Không nên áp trần lãi suất cho vay tiêu dùng

PV.

Phần đông chuyên gia kinh tế - ngân hàng đã góp ý như vậy khi cho ý kiến vào dự thảo Thông tư quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng, hiện đang được Ngân hàng Nhà nước đưa ra lấy ý kiến.

Sản phẩm đặc thù

Theo TS. Cấn Văn Lực, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, tại Việt Nam hiện nay, các sản phẩm vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính tiêu dùng khá đa dạng, từ hình thức cho vay qua thẻ tín dụng, vay mua ô tô, sửa nhà, đến mua sắm đồ gia dụng, đồ công nghệ...

Tuy nhiên, thị phần của nó chỉ mới chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ của nền kinh tế, trong khi ở các nước khác, con số này ở khoảng 15-25%. Có nhiều yếu tố khiến thị trường này chưa thể tăng nhanh và cao hơn, trong đó có việc thiếu hành lang pháp lý và hạn chế trong thói quen ngại tiếp cận các khoản vay qua kênh chính thức của người dân.

TS.Cấn Văn Lực cho rằng, đây là hoạt động vay mượn khá đặc thù, dựa trên tín chấp là chủ yếu và các thủ tục giấy tờ khá đơn giản nên độ rủi ro cao hơn so với các hình thức tín dụng thông thường. Do đó, để bù đắp rủi ro, lãi suất cho vay tiêu dùng sẽ cao hơn so với mặt bằng lãi suất chung.

Để quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng, theo TS. Cấn Văn Lực cũng không nên áp trần lãi suất mà phải dựa trên thỏa thuận giữa khách hàng và bên cho vay. Nếu khống chế trần lãi suất sẽ gây rủi ro, làm méo mó thị trường. Hơn nữa, lại không phù hợp với xu hướng hội nhập mà Việt Nam đang theo đuổi. Trong điều kiện đặc biệt, nhà quản lý có thể sử dụng công cụ hành chính nhưng càng sử dụng nhiều biện pháp hành chính sẽ càng khó cho cả hai, cả bên cho vay lẫn người đi vay.

Để quản lý hoạt động này, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần tạo ra hành lang pháp lý theo hướng khuyến khích các công ty tài chính tập trung vào hoạt động cho vay tiêu dùng với các món vay nhỏ, phục vụ cho đời sống xã hội. Những mô hình công ty tài chính của các tập đoàn có chức năng điều chuyển vốn với chi phí thấp cho các công ty thành viên thì cần phải có cơ chế giám sát chặt chẽ để hạn chế những khoản cho vay còn lớn hơn cả các ngân hàng thương mại dẫn đến các nguy cơ rủi ro về nợ xấu.

Khuyến khích cạnh tranh

Ủng hộ quan điểm khuyến khích cho vay tiêu dùng khi xu hướng này đang ngày càng phát triển, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng cho rằng, cần có cơ chế khuyến khích phát triển nhiều hơn nữa các công ty tài chính tiêu dùng, có như vậy mới có thể tạo nên sự cạnh tranh, buộc các công ty tài chính đưa ra các sản phẩm tín dụng lãi suất bằng 0% thông qua việc kết hợp tiêu thụ các sản phẩm thương mại trong liên kết kinh doanh của mình với các nhà sản xuất. Từ đó, người tiêu dùng có thể tiếp cận được nguồn vốn rẻ hơn khi có nhu cầu vay tiêu dùng…

Với đặc thù thủ tục vay đơn giản không cần thế chấp, lãi suất cao, các chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, điểm mấu chốt trong hoạt động cho vay tiêu dùng là phải công khai, minh bạch thông tin từ cả bên vay và cho vay.

Về phía công ty tài chính tiêu dùng, phải minh bạch các thông tin về lãi suất, điều kiện vay vốn để người vay biết và tính toán khả năng trả nợ.

Về phía người vay, phải công khai điều kiện về công việc, thu nhập để bên cho vay có cơ sở đánh giá đúng khả năng trả nợ. Điều này đặc biệt quan trọng khi trong thời gian tới, hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính có điều kiện mở rộng ra bên ngoài các đô thị lớn.