Khi “thưởng” hết… “thiêng”!

Thành Trung

TCTC Online - Gần một năm trước đây, khi TTCK Việt Nam chính thức hồi phục từ đáy của suy thoái, khủng hoảng tài chính toàn cầu, những thông tin chia thưởng cổ phiếu dù không còn “hot” như thời 2006 - 2007 nhưng vẫn có sức nặng nhất định. Tuy nhiên, khi xu hướng của thị trường không rõ, dòng tiền yếu và NĐT ngày càng hiểu thêm bản chất của chữ “thưởng” thì việc DN tăng vốn bằng chia tách cổ phiếu dường như đã hết “thiêng”...

“Thưởng” lớn, giá vẫn xuống

Những ngày đầu tháng 6/2010, Công ty cổ phần Sông Đà - Thăng Long trên sàn Hà Nội (STL) công bố trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ lên tới 50%. Thực ra, tin này đã được một số NĐT úp mở trên các diễn đàn chứng khoán từ hơn nửa năm trước, lúc thị trường “thăng hoa” ở ngưỡng trên 600 điểm. Tại thời điểm đó, nó trở thành một thứ “bùa” dẫn dắt NĐT lao theo khi mà STL vẫn cứ “ngược dòng” dù thị trường có phiên giảm điểm.

Ai cũng thấy rằng, việc chia tách cổ phiếu là hợp lý bởi STL đang cần vốn triển khai Dự án Usilk City - Khu đô thị mới Văn Khê (Hà Đông). Dự án này được các NĐT đánh giá sẽ đem lại lợi nhuận “cực khủng” trong tương lai nên dù STL có thưởng thế chứ thưởng nữa vẫn càng hấp dẫn, không hề sợ cổ phiếu pha loãng EPS. 

Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 6/2010, khi STL thưởng thật thì dòng tiền trên thị trường lại tỏ ra khá thờ ơ, dù những điểm hấp dẫn của STL vẫn còn nguyên như một nửa năm trước. Bởi ai cũng nhìn thấy cảnh nhiều NĐT nhận thưởng lớn mà tài khoản chẳng chịu đầy lên, ngược lại phải “nghiến răng” nhìn số tiền vơi đi trong bất lực. Ví dụ nhỡn tiền nhất là những NĐT nhận cổ phiếu thưởng “khủng” 1:1 tại Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI).

Thời điểm nhận thưởng, giá SSI ở mốc 92.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi chia 1:1, giá trên bảng điện tử điều chỉnh lại chỉ còn 46.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên khi đám cổ phiếu thưởng kia về tới tài khoản thì giá SSI thậm chí đã xuống tới 36.000 đồng/cổ phiếu mà trước khi cổ phiếu thưởng niêm yết, thị trường giảm NĐT cũng không “cắt lỗ” nổi.

Có thể kể ra hàng loạt DN niêm yết tuyên bố thưởng cao nhưng vẫn bị dòng tiền nóng trên thị trường thờ ơ, trong đó có cả những DN ngành BĐS làm ăn rất phát đạt trong năm 2009 như Nhà Từ Liêm, Nhà Thủ Đức, Licogi 16, Khu đô thị Sông Đà hay những cổ phiếu trụ cột như STB...

Khi cổ đông “khôn” hơn...

Sở dĩ cổ phiếu được thưởng lớn mà giá vẫn giảm vì ngày nay, NĐT trên TTCK Việt Nam đã “khôn” ra nhiều. Hầu hết các NĐT lão luyện đều biết việc chia cổ tức bằng cổ phiếu không làm thay đổi giá trị DN (giá trị vốn cổ phần) và cũng không tạo ra thặng dư vốn cho DN, mà chỉ chuyển một phần lợi nhuận chưa phân phối thành vốn điều lệ của DN cùng với sự gia tăng của tổng khối lượng cổ phiếu lưu hành. Trên TTCK, mỗi khi cổ đông được hưởng những quyền lợi nào đó thì thị giá của những cổ phiếu họ đang nắm giữ cũng được điều chỉnh một cách tương ứng để đảm bảo công bằng trong hoạt động giao dịch.

Tại các diễn đàn chứng khoán một số NĐT còn khẳng định rõ: “Chia cổ tức bằng cổ phiếu không mang lại sự gia tăng tài sản ngay cho các cổ đông, mà ngược lại, nỗi lo cổ phiếu mình đang nắm giữ bị sụt giảm EPS lớn khá hiện hữu”. Theo ông Lưu Trung Dũng, Công ty Cổ phần Đào tạo và Tư vấn đầu tư thì “cổ phiếu thưởng” bấy lâu đã gây hiểu lầm đối với nhiều người. Tuy nhiên, việc một số DN sau khi chia thưởng đã không duy trì được lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu và nhất là bản chất của việc thưởng đã được giới chuyên gia phân tích khá kỹ khiến NĐT không còn mặn mà như trước.

Đối với những cổ phiếu có thị giá cao, việc chia tách sẽ gia tăng tính thanh khoản do giá cổ phiếu đã được điều chỉnh giảm theo tỷ lệ chia thưởng. Những NĐT ít vốn sẽ có cơ hội đầu tư khi có cảm giác cổ phiếu đã rẻ đi. Việc cho phép nhiều NĐT có mức tiền vừa phải sẽ tham gia nhiều hơn, làm tăng cầu chứng khoán và khi cầu chứng khoán tăng sẽ tác động làm tăng giá chứng khoán. Theo Hiệp hội các NĐT tài chính Việt Nam (VAFI): “Trong chừng mực nào đó, việc phát hành cổ phiếu thưởng giống như DN chia nhỏ cổ phần để giá mỗi cổ phiếu sau khi chia nhỏ sẽ giảm xuống, tạo tính thanh khoản trên thị trường. Thưởng cổ phiếu là một nghiệp vụ làm tăng số lượng cổ phiếu, chứ không làm gia tăng giá trị vốn cổ phần”.

Nói cách khác, về phương diện hạch toán kế toán, đó chẳng qua là một bút toán chuyển từ tài khoản thặng dư vốn - capital surplus (có công ty lấy từ quỹ đầu tư phát triển) sang vốn điều lệ (capital stock - tính trên mệnh giá) của bảng cân đối kế toán một công ty. Việc tăng giá từ thông tin này cũng chỉ dừng lại ở một mức độ hợp lý nhờ tính thanh khoản của cổ phiếu cao hơn trước”.

Khi thưởng cổ phiếu cho cổ đông, DN thường sử dụng dùng nguồn hình thành từ vốn thặng dư (số tiền chênh lệch giữa giá bán và mệnh giá khi DN phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ) và lợi nhuận tích lũy lại qua các năm (giống như khi trả cổ tức bằng cổ phiếu) để chuyển thành vốn điều lệ. Số lượng cổ phiếu của DN tăng lên đồng nghĩa với việc vốn điều lệ tăng lên nhưng giá trị của DN vẫn giữ nguyên bởi nguồn thặng dư vốn và lợi nhuận giữ lại bị giảm đi tương ứng.

Điều đó khẳng định giá trị tài sản của mỗi cổ đông không hề tăng lên, mặc dù số lượng cổ phiếu trong tài khoản của mình tăng lên. Việc DN công bố thưởng cổ phiếu cho cổ đông chính là “dùng tài sản của cổ đông thưởng cho các cổ đông đó”. Mà DN là công ty đại chúng thuộc sở hữu chung của các cổ đông nên nhìn từ góc độ lợi ích thì đó là việc “tự thưởng”, bớt một phần tài sản của mình để thưởng lại cho mình.

Cần một cam kết duy trì lợi nhuận ổn định

Việc dòng tiền thờ ơ với các DN công bố thưởng cổ phiếu tỷ lệ lớn trong thời gian vừa qua phản ánh sự hiểu biết hơn của NĐT trên TTCK Việt Nam, nhưng bên cạnh đó cũng cho thấy niềm tin của giới đầu tư vào tổ chức niêm yết chưa cao, hoặc các tổ chức niêm yết đang quá lạm dụng chuyện thưởng để làm loãng thị trường.

Theo VAFI, sở dĩ NĐT trên thị trường thận trọng hơn với cổ phiếu thưởng bởi không hiếm trường hợp sau khi tăng vốn điều lệ thì DN đã không có phương án sử dụng hiệu quả nguồn vốn này. Một số DN sau khi tăng vốn thì lợi nhuận giảm mạnh, thậm chí thua lỗ nặng, hoặc sau một thời gian chia tách, lợi nhuận của DN ngày càng đuối, khiến cho NĐT chịu thiệt thòi và suy giảm niềm tin. Thậm chí có những DN lợi dụng việc chia thưởng cổ phiếu để làm giá, kinh doanh gặp khó khăn nhưng vẫn tăng vốn điều lệ bằng hình thức chia tách nhằm đẩy giá cổ phiếu lên, phục vụ lợi ích cho cổ đông nội bộ.

Trước tình trạng thưởng lớn vẫn giảm giá, các DN kinh doanh hiệu quả cần thận trọng hơn trong huy động vốn bằng phương thức phát hành cổ phiếu mới. Cần quan tâm đến việc phát hành cổ phiếu theo giá nào và ở thời điểm nào để làm lợi cho cổ đông, tránh ảnh hưởng lớn đến thị giá giao dịch trên thị trường. Để làm được việc này, nên chăng DN cần cam kết sẽ đem lại lợi nhuận ổn định từ số vốn tăng thêm là bao nhiêu để tránh bị cổ đông thận trọng “rút lui” trước thời điểm chốt thưởng, ảnh hưởng đến hình ảnh chung. Đây là vấn đề không đơn giản và đòi hỏi sự nỗ lực lớn của các Ban quản lý DN và thái độ nghiêm túc với quyền lợi của các cổ đông.

Cũng theo VAFI, sau khi chia cổ phiếu thưởng hay trả cổ tức bằng cổ phiếu để hình thành vốn điều lệ mới, DN nên đảm bảo tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ mới của những năm tiếp theo ở mức tối thiểu  25 - 30%. Nếu thực hiện liên tục việc trả cổ tức bằng cổ phiếu nhằm huy động vốn, đồng thời giảm tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt thì đối tượng phải là những cổ phiếu tăng trưởng.

Về phía các NĐT, cần xem xét khi HĐQT quyết định tăng vốn điều lệ bằng hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu hay chia cổ phiếu thưởng thì DN đó có thực sự còn nhiều tiềm năng phát triển ở những ngành nghề kinh doanh cốt lõi. Thận trọng với chia thưởng cổ phiếu là cần thiết nhưng thận trọng thái quá dẫn đến đánh mất quyền lợi tại không ít cổ phiếu tốt như giai đoạn vừa qua trên thị trường cũng là điều không nên.