Khởi đầu xu hướng chuyển nhượng dự án

Theo Đầu tư

Chuyển nhượng dự án là chuyện bình thường trên thị trường bất động sản (BĐS), song chưa lúc nào, “phong trào” chuyển nhượng dự án BĐS lại diễn ra mạnh mẽ như thời gian gần đây.

Thị trường BĐS sau một thời gian dài gặp nhiều khó khăn với các chính sách tín dụng, huy động vốn ngày càng siết chặt, đã khiến nhiều chủ đầu tư dự án “thấm mệt”, tìm cách chuyển nhượng dự án. Trong đó, nhiều thương vụ chuyển nhượng thành công, song cũng có không ít dự án dù được rao bán nhiều nơi mà không tìm được đối tác.

Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 và năm 2009, tại TP.HCM đã diễn ra hàng loạt thương vụ mua bán dự án BĐS. Có thể kể ra các thương vụ chuyển nhượng dự án thành công trong thời gian qua như: Công ty cổ phần Kỹ Thuật Việt bán cao ốc 10 tầng trên khu đất diện tích 4.350 m2 ở đường Võ Văn Tần (TP.HCM) cho Công ty cổ phần Đầu tư và Sản xuất Nam Long Bitexco với giá 8 triệu USD;  Công ty cổ phần Thương mại xà Xây dựng BĐS Hòa Bình chuyển nhượng quyền sử dụng hơn 2.700 m2 đất xây dựng cao ốc văn phòng tại Khu Nam Sài Gòn cho Công ty Đông Dương với giá 11,9 triệu USD.

Ngoài ra, thương vụ Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Đất Xanh mua Dự án Khu căn hộ Phú Gia Hưng Apartment (quận Gò Vấp) của Công ty TNHH Hà Thuận Hùng thông qua hình thức Công ty Đất Xanh mua đứt Công ty Hà Thuận Hùng. Dự án này có quy mô diện tích hơn 3.700m2, sau đó đã được Đất Xanh chuyển thành dự án căn hộ cao 14 tầng…

Tuy nhiên, không phải dự án nào được rao bán cũng tìm được người mua. Đeo đuổi dự án ngay từ đầu, trải qua nhiều thủ tục đầu tư, vừa qua, Công ty cổ phần Phúc Long đã quyết định tìm đối tác chuyển nhượng Dự án chung cư Phúc Long (phường Phước Long A, quận 9, TP.HCM). Dự án có diện tích gần 1,8 ha, được Phúc Long đưa ra mức giá chuyển nhượng là hơn 300 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được chủ mới.

Giám đốc một doanh nghiệp BĐS tại quận 7 cho biết, do gặp khó khăn về tài chính, nên gần nửa năm qua, doanh nghiệp này đã tìm đối tác để mời hợp tác hoặc chuyển nhượng lại một dự án ở Khu Nam Sài Gòn. Đây là dự án căn hộ cao cấp đã được duyệt quy hoạch với chiều cao lên đến 28 tầng, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 1.000 tỷ đồng. Đã có không ít đơn vị đến tìm hiểu, ngã giá với doanh nghiệp, nhưng sau đó một đi không trở lại.

“Chúng tôi cũng đã liên lạc với các ngân hàng để đặt vấn đề tài trợ vốn xây dựng dự án. Ngân hàng nào cũng đưa ra nhiều hứa hẹn, nhưng chưa ngân hàng nào gút lại vấn đề, nên dự án vẫn chưa thể triển khai tiếp, dù đã hoàn tất các thủ tục đầu tư”, vị giám đốc này tỏ ra lo lắng.

Bà Lê Hoài Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kim Cương cho biết, theo kế hoạch, Kim Cương sẽ triển khai dự án cao ốc trên địa bàn quận 7, nhưng phải lùi lại do thị trường quá khó khăn. Trước kia, khi thị trường BĐS sôi động, việc vay vốn để triển khai dự án khá dễ dàng, còn hiện nay để có được nguồn vốn đầu tư dự án không đơn giản tí nào.

Các chuyên gia địa ốc cho rằng, việc chuyển nhượng dự án đã diễn ra khá sôi động trong thời gian qua, nhưng đó chỉ là giai đoạn bắt đầu. Sắp tới, với nhiều quy định mới như chính sách thu tiền sử dụng đất theo giá thị trường được quy định tại Nghị định 69/2010/NĐ-CP; tại mỗi dự án, một người chỉ được “góp vốn” cho một căn hộ được quy định tại Nghị định 71/2010/NĐ-CP; chính sách hạn chế cho vay BĐS…, các chủ đầu tư sẽ càng gặp khó khăn hơn trong việc tìm vốn để đầu tư dự án.