Khan hàng bất động sản mới, khách mua phát hoảng với mức giá "leo thang"

Theo Triệu Vương/reatimes.vn

Thiếu đi nguồn cung hàng mới, nhà đầu tư và môi giới phải kéo dài khoảng thời gian nghỉ Tết. Trong khi đó, nhiều khách hàng mua nhà để ở lại không dám xuống tiền vì mức giá chung cư tăng mạnh.

Nhà đầu tư mỏi mòn tìm hàng mới, khách mua để ở khó tiếp cận căn hộ vì mức giá cao. Nguồn: internet
Nhà đầu tư mỏi mòn tìm hàng mới, khách mua để ở khó tiếp cận căn hộ vì mức giá cao. Nguồn: internet

Tết kéo dài nhất trong lịch sử của dân môi giới

Đã hơn 1 tháng kể từ sau Tết Nguyên đán, chị Hoàng Quỳnh (Hoài Đức, Hà Nội) vẫn tự nhận “mình còn trong thời gian nghỉ phép”. Chị tâm sự, chưa năm nào, cái Tết của người làm môi giới như chị và các đồng nghiệp lại kéo dài đến như vậy.

“Năm nay, ảnh hưởng của đại dịch Corona một phần nhưng thực tế trên thị trường, hầu như không có dự án nào mở bán mới. Tất cả đều là dự án cũ đã có từ trước. Khách gọi điện đa phần chỉ hỏi khi nào có hàng mới. Bởi nói thật, khi các dự án trước đó đã mở bán, hàng đẹp đã được gom sẵn hết. Đa phần chỉ còn lại hàng tồn, khó đáp ứng thị hiếu của khách. Mức giá cũng tăng từ 10 - 20% so với giá bán ban đầu nên các nhà đầu tư không muốn xuống tiền. Những nhà đầu tư thứ cấp chỉ ưa thích tìm hàng mới và phải được cọc, lựa chọn ngay từ thời điểm mới ra hàng”, chị Hoàng Quỳnh chia sẻ.

Theo chị Hoàng Quỳnh, đối với môi giới kinh doanh phân khúc chung cư, đất nền dự án, tâm lý đều mong chờ nhất vào Quý I và Quý IV vì lượng hàng bung ra lớn. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên, môi giới gần như “án binh bất động”. Các sàn giao dịch chủ yếu hoạt động dựa vào những dự án cũ với nguồn hàng tồn hoặc chỉ kiếm lời từ một phần sản phẩm bất động sản đã qua sử dụng. Nhưng để chốt lời các sản phẩm này cũng không đơn giản bởi mức giá tăng mạnh, tính thanh khoản chậm.

Cũng theo anh Nguyễn Ngọc (Nam Từ Liêm, Hà Nội), “Hiện tại, nếu “điểm mặt chỉ tên” cũng chỉ có một số dự án đang đình đám như The Zei (Mỹ Đình), Vinhomes Smart City… Trước đó vào thời điểm cuối năm, dự án The Matrix One cũng mới quảng bá giới thiệu trên thị trường tuy nhiên, đây là dòng căn hộ cao cấp”.

Anh Nguyễn Ngọc nhận định, thị trường đang ảm đạm một phần đến từ thiếu đi nguồn cung hàng mới. Điều này khiến cho khách hàng, nhà đầu tư khó lựa chọn. Nhất là đối với dự án tầm trung, gần như trên thị trường không có hàng mới.

“Tâm lý nhà đầu tư và môi giới vẫn thích tìm kiếm hàng mới. Đối với hàng đã bung ra thị trường từ sớm, đa phần các sàn đã ôm hàng hoặc các nhà đầu tư đầu tiên đã sở hữu với mức giá tốt. Trong khi đó, khả năng lướt sóng của những sản phẩm đã đi qua 1 - 2 lần giao dịch rất khó kiếm lời. Nhất là những dự án bung hàng từ sớm, mức giá bị đẩy lên quá cao hoặc hàng còn lại không có nhiều lựa chọn. Thông thường như mọi năm, nhiều dự án mới tung ra, nhà đầu tư và môi giới vẫn hồ hởi vì rõ ràng khả năng lựa chọn lớn, giá đẹp. Năm nay thị trường còn khan hiếm mạnh dự án tầm trung” – anh Nguyễn Ngọc chia sẻ.

Khan hàng và nguy cơ giá nhà "leo thang"

Không chỉ có các nhà đầu tư, môi giới mà ngay cả khách hàng tìm dự án mới mua để ở cũng gặp khó khăn. Chị Ngọc Bích (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Gia đình tôi rục rịch chuẩn bị kế hoạch mua nhà ở Hà Nội từ năm ngoái nhưng vẫn chưa tìm được căn hộ nào ưng ý. Từ cuối năm đến nay, hỏi môi giới mà vẫn không thấy có dự án mới nào mở bán. Các căn hộ cao cấp thì gia dình tôi không có đủ tiền để mua nên chỉ tìm căn hộ có giá bình dân, nhưng cũng không có hàng. 

Trước đó, tôi được biết phía Thanh Trì chuẩn bị ra mắt dự án NƠXH. Nhưng mức giá dành cho căn nhỏ nhất của NƠXH, hơn 50m2 cũng ngót nghét hơn 1 tỷ đồng, tức rơi vào gần 20 triệu đồng/m2. Tôi thắc mắc tại sao NƠXH đắt vậy, phía môi giới còn bảo: “Thị trường hiện tại cũng không có hàng mới để bán”. Có khi phải 1 - 2 năm nữa, gia đình tôi mới tìm được nhà để mua”.

Môi giới cũng "cạn" việc vì tình trạng thiếu hàng mới ra thị trường. (Ảnh: Dân trí) 
Môi giới cũng "cạn" việc vì tình trạng thiếu hàng mới ra thị trường. (Ảnh: Dân trí) 

Thực tế tình trạng “khan hiếm” hàng mới còn diễn ra ở thị trường bất động sản địa phương mà điển hình như Vân Đồn (Quảng Ninh). Ngay sau khi thông tin quy hoạch Vân Đồn là trung tâm công nghiệp giải trí có casino được công bố, lượng nhà đầu tư đổ vào khu vực này tăng đột biến.

Ông Phạm Tùng (Giám đốc một đơn vị môi giới tại Vân Đồn) cho biết, lượng nhà đầu tư, đối tác quan tâm vào khu vực này tăng gấp hàng trăm lần so với thời điểm trước 17/2. Tuy nhiên, lượng nhà đầu tư đông nhưng nguồn cung còn giới hạn, tập trung vào dự án Phương Đông và dọc trục đường 334.

Trước đó, vào thời điểm năm 2017, thông tin Vân Đồn lên đặc khu kinh tế, không ít các doanh nghiệp địa ốc đã quyết định xuống tiền vào khu vực này. Song, từ năm 2018 đến nay, những vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính, nhiều doanh nghiệp địa ốc đều phải dừng hoạt động thi công, triển khai, chờ phê duyệt quy hoạch. Đến thời điểm hiện tại, dù nhu cầu mua hàng từ các nhà đầu tư lớn nhưng nguồn cung hàng vẫn đang khan hiếm. Dự kiến sau quy hoạch phải mất sớm nhất 1 - 2 năm nữa, các dự án mới tung ra thị trường, nhà đầu tư mới có hàng để gom.

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, tình trạng nguồn cung sụt giảm mạnh, dự án mở bán nhỏ giọt đến từ vướng mắc về thủ tục hành lang pháp lý. Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, khan hiếm nguồn cung trong bối cảnh lực cầu mạnh tại đô thị là nguyên nhân chính làm giá căn hộ chung cư tăng mạnh. Hệ lụy là người có nhu cầu ở thực khó mua được nhà. Trong khi đó, lượng giao dịch từ phía nhà đầu tư thứ cấp và môi giới giảm mạnh do khan hàng mới.