các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và xây dựng bất động sản vẫn không thật sự mặn mà với phân khúc thị trường này, đặc biệt là nhà ở dành cho người dân có thu nhập thấp và công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất sống tại các đô thị lớn. Trong khi đó, lượng tồn đọng ở phân khúc nhà ở thương mại, nhà ở cao cấp ngày càng tăng cao. Điều này đã gây ra tình trạng lệch pha cung cầu ngày càng xa trong thị trường bất động sản ở nước ta hiện nay. Do vậy, để có thể đạt được những mục tiêu về nhà ở, Bộ Xây dựng cho rằng, các cơ quan chức năng, bộ, ngành có liên quan cùng với doanh nghiệp cần vào cuộc một cách đồng bộ và triển khai các giải pháp một cách quyết liệt nhằm cân đối quy mô hàng hóa trên thị trường bất động sản cho phù hợp với nhu cầu thực tế.

Các thành phố, tỉnh hiện cũng đã có những chính sách, kế hoạch xây dựng nhà ở cho giai đoạn sắp tới, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao về nhà ở xã hội của người dân sống tại đô thị. Được biết, hai địa phương lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh dự kiến phấn đấu xây dựng được 7,4 triệu m2 sàn nhà ở, tương đương với khoảng 167 nghìn căn hộ. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đã chỉ đạo các địa phương tăng cường xây dựng các dự án nhà ở nhằm bước đầu đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân, đặc biệt là nhà ở cho người có thu nhập thấp. Hiện có 157 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai xây dựng với quy mô 68.500 căn hộ. Trong đó, có 33 nghìn căn dành cho người có thu nhập thấp và 35,5 nghìn căn dành cho công nhân. Đến đầu tháng 6.2013, sẽ có 6 dự án nhà ở xã hội được khởi công trên toàn quốc (3 dự án ở TP. Hà Nội, 1 dự án ở TP. Hồ Chí Minh, 1 ở Nghệ An và 1 ở Bình Định).

Trong đó, có 1 dự án từ nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội tại Khu đô thị Đặng Xá, Hà Nội do Tổng công ty Thủy tinh và Gốm Xây dựng (Viglacera) đầu tư. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng, cụ thể là Bộ Xây dựng, cần xem xét kỹ việc cho phép xây dựng thêm nhiều dự án nhà ở xã hội như hiện nay. Bởi lượng hàng hóa tồn đọng trên thị trường bất động sản hiện chưa được giải quyết. Nếu xây dựng quá nhiều có thể càng làm cho tình trạng tắc nghẽn trong kinh doanh nhà ở hiện nay trở nên trầm trọng hơn. Và trong thời gian tới, nên có chính sách khuyến khích chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội thay vì cho phép triển khai xây dựng thêm nhà ở xã hội.

Và như vậy, chủ trương khuyến khích đầu tư vào nhà ở xã hội, chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội mới thực sự mang lại ý nghĩa thiết thực, không chỉ đáp ứng, giải quyết phần nào nhu cầu cấp thiết về nhà ở cho người có thu nhập thấp, công nhân tại các khu công nghiệp nói riêng và dân cư đô thị nói chung, mà còn góp phần điều chỉnh, định hướng nguồn cung của thị trường bất động sản phù hợp hơn với nhu cầu thực tế của người dân.