Hy vọng cuối năm 2012 của thị trường bất động sản

Hồng Nhung

TCTC Online - Kinh tế Việt Nam đang dần thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng nhưng những tác động để lại cho nền kinh tế, trong đó, thị trường bất động sản đang bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, đây chính là thời điểm để thị trường bất động sản tự thanh lọc và có những bước tiến mới.

Trong giai đoạn nền kinh tế lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, thị trường bất động sản dường như đóng băng trong suốt thời gian dài. Trong 4 tháng đầu năm 2012, các giao dịch trên thị trường chủ yếu là nhỏ lẻ và có giá trị không lớn; nhiều dự án lâm vào tình trạng không thể tiếp tục triển khai… Mọi hoạt động mua bán đi vào bế tắc và các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội trong những  lĩnh vực khác.

Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Phan Thành Mai cho hay, trong vòng ba quý qua, lượng hàng tồn kho các căn hộ để bán liên tục tăng do khả năng hấp thụ của thị trường tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chỉ khoảng 7%.

Nguyên nhân chính tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản là tâm lý lo ngại của người tiêu dùng. Hiện nay, giá bất động sản vẫn quá cao so với thu nhập trung bình của đa số người dân. Thực tế, trước đây các dự án bất động sản thường được bán với giá cao hơn rất nhiều so với chi phí thực tế xây dựng của doanh nghiệp và vượt quá khả năng mua nhà của đa số người dân với mức thu nhập trung bình. Mặt khác, thị trường vẫn kỳ vọng giá bất động sản còn xuống nữa, nên nhiều người chưa quyết định mua bất động sản vào lúc này. Chính vì vậy, mặc dù khi giá bán của nhiều căn hộ hiện nay đã bằng hoặc thấp hơn giá thành đầu tư nhưng khách hàng vẫn tiếp tục chờ đợi những đợt giảm giá tiếp theo. Hơn nữa, việc đầu tư bất động sản lúc này được đánh giá là mạo hiểm, do thanh khoản của hàng hoá bất động sản  vẫn còn ở mức thấp.

Nắm bắt được tâm lý của khách hàng, một số doanh nghiệp bất động sản sử dụng giải pháp “bán tháo” các dự án căn hộ hoặc tung ra nhiều khuyến mại hấp dẫn nhằm thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng và nhà đầu tư. Điều này mang đến cho những người có nhu cầu thật sự về nhà ở được tiếp cận các khu căn hộ với giá hợp lý hơn.

Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh, từ năm 2009 đến nay, thị trường căn hộ đã trải qua 3 đợt giảm giá lớn: lần đầu là năm 2009, lần thứ 2 vào cuối năm 2011, và hiện nay vẫn tiếp tục giảm giá bán. Chẳng hạn như dự án Hoàng Anh River View được bán với giá 18,2 triệu đồng/m2 được khẳng định chắc chắn sẽ lỗ nhưng doanh nghiệp vẫn chấp nhận bán với mức giá trên bởi đây chính là cách tốt nhất để tự cứu mình của doanh nghiệp. Tương tự, thị trường Hà Nội cũng nhiều dự án giảm giá bán trực tiếp hoặc qua các hình thức khác như ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng... Giá bán căn hộ ở một số dự án đã giảm đến 40% so với thời điểm năm 2010.

Mặc dù được đánh giá đây vẫn là giai đoạn còn khó khăn của thị trường bất động sản bởi nhiều doanh nghiệp vẫn đang trong tình trạng khó khăn, nhiều dự án đang lâm vào tình trạng không thể triển khai do doanh nghiệp không giảm giá dự án, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế có ý kiến cho rằng, thị trường bất động sản có khả năng sẽ phục hồi từ nay đến cuối năm.

TS. Trần Kim Chung nhận định, từ bây giờ đến hết năm 2012, nếu có một xung lực tốt kèm các điều kiện kinh tế vĩ mô tốt thì thị trường sẽ đi lên. Bên cạnh đó, sau hơn 2 năm đóng băng, thị trường trầm lắng và giá bất động sản đã nằm ở cùng đáy thì thị trường đi lên là tất yếu xu hướng. Với những dự án còn đang trong quá trình thực hiện nhưng thiếu vốn, tình hình cũng sẽ khả quan hơn bởi lạm phát đang dần được ổn định, tín dụng sẽ được nới lỏng nên dòng vốn cho thị trường bất động sản sẽ dồi dào hơn.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho rằng, một trong những giải pháp để doanh nghiệp tự cứu mình là phải giải quyết triệt để hàng tồn kho. Đồng thời, các chủ đầu tư phải cơ cấu lại, làm nhỏ sản phẩm, diện tích xây dựng, giảm tầng xây dựng, tiết kiệm tối đa chi phí thì mới mong tình hình cải thiện hơn.

Đồng tình với quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng cho rằng, với sự điều chỉnh linh hoạt về diện tích, giá cả của một số chủ đầu tư trong thời gian qua, từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ có những chuyển biến nhất định vì nguyên nhân quan trọng nhất khiến cho thị trường đình trệ trong suốt thời gian dài vừa qua chính là cung lệch cầu.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đang thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng qua phương thức mua nhà hỗ trợ lãi suất, như gia hạn thời gian vay 0% lãi suất của Ngân hàng Vietcombank đối với khách hàng đăng ký mua căn hộ tại dự án Indochina Plaza Hà Nội. Lúc đầu, Vietcombank và chủ đầu tư dự án thông báo chỉ thực hiện trong 1 tháng, 2 tháng nhưng vừa qua lại tiếp tục gia hạn thêm nhằm kích cầu, thu hút khách hàng đến với dự án.

Đánh giá những bước tiến của doanh nghiệp bất động sản trong việc tự cứu mình, các chuyên gia đều cho rằng đây là con đường đúng trong việc giải quyết hàng tồn kho cũng như thanh lọc thị trường. Với định hướng đúng đắn của chính các doanh nghiệp, thị trường có xu hướng khôi phục trở lại, cung thị trường đang dần bắt kịp với cầu của người tiêu dùng.

Ông Phạm Huy Thông, Phó tổng giám đốc VietinBank cho biết, việc tái cơ cấu thị trường bất động sản thực chất là sửa chữa những sai lầm trong quá khứ, nên đừng đề cập vấn đề kinh doanh có lãi vào lúc này. Các chủ thể cần có trách nhiệm và đưa ra những biện pháp mạnh mẽ để cải thiện thanh khoản của thị trường.

Bên cạnh đó, sau khi Chính phủ có những động thái hỗ trợ doanh nghiệp và các nhà đầu tư như hạ lãi suất, tung gói hỗ trợ doanh nghiệp... thị trường đã có những khởi sắc. Một số dự án đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng sau nhiều lần chậm trễ. Điều này cho thấy niềm tin của người dân cũng như các nhà đầu tư vào thị trường bất động sản đang dần quay trở lại.

Tuy nhiên, hiện nay, những chính sách kích thích thị trường đang dược sử dụng chủ yếu về tài chính, tín dụng… được đánh giá là có tác động tích cực lên thị trường nhưng chỉ trong ngắn hạn và có hiệu quả gián tiếp. Vì vậy, Chính phủ nên có những tháo gỡ trực tiếp ở khâu thủ tục pháp lý của dự án như tiền sử dụng đất, thủ tục chuyển nhượng dự án…. tạo điều kiện cho doanh nghiệp có công cụ để giải quyết khó khăn của thị trường.