Lãi suất giảm: Tiền nhàn rỗi có dấu hiệu chuyển hướng

Vân Linh (Đầu tư Chứng khoán)

Trước đây, quyết định gửi tiền vào ngân hàng luôn được những người có tiền nhàn rỗi lựa chọn hàng đầu do lãi suất cao thì lúc này, lãi suất không còn tính hấp dẫn. Lãi suất tiền gửi đang giảm dần khiến một số ngân hàng ngoài việc tăng khuyến mãi, còn phải tăng lãi suất để giữ chân người gửi tiền.

Hiện lãi suất tiền gửi cao nhất tại các ngân hàng quốc doanh chỉ còn 7 - 9%/năm, tại khối ngân hàng cổ phần bình quân 10 - 11%/năm, một số ngân hàng quy mô nhỏ là 12 - 12,5%/năm. So với 3 tháng trước, lãi suất huy động đã giảm gần một nửa.

Mặc dù đây là xu hướng tất yếu khi chỉ số giá tiêu dùng được kiềm chế, nhưng để ngăn đà suy giảm của nền kinh tế, theo các chuyên gia, phải tiếp tục giảm lãi suất cơ bản, đồng nghĩa với việc lãi suất huy động và lãi suất cho vay có thể giảm thêm.

Thế nhưng, trước việc dòng tiền vào ngân hàng đang có xu hướng chững lại, một số ngân hàng buộc phải tăng lãi suất tiền gửi.

Cụ thể, DaiA Bank đã tăng thêm 0,1%/năm lãi suất cho kỳ hạn tiền gửi từ 3 tháng trở lên trong ngày 12/12 và duy trì tiêu chí gửi tiền kỳ hạn càng dài, lãi suất càng cao.

Tuy nhiên, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất tại DaiA Bank cũng chỉ là 10,5%/năm cho kỳ hạn 18 tháng. Trước đó không lâu, sau khi giảm mạnh lãi suất tiền gửi trước động thái cắt giảm lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng OCB đã tăng lãi suất tiết kiệm ở hầu hết các kỳ hạn thêm 0,4 - 2%/năm…

Một số ngân hàng cho biết, do lãi suất giảm mạnh, khách hàng bắt đầu tính toán đến việc mua nhà nếu có nhu cầu thực sự, thay vì gửi tiền ngân hàng hưởng lãi suất cao như trước, nhất là khi giá nhà đất đã giảm sâu, tuy nhiên số lượng này chỉ chiếm một phần nhỏ. Còn với chứng khoán, chưa có dấu hiệu luồng tiền từ tiết kiệm chuyển qua.

Theo ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, lãi suất cơ bản điều chỉnh giảm là cơ hội cho các ngân hàng cắt giảm chi phí đầu vào. Thế nhưng, nếu thay đổi quá nhiều về lãi suất chưa hẳn đã tốt. Chính vì vậy, DongA Bank luôn thận trọng trước khi quyết định giảm lãi suất huy động và thường chậm điều chỉnh sau khi lãi suất cơ bản giảm.

Ông Bình cho biết, tính đến tháng 11/2008, vốn huy động DongA Bank đạt 29.000 tỷ đồng, dư nợ 23.200 tỷ đồng.

Cho dù không có tình trạng tiền "chạy" trong hệ thống ngân hàng, nhưng theo đánh giá của một số ngân hàng, trong bối cảnh các kênh đầu tư đều khó khăn, việc tìm kiếm ngân hàng có mức lãi suất tiết kiệm cao hơn vẫn được nhiều người nghĩ đến, cho dù mức chênh lệch không lớn. Chính điều này buộc các ngân hàng phải tăng cường khuyến mãi dịp cuối năm.

Tổng vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn Tp.HCM được Cục Thống kê công bố 11 tháng năm 2008 đạt 559.208 tỷ đồng, chỉ tăng 0,4% so với tháng trước. Dư nợ cho vay cũng chỉ tăng 0,3%, đạt 486.460 tỷ đồng.

Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Tp.HCM nhận định, nguồn vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn trong tháng 12 (sau khi lãi suất cơ bản về 10%) có xu hướng giảm hơn so với tháng 11.

Theo ông Hạnh, nguồn tiết kiệm chuyển hướng nhẹ trong lúc này không phải sang chứng khoán, bất động sản hay vàng, mà phần lớn nguồn tiền này được chuyển ra ngoài để cho vay qua lại giữa bạn bè, người thân.

Thậm chí, một số khách hàng còn đem cho vay nặng lãi, nhất là khi nhiều người đang có nhu cầu cần vốn tất toán hợp đồng vay vốn ngân hàng trước hạn nhằm tránh áp lực lãi vay cao trước đó.

"Đây là một hiện tượng nguy hiểm, hàm chứa rủi ro cao hơn nhiều so với việc nhận lãi suất tiền gửi, dù đã thấp hơn phân nửa so với trước", ông Hạnh nói và cho biết, khả năng lãi suất cơ bản chưa thể giảm sớm. Vì nếu thay đổi quá nhanh, ngân hàng sẽ khó trở tay và khó có thể thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư.