Kinh doanh homestay: Có nhà là chưa đủ

Theo Hải Yến/thoibaonganhang.vn

Mặc dù nhu cầu về homestay (thuê căn hộ, nhà để ở khi đi du lịch) luôn dồi dào, nhưng để kinh doanh hiệu quả đối với mô hình này không phải chuyện đơn giản.

Là một trong ba quốc gia có ngành du lịch tăng trưởng nhanh nhất thế giới, thị trường homestay và nhà nghỉ dưỡng tại Việt Nam đang bùng nổ. Nguồn: internet
Là một trong ba quốc gia có ngành du lịch tăng trưởng nhanh nhất thế giới, thị trường homestay và nhà nghỉ dưỡng tại Việt Nam đang bùng nổ. Nguồn: internet

Tiềm năng thị trường homestay rất lớn

Là một trong ba quốc gia có ngành du lịch tăng trưởng nhanh nhất thế giới, thị trường homestay và nhà nghỉ dưỡng tại Việt Nam đang bùng nổ mạnh mẽ chưa từng có, nhất là trong bối cảnh nhiều dự án bất động sản du lịch bắt đầu chào bán căn hộ, biệt thự và nhà phố để nhà đầu tư thứ cấp tự vận hành và cho thuê…

Theo thống kê từ công ty nghiên cứu thị trường Airbnb, thị trường homestay tăng trưởng gần 5 lần trong vòng một năm qua (cao hơn rất nhiều so với ngành khách sạn truyền thống chỉ tăng trưởng 40%) và đạt doanh thu 130 triệu USD, tương đương gần 2.900 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, số lượng nguồn cung chỗ ở cũng cho thấy sự gia tăng chóng mắt với tốc độ 452%, lớn hơn so với mức tăng trưởng trung bình toàn cầu 140% và cao hơn rất nhiều so với ngành khách sạn truyền thống chỉ tăng trưởng 40% về nguồn cung.

Triển vọng ngành này là rất sáng. Theo ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty CP Phát triển nghỉ dưỡng Ngoại ô, mảng homestay, các cụm homestay sẽ tăng trưởng khá nhanh trong năm tới cùng với sự ra đời của các đơn vị hỗ trợ bán phòng, hỗ trợ quản lý; các dự án nghỉ dưỡng cao cấp sẽ ra hàng trong năm 2020 tạo nên bước tiến mạnh của thị trường. Trong đó, các dự án có phong cách độc đáo, gần gũi với thiên nhiên sẽ tiếp tục tạo được lợi thế.

Cùng góc nhìn, ông Nguyễn Tấn Đăng Khoa, Giám đốc điều hành Công ty Luxstay - doanh nghiệp điều hành một nền tảng đặt phòng homestay trực tuyến tại Việt Nam - dự báo mảng home-sharing tại Việt Nam sẽ phát triển bùng nổ trong những năm tới, đạt quy mô tối thiểu 10-20% tổng chi tiêu thị trường lưu trú (ước vào khoảng 15 tỷ USD năm 2025).

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia bất động sản, nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng tăng rất nhanh trong thời gian khá ngắn dẫn đến thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn. Để đối mặt với sức ép cạnh tranh từ các “gương mặt” trong lẫn ngoài nước, các nền tảng đặt phòng trực tuyến phải nhanh chóng tìm ra điểm mạnh của mình và kết hợp nhiều yếu tố để nhanh chóng tạo ra sản phẩm khác biệt.

Muốn cho thuê tốt, có nhà là chưa đủ

Ông Nguyễn Tấn Đăng Khoa cho biết, không phải cứ có nhà là có thể kinh doanh homestay. Bởi, mặc dù nguồn cung homestay dồi dào nhưng để kinh doanh hiệu quả không phải chuyện đơn giản. Các chủ đầu tư cần đưa ra chiến dịch thu hút khách hàng, thông qua việc kết hợp cùng OTA - Online Travel Agent, sàn giao dịch thương mại điện tử hoạt động như một đại lý du lịch trực tuyến - uy tín, am hiểu khách hàng bản địa, có khả năng mang lại quyền lợi và hạn chế tối đa rủi ro.

Bên cạnh đó, quản lý vốn hiệu quả và thông minh cũng là mối lưu tâm cần được các chủ nhà đưa lên hàng đầu. Mặc dù việc đầu tư vào bất động sản homestay cho thuê thường không tốn nhiều tiền nhưng bạn sẽ tốn kém lâu dài vào các chi phí khác như thiết kế, điện nước, nhân công, bảo trì sửa chữa… Điều này đặt ra một thách thức lớn cho các nhà đầu tư khi lên kế hoạch tài chính dài hạn.

Để có thể thu hút khách thì các chủ nhà cần phải nhận diện được đối tượng mà mình nhắm đến là ai: khách đi theo nhóm, theo cặp đôi, hay là khách đơn lẻ…; họ có thu nhập như thế nào, nhu cầu tối thiểu ra sao cho một đêm lưu trú. Tùy thuộc vào đối tượng khách hàng, chủ nhà mới biết được mình nên thiết kế ra sao, marketing như thế nào.

Theo ông Nguyễn Tấn Đăng Khoa: “Bên cạnh đó, hiểu khách hàng là một chuyện, hiểu chính mình là chuyện quan trọng không kém. Giữa một rừng những homestay đang mọc lên như nấm thì homestay của bạn đứng ở vị nào, khác biệt ra sao, tại sao khách sẽ chọn lưu trú tại đây thay vì tại nơi khác. Điều này đòi hỏi chủ nhà cần đầu tư về mặt thiết kế, quảng bá, và chăm sóc khách hàng”.

Để giải quyết bài toán kinh doanh homestay tại Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Đăng Khoa cho biết: “Trọng tâm chúng tôi đang hướng tới cung cấp dịch vụ cho người Việt Nam, chính vì vậy văn hoá, nhu cầu chỗ ở cũng có nhiều chiến lược khác biệt. Đặc biệt, chúng tôi có mục tiêu khai phá những thị trường mới. Một trong những ví dụ khách hàng Việt Nam đang có xu hướng thuê biệt thự nghỉ dưỡng cuối tuần tại ngoại ô thành phố, hay đi du lịch Đà Lạt ở homestay… thị trường lớn và phát triển từ đặc thù giải quyết nhu cầu của đối tượng khách hàng”.

Với khách hàng Việt Nam, việc sử dụng nền tảng online 100%, thanh toán trực tuyến  chưa thực sự phổ biến và cần thời gian phát triển. Số lượng lớn người dùng vẫn có nhu cầu gọi điện, hỗ trợ qua tin nhắn nên chúng tôi thiết lập đội ngũ dịch vụ khách hàng hoạt động 24/7 làm cầu nối tốt hơn với thị trường so với các nền tảng quốc tế…

Khi đã kinh doanh homestay được một khoảng thời gian nhất định, các chủ nhà nhất định phải nâng cấp và tân trang cho căn homestay của mình. Chi phí sửa chữa, thiết kế hay nhân sự không hề rẻ chút nào.

Nếu như ngay từ ban đầu các chủ nhà không tự vạch định ra những kế hoạch tài chính rõ ràng, việc kinh doanh thiếu khoa học sẽ dẫn đến thua lỗ là điều chắc chắn không thể tránh khỏi. Hãy tập cách quản lí tài chính và sử dụng tiền bạc thông minh, càng sớm càng tốt.