Kiên quyết gỡ các điểm nghẽn gói tín dụng 30.000 tỷ đồng

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Đã gần 5 tháng kể từ khi thực hiện gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho các chủ đầu tư vay xây dựng nhà ở xã hội và cho cá nhân thu nhập thấp vay mua nhà ở nhưng việc giải ngân rất chậm. Tính đến 30.9, mới giải ngân được gần 160 tỷ đồng cho cả cá nhân và doanh nghiệp. Đây là con số rất nhỏ so với kỳ vọng ban đầu. TS. Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, vẫn còn những nút thắt trong việc thực hiện gói tín dụng này.

Kiên quyết gỡ các điểm nghẽn gói tín dụng 30.000 tỷ đồng
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Phóng viên: Thưa ông, các chuyên gia kinh tế đưa ra nhiều nguyên nhân dẫn đến việc triển khai gói ưu đãi 30.000 tỷ bị chậm. Ông nhấn mạnh đến nguyên nhân nào?

TS. Lê Thẩm Dương: Mọi khía cạnh của các chuyên gia nêu ra tôi đều có một phần tán đồng. Nhưng cá nhân tôi thấy có 3 nguyên nhân rất rõ. Thứ nhất là ở phía cung, cung nhà bị chậm. Vì, nếu chuyển đổi thì phải làm lại dự án quy hoạch, nếu xây mới thì bản vẽ quy hoạch, bản vẽ thi công, xong móng rồi mới bán được. Như vậy thời gian mất từ 6 tháng đến 1 năm. Phía cung lại gặp cạnh tranh từ lĩnh vực nhà ở thương mại, càng lúc càng cạnh tranh. Đồng thời phía cung chưa đủ uy tín với ngân hàng, chủng loại nhà chưa đa đạng với sức mua hoặc là cầu. Thứ hai, từ thủ tục vay vốn của ngân hàng rất bí ở chỗ, cần phải chứng minh được nguồn trả nợ.

Về phía người vay là nguyên nhân thứ ba. Đầu tiên là từ nhận thức. Nhà nước hỗ trợ lãi suất, nên điều kiện tín dụng đều giữ nguyên. Thu nhập của người vay thấp mà cung nhà thì không đủ chủng loại.

Gộp cả ba nguyên nhân cho thấy, gói tín dụng này chưa đạt được như kỳ vọng.

Trong 3 nguyên nhân trên, có nguyên nhân liên quan đến chứng minh thu nhập. Thực tế là nhiều người mua nhà không thể chứng minh được thu nhập vì thu nhập của họ từ nhiều nguồn khác nhau. Nhưng cộng lại thì đủ điều kiện để mua nhà. Đây vẫn là một rắc rối trong mua nhà giá rẻ?

Việc chứng minh là quá khó vì nước ta đang tồn tại các khoản thanh toán nhỏ lẻ dùng tiền mặt. Cho nên không kiểm soát được, hay hóa đơn không có, dẫn tới một thực trạng đôi khi trớ trêu ở chỗ, có xác nhận nghèo, nhưng đôi khi người ta lại không nghèo. Ngược lại theo bộ chứng từ, có thu nhập cao nhưng lại được xác nhận nghèo. Cho nên độ vững chắc của thu nhập là vấn đề chưa xác minh được. Trường hợp này chỉ còn một cách là dùng thông tin thứ cấp, tức là từ chính quyền địa phương, từ các hội đoàn thể, cộng với các điều tra mất rất nhiều công sức từ phía các ngân hàng mới có thể đưa ra thông tin chính xác về thu nhập. 

Rõ ràng là nhu cầu mua nhà ở giá rẻ là rất lớn. Về mặt lý thuyết, có cầu ắt có cung. Nhưng số dự án vay vốn nhà ở từ nguồn tín dụng ưu đãi này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông bình luận thế nào về thực tế này?

Đây là một thực tế. Vì để chuyển đổi lại dự án thì thủ tục rất phức tạp, vì liên quan đến làm lại quy hoạch. Bên cạnh đó, vướng mắc ở vấn đề tài chính. Các dự án không đạt được chuẩn thì ngân hàng không cho vay. Thêm vào đó, các tiêu chuẩn kỹ thuật thay đổi, từ chất lượng cho đến diện tích không phù hợp với người mua. Cho nên chỉ có những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính mới thay đổi dễ dàng.

Thưa ông, thường các dự án có tuổi đời là 50 năm, các dự án cho vay vốn ưu đãi có nên nới rộng thêm hay không thay vì quy định hiện nay là chỉ được vay 10 năm. Như thế có gây áp lực trả nợ đối với người có thu nhập thấp không?

Quy định 10 năm là ngắn, cần giãn từ 10 năm thành 15 năm hoặc 20 năm. Nếu không, cho vay người thu nhập thấp không đạt được mục tiêu vì họ không trả được nợ. Không phải tự nhiên các nước khác đều làm ở khoảng thời gian rất dài, vì đây nó là món vay rất to so với dòng thu nhập của họ. Nếu giữ nguyên quy định thời gian cho vay là 10 năm, chỉ những người thu nhập trung bình và trên trung bình mới được vay. Điều này khiến việc thực thi chính sách có những trở ngại.

Ngoài những vấn đề ông đã đề cập, cá nhân ông có đề xuất gì với việc thay đổi cách tiếp cận đối với gói 30.000 tỷ đồng này để thúc đẩy nhanh hơn?

Chủ trương đã đúng rồi, nhưng về quan điểm thì phải quyết liệt kèm theo tốc độ. Còn về những vấn đề cụ thể, tôi nghĩ các vấn đề có thể gỡ được rất là nhanh nhưng vì sao các cơ quan chức năng lại không chỉ đạo nhanh lên?!.

Một là, tất cả các loại giấy xác nhận, có thể có nhiều cấp, cấp nào xác nhận cấp đấy chịu trách nhiệm. Hoặc cần vẽ ra một quy trình thật rõ để người dân tiếp nhận xác nhận tình trạng nhà ở, xác nhận tình trạng thu nhập. Cần hình thành, hoàn chỉnh quy trình xác nhận bằng một thông tư hướng dẫn. Bên cạnh đó, cần có thái độ của mình với thông tư hướng dẫn công chứng. Tiếp theo, cần có câu trả lời về việc cho vay 10 năm hay 20 năm. Trách nhiệm của chính quyền địa phương rất là cao, thậm chí có thể thành lập một hội đồng đảm nhiệm việc này. Và cuối cùng là ngân hàng phải có hành vi công khai minh bạch, vì hiện nay các ngân hàng áp dụng các điều kiện không giống nhau. Và đặc biệt, cần phải gia tăng được chi phí đầu tư thông tin thứ cấp và đôi khi mô hình tiếp cận phải thông qua trung gian nào đó như hội, đoàn thể. Còn nếu một mình người dân với ngân hàng, Bộ Xây dựng thì khó mà triển khai nhanh được.

Xin cám ơn ông!