Khi ngân hàng cần vốn trung, dài hạn

Theo SGTT

Mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường đã được đẩy lên 10,3%, chỉ cách trần lãi suất cho vay 0,2%. Ngân hàng Nhà nước đã giảm mức cho phép các ngân hàng, tổ chức tín dụng sử dụng nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn từ 40% xuống còn 30% nhằm hạn chế rủi ro về tín dụng

Một giám đốc chi nhánh ngân hàng thương mại tại tỉnh Bình Dương tiếc rẻ khi để vuột mất một dự án vay lớn cả trăm tỉ đồng của một khách hàng uy tín. Vướng mắc lớn nhất mà chi nhánh này đang đối mặt là nguồn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, chiếm đến 90% tổng vốn huy động. “Đa số người gửi tiền chỉ chọn các kỳ hạn ngắn. Có người chọn gửi không kỳ hạn hoặc chấp nhận mức lãi suất thấp để tham gia các sản phẩm cho rút vốn linh hoạt”, nhân viên quầy giao dịch ngân hàng này cho biết.

 Ngoài mức lãi suất cao nhất 10,3% cho kỳ hạn 36 tháng tại Ngân hàng Phát triển nhà TP.HCM, nhiều nhà băng áp dụng mức lãi suất huy động trên 10% như Việt Nam Tín Nghĩa, Kiên Long 10,2%/năm, Nam Việt 10,02%/năm, Nam Á 10%/năm. Tuy nhiên, điều kiện hưởng lãi suất cao khách hàng phải gửi kỳ hạn dài 36 – 60 tháng.

 Không chỉ lãi suất cao

 Theo Ngân hàng Nhà nước, trước ngày 3.8, một số ngân hàng có mức lãi suất thấp hơn các ngân hàng khác, cũng đã điều chỉnh tăng từ 0,1 – 0,3%/năm ở các kỳ hạn từ 3 – 24 tháng (như Agribank, Vietcombank, Phát triển nhà ĐBSCL, Đông Nam Á, Kiên Long) cho phù hợp với mặt bằng lãi suất chung của thị trường, tránh tình trạng người dân rút tiền nơi này gửi nơi khác.

 Ngoài việc đưa mức lãi suất đầu vào lên gần chạm trần cho vay, ngân hàng còn tung ra nhiều chương trình khuyến mãi tặng nón bảo hiểm xịn, bảo hiểm xe máy, cộng thêm lãi suất, thưởng lãi bậc thang.

 Sở dĩ ngân hàng phải tăng lãi suất, đặc biệt ở kỳ hạn dài, bởi mối lo tái lạm phát trong thời gian tới, khiến việc huy động ở kỳ hạn dài gặp khó. Tại phòng giao dịch của ngân hàng Kiên Long ở TP.HCM, nhân viên quầy giao dịch cho biết lượng khách hàng chọn gửi kỳ hạn dài để hưởng lãi cao là rất ít. Hiện các kỳ hạn gửi 1 – 12 tháng được ngân hàng áp dụng mức lãi suất 8 – 9,12%/năm có nhiều khách hàng lựa chọn hơn.

 Tại Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank), sau khi hỏi kỹ các điều kiện của chương trình “gửi tiết kiệm, tặng mũ bảo hiểm cho bé”, nhiều khách hàng đã chọn sản phẩm thông thường thay vì gửi số tiền 20 triệu đồng, hoặc 2.000 USD, hoặc 10 chỉ vàng SJC kỳ hạn dài 18 tháng để nhận quà tặng là chiếc mũ bảo hiểm trị giá 120.000đ.

 Dư địa cho vay

 Các ngân hàng, tổ chức tín dụng được phép thoả thuận với khách hàng lãi suất vay tiêu dùng, vay tín chấp cao hơn 150% lãi suất cơ bản. Và mức lãi suất phổ biến hiện nay đối với hoạt động cho vay này từ 12 – 16%/năm. Hầu hết các khách hàng vay tiêu dùng, mua xe, nhà ở đều có nhu cầu về trung và dài hạn, 12 – 60 tháng”, nhân viên quầy giao dịch của chi nhánh này cho biết. Dễ hiểu, ngân hàng phải áp dụng lãi suất huy động cao ở các kỳ hạn dài để đáp ứng nhu cầu này.

 Huy động dài hạn là cách để ngân hàng ổn định nguồn vốn. “Thực tế nhiều ngân hàng không thiếu vốn nhưng chủ yếu là tiền gửi kỳ hạn ngắn trong khi dư nợ trung và dài hạn của ngân hàng đang tăng. Sản phẩm tiền gửi này cơ bản mang tính biến động cao, đồng thời làm chi phí vốn đội lên khiến ngân hàng khó khăn trong việc cạnh tranh”, phó tổng giám đốc ngân hàng Phát triển nhà TP.HCM (HDBank) Nguyễn Mạnh Quân cho biết.

Tại HDBank, lượng tiền gửi trung và dài hạn (12 tháng trở lên) chiếm khoảng 30% tổng vốn huy động. Nhà băng này đã tự phá bỏ mức lãi suất kỷ lục của mình từ 10,2%/năm lên 10,3%/năm hồi giữa tuần, tuy nhiên vẫn rất ít khách hàng chọn kỳ hạn 36 tháng để hưởng mức lãi suất cao này. Việc thu hút nguồn vốn trung và dài hạn thông qua việc phát hành kỳ phiếu, trái phiếu tại các ngân hàng hiện nay cũng chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.

 Ngoài ra, thông tin mới nhất là ngày 10/8, Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm mức cho phép các ngân hàng, tổ chức tín dụng sử dụng nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn từ 40% xuống còn 30% nhằm hạn chế rủi ro về tín dụng. Bởi vậy, bài toán đặt ra cho các ngân hàng còn nan giải hơn. Các nhà băng hoạt động chủ yếu dựa vào huy động tiết kiệm để cho vay trung và dài hạn chắc chắn sẽ chật vật hơn.

 Mặt khác, việc sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn còn bị hạn chế bởi chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay đang được áp dụng với vay ngắn hạn. Ngân hàng phải ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho mục tiêu này.