Khó xảy ra "bong bóng" bất động sản cuối năm 2018

Theo Tuyết Nhung – Đình Thuyết/thanhtravietnam.vn

Đó là nhận định ông Lê Hoàng Châu- Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) liên quan đến thực trạng thị trường bất động sản trong những tháng cuối năm 2018 và những xu hướng đi mới trong năm 2019.

Chủ tịch HoREA cho rằng, thị trường bất động sản sẽ có sự phát triển khởi sắc hơn trong những tháng cuối năm. Nguồn: internet
Chủ tịch HoREA cho rằng, thị trường bất động sản sẽ có sự phát triển khởi sắc hơn trong những tháng cuối năm. Nguồn: internet

Không xảy ra khủng hoảng bất động sản theo chu kỳ

Theo ông Châu, trong 10 năm qua, thị trường bất động sản đan xen các giai đoạn thăng - trầm - khủng hoảng - phục hồi - tăng trưởng... như: giai đoạn thị trường phát triển nóng dẫn đến “bong bóng” năm 2007; đóng băng năm 2008 đến gần hết năm 2009; phục hồi từ cuối năm 2009 và phát triển nóng dẫn đến “bong bóng” năm 2010, đầu năm 2011; đóng băng từ đầu năm 2011 đến gần hết năm 2013; phục hồi từ cuối năm 2013 và phát triển mạnh trong năm 2015. Tuy nhiên, năm 2016, thị trường bất động sản đã có biểu hiện sụt giảm. Năm 2017, thị trường phục hồi và tăng trưởng nhẹ (chỉ tăng 4,07%).

Trong 6 tháng đầu năm 2018, thị trường bất động sản cả nước có dấu hiệu sụt giảm cả về nguồn cung và số lượng giao dịch. Riêng thị trường TP. Hồ Chí Minh có dấu hiệu sụt giảm khá rõ nét. Tổng nguồn cung sản phẩm nhà ở của các dự án giảm đến 44,5%. Trong đó, phân khúc cao cấp giảm 25,9% (nhưng vẫn chiếm 41,8% tổng nguồn cung), phân khúc trung cấp giảm 32,6% (chiếm 37,7% tổng nguồn cung), phân khúc bình dân sụt giảm mạnh đến 69,7% (chỉ còn chiếm 20,5% tổng nguồn cung). Đây là biểu hiện lệch pha cung - cầu và cũng là chỉ dấu rõ rệt nhất của sự phát triển thị trường bất động sản thiếu bền vững.

Và có nhiều ý kiến quan ngại rằng, chu kỳ cứ 10 năm sẽ lặp lại khủng hoảng của thị trường bất động sản, trong 30 năm qua. Nhưng ông Châu cho rằng, chưa có cơ sở nào để kết luận có quy luật khủng hoảng theo chu kỳ như nhận định nêu trên. Từ nghiên cứu hai cuộc khủng hoảng "bong bóng" bất động sản năm 2007 đến đầu năm 2008, và từ cuối năm 2009 đến đầu năm 2011 cho thấy, đã bắt nguồn từ những nguyên nhân sau: Do tăng trưởng GDP năm 2007 đạt 8,48% là mức rất cao; TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng GRDP năm 2007 đạt mức 12,6%, cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm kể từ năm 1997, dẫn đến thực tế là nhiều doanh nghiệp và người dân dễ kiếm tiền. Bất động sản lại kênh đầu tư, là tài sản được lựa chọn để cất trữ, kinh doanh, kể cả đầu cơ.

Bên cạnh, nguyên nhân trực tiếp bắt nguồn từ chính sách nới lỏng tín dụng, các ngân hàng thương mại đã cho vay dưới chuẩn, thể hiện tăng trưởng tín dụng năm 2007 rất cao, lên đến hơn 37%. Trong đó, một phần rất lớn nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn xã hội đổ vào đầu tư kinh doanh bất động sản. Đồng thời, đã có tình trạng các ngân hàng thương mại buông lỏng việc kiểm soát nguồn vốn vay tín dụng mà lẽ ra phải được sử dụng đúng mục đích.

Song song đó, đã có sự phát triển lệch pha cung - cầu sản phẩm trên thị trường bất động sản, chủ yếu là phát triển nóng ở phân khúc cao cấp. Xuất hiện rất nhiều nhà đầu tư kinh doanh bất động sản thứ cấp, môi giới, cò đất, cò nhà, đi đôi với các đợt sóng tăng giá bất động sản với tần số chóng mặt, và giới đầu cơ chuyên nghiệp "cầm trịch" làm giá, thổi giá, tạo sóng, đẩy giá ảo rất cao so với giá trị thực của bất động sản để trục lợi, kiếm lời nhanh, kích thích tâm lý đầu tư "lướt sóng".

Ngoài ra, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không sử dụng kịp thời, hiệu quả công cụ về thuế; công cụ về tín dụng; công cụ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát triển đô thị... để điều tiết hiệu quả thị trường bất động sản khi vừa xuất hiện dấu hiệu "bong bóng";

 Riêng cuộc khủng hoảng "bong bóng" bất động sản năm 2010, còn có thêm một nguyên nhân nữa là hệ quả của gói kích cầu đầu tư với quy mô tương đương 01 tỷ USD vào giữa năm 2009, mà trong đó, có một phần đáng kể nguồn vốn này được sử dụng sai mục đích để đầu tư vào bất động sản mà không được các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt chẽ.

Đối chiếu các nguyên nhân dẫn đến "bong bóng" bất động sản nêu trên với tình hình thực tiễn của thị trường hiện nay, cho thấy: Trong 6 tháng đầu năm 2018, có 52.322 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 516.900 tỷ đồng; trong đó, có 2.600 doanh nghiệp bất động sản, chiếm 5% tổng số doanh nghiệp và tăng 41,1% so với cùng kỳ năm 2017; GDP cả nước tăng 7,08%; GRDP TP Hồ Chí Minh tăng 7,86% cũng là mức tăng trưởng tích cực và hợp lý, đảm bảo có thể thực hiện được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 khoảng 6,5-6,7% mà Chính phủ đã đặt ra

Tăng trưởng tín dụng của cả nước năm 2017 đạt 18,17% (chỉ gần bằng phân nửa mức tăng trưởng tín dụng nóng  37% của năm 2007); dự kiến năm 2018 tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 17%, cũng là mức tăng tích cực và hợp lý. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố chủ trương không nới "room" tín dụng trong những tháng cuối năm và đang tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng thận trọng, chặt chẽ, linh hoạt. Và lộ trình hạn chế dần tín dụng vào lĩnh vực bất động sản (Năm 2018, các ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng 45% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn, chủ yếu là lĩnh vực bất động sản; theo lộ trình, tỷ lệ này sẽ giảm còn 40% kể từ ngày 01/01/2019).

Từ những phân tích nhận định, cũng như đánh giá thị trường hiện nay, theo ông Châu khẳng định, sẽ không xảy ra "bong bóng" bất động sản trong những tháng cuối năm 2018 và cũng khó xảy ra "bong bóng" bất động sản trong năm 2019.

Có nhiều khởi sắc mới vào cuối 2018

Chủ tịch HoREA cho rằng, thị trường bất động sản sẽ có sự phát triển khởi sắc hơn trong những tháng cuối năm, cũng là cao điểm của thị trường bất động sản. Phân khúc nhà ở bình dân, có giá vừa túi tiền sẽ tăng trưởng mạnh và cùng với phân khúc nhà ở trung cấp sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo của thị trường bất động sản. Phân khúc nhà ở cao cấp cũng sẽ phát triển theo hướng tạo ra đẳng cấp khác biệt, độc đáo, tích hợp nhiều tiện ích, dịch vụ. Xu thế xây dựng khu dân cư thông minh, tòa nhà thông minh, căn hộ thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường, an ninh, an toàn trước hết là về phòng cháy chữa cháy sẽ rất được coi trọng.

Bên cạnh, phân khúc nhà ở xã hội, thiết chế Công đoàn sẽ có nguồn vốn và quỹ đất để phát triển kể từ quý IV/2018 trở đi. Dự kiến sẽ ban hành Quy chuẩn xây dựng Việt Nam (mới), cho phép xây dựng căn hộ chung cư, nhà ở thương mại có diện tích dưới 45m2 sẽ tạo điều kiện phát triển căn hộ giá rẻ; trong đó, có loại căn hộ cho thuê giá rẻ.

Đồng thời, giá cả của phân khúc đất nền tự phát, đất nông nghiệp phân lô trái phép sẽ trở về giá trị thực và các khu vực bị phân lô trái phép sẽ được rà soát theo quy định của pháp luật.

Phân khúc condotel sẽ tiếp tục xu thế chững lại và giá cả hợp lý hơn. Dự kiến, sẽ có các quy phạm pháp luật để điều chỉnh các loại hình bất động sản mới như condotel, hometel, officetel, serviced apartment, shophouse để định hướng, phát triển bền vững và bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng.

Trong lúc nguồn cung quỹ đất dự án thông qua việc chủ đầu tư bồi thường giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, thị trường đang kỳ vọng vào nguồn cung thông qua kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng 26.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có khoảng 2.200 ha đất ở; kế hoạch đấu thầu 127 dự án hạ tầng, đô thị của Thành phố, và kế hoạch của VAMC thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu; trong đó, nhiều khoản nợ được bảo đảm bằng dự án bất động sản, giúp thúc đẩy thị trường mua bán chuyển nhượng dự án (M&A) phát triển mạnh hơn.