Khó chuyển đổi công năng của nhà ở xã hội

Theo Đại biểu Nhân dân

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất mua lại một số dự án nhà ở thương mại để chuyển đổi công năng thành nhà ở xã hội. Đây có thể coi là một cách làm phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Nhưng thực tế việc chuyển đổi công năng này không hề dễ dàng.

Khó chuyển đổi công năng của nhà ở xã hội
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tính đến thời điểm này, TP. Hà Nội đã chấp nhận chuyển đổi công năng cho hai dự án nhà ở thương mại. Hầu hết các doanh nghiệp đang nhiệt tình xin chuyển đổi dự án là những doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa. Và ít có dự án nào xin chuyển đổi toàn bộ, mà chỉ một phần nhỏ của dự án. Theo đánh giá của giới kinh doanh, động thái xin chuyển đổi công năng một phần nhỏ của dự án mà các doanh nghiệp lớn đang thực hiện chẳng qua chỉ là cách để đón đầu những ưu đãi mà Nghị quyết 02 của Chính phủ mang lại cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc chuyển đổi công năng. Cụ thể, Nhà nước sẽ dành 20.000 - 40.000 tỷ đồng thông qua tái cấp vốn với thời hạn vay tối đa 5 năm đối với các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và 10 năm đối với các cá nhân và hộ gia đình mua nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, kể cả được hưởng nhiều ưu đãi thì việc triển khai chuyển đổi công năng nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội cũng khó thực hiện. Trước hết, bài toán về vốn dù có được tháo gỡ một phần thì vay lâu dài vẫn là một gánh nặng với doanh nghiệp. Ngoài ra vấn đề thủ tục đối với các dự án chuyển đổi cũng tương đối phức tạp. Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam Nguyễn Ngọc Thành cho rằng, việc chuyển đổi công năng các dự án nhà ở có hai khó khăn là một số dự án chưa hoàn thiện, trong khi chưa có cơ chế thỏa thuận giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp.

Theo nhiều doanh nghiệp, điều quan trọng nhất để giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản hiện nay là kéo giá nhà ở thương mại xuống thấp hơn nữa, gần với mức thu nhập của đại bộ phận người dân để giảm lượng hàng tồn kho. Muốn làm được việc này phải hạ được lãi suất cho vay xuống dưới 10%/năm; thuế thu nhập doanh nghiệp nên giảm còn 15% và thuế giá trị gia tăng còn 5%. Nếu các yếu tố này giảm xuống mức đề xuất thì giá nhà ở thương mại có thể tự động giảm khoảng 30 - 35% so với mức hiện tại. Điều cần nhất của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện nay là hạ các chi phí đầu vào của dự án như tiền sử dụng đất, lãi suất ngân hàng và thời gian làm thủ tục triển khai dự án. Đây là việc thuộc chức năng của các cơ quan quản lý nhà nước và chỉ khi được vận hành tốt thì mới đem lại sự chuyển biến thật sự tích cực cho thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Mặt khác, các doanh nghiệp cũng phải tự cứu mình trước. Hiện doanh nghiệp bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh đang giảm giá bán xuống dưới giá thành để thu hút người mua và thích hợp với căn hộ chuyển đổi công năng. Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu, doanh nghiệp và Hiệp hội bất động sản cần minh bạch thông tin để có thể gặp được người mua có nhu cầu thực.

Bộ Xây dựng đã khẳng định không khuyến khích những dự án nhà ở thương mại đã hoàn chỉnh chuyển đổi công năng, chia nhỏ căn hộ thành nhà ở xã hội, mà quan trọng là rà soát những dự án trên giấy, dự án chưa hoàn thiện để chuyển đổi công năng. Vướng mắc lớn nhất hiện nay với các dự án kiểu này là cơ quan quản lý có cho phép chuyển đổi không, nhà đầu tư có đồng ý chuyển đổi không. Tùy theo quy mô dự án, nếu đơn vị chấp thuận đầu tư là UBND tỉnh thì tỉnh sẽ là đơn vị quyết định có được chuyển đổi hay không. Hiện thủ tục để chuyển đổi tại nhiều địa phương khá nhiêu khê nên doanh nghiệp có thể phải mất nhiều thời gian mới thực hiện được.