Thị trường bất động sản:

Không chấp nhận “người chơi” thiếu chuyên nghiệp

ÔNG NGUYỄN THẾ ĐIỆP - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Reenco Sông Hồng

(Tài chính) Năm 2013 khép lại với nhiều cảm xúc vui buồn lẫn lộn với thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam. Mặc dù đã có dấu hiệu khởi sắc vào những tháng cuối năm nhưng thị trường vẫn còn quá nhiều điều để nói...

Không chấp nhận “người chơi” thiếu chuyên nghiệp - Ảnh 1
Ông Nguyễn Thế Điệp,
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Reenco Sông Hồng
Chúng ta phải nhìn nhận BĐS là một loại hàng hóa đặc biệt và mới phát triển ở thị trường Việt Nam. Cho nên, các thành phần tham gia thị trường khó có thể tránh khỏi những “vấp ngã” ban đầu. “Soi” vào thị trường BĐS trong năm 2013, điều ai cũng nhận thấy là thị trường gặp rất nhiều khó khăn với hàng loạt doanh nghiệp (DN) xây dựng, BĐS phải rời khỏi thị trường, vì không có đủ tiềm lực tài chính, làm ăn chụp giật, thiếu chuyên nghiệp…

Có lẽ “điểm sáng” đáng ghi nhận nhất trên thị trường BĐS trong năm 2013 là phân khúc nhà ở giá rẻ. Đây được coi là phân khúc “cứu cánh” cho thị trường, vì được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Chính phủ cũng như của địa phương. Đặc biệt, phân khúc này ngày càng “nở rộ”, có tính thanh khoản cao nhất, với nhiều dự án được chào bán ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và được các khách hàng “săn đón” tìm mua.

Trong khi đó, phân khúc cao cấp, biệt thự liền kề đang “ế” tồn đọng nhiều nhất trên thị trường, do một phần chủ đầu tư dự án xây dựng dở dang chưa hoàn chỉnh, một phần đã hoàn chỉnh nhưng chào bán với giá “trên trời”. Tuy nhiên, thị trường cũng đang nuôi hy vọng trong tương lai gần ở phân khúc này từ nguồn kiều hối từ nước ngoài đổ về Việt Nam ngày càng nhiều, để mua những tài sản có giá trị như BĐS.

Một trong những lực đỡ quan trọng của thị trường trong năm 2013 là chính sách hỗ trợ thị trường, DN vượt qua khó khăn, giải quyết hàng tồn kho… Trong đó phải kể đến là Nghị quyết số 02/NQ-CP; Thông tư số 02/2013/TT-BXD; Thông tư số 11/2013/TT-NHNN cũng như các gói hỗ trợ lãi suất, giảm thuế… Tuy nhiên, trong quá trình thực thi chính sách còn gặp nhiều vướng mắc như các thông tư hướng dẫn ban hành còn chậm gây khó khăn cho DN và người dân; tiến độ giải ngân gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng còn chậm, đến cuối năm mới chỉ đạt 2%…

Bên cạnh đó, một loạt tiêu chí quy định trong Nghị định 69/2009/NĐ-CP bổ sung quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và Nghị định số 71/2010/NĐ- CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở cần được xem xét, điều chỉnh và gỡ bỏ. Chỉ khi những rào cản trên được gỡ “nút thắt” mới tạo ra những động lực để thị trường BĐS phục hồi và phát triển trở lại.

Cùng với những dấu hiệu chuyển biến tích cực từ nền kinh tế đang ngày càng rõ nét là cơ sở để dự cảm năm 2014, thị trường BĐS sẽ có bước chuyển biến tốt hơn. Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi, thứ nhất, các chính sách kinh tế vĩ mô của các cơ quan hữu quan bắt đầu triển khai đi vào cuộc sống. Công ty mua bán nợ của các tổ chức tín dụng (VAMC) tăng cường xử lý vấn đề nợ xấu để khơi thông nguồn vốn đổ vào thị trường; thứ hai, tháo gỡ những rào cản để tích cực giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Nếu tiến độ giải ngân được đẩy mạnh cộng với việc kéo dài thời hạn cho vay 20 năm và lấy chính tài sản đó làm tài sản thế chấp vay vốn tại ngân hàng thì chắc chắn sẽ tạo thêm chất xúc tác “hâm nóng” thị trường; thứ ba, các cơ quan hữu quan tạo điều kiện tối đa về thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng cho DN triển khai dự án.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 1+2 - 2013