Lãi suất lại “nóng”

Theo Báo Công Thương

Âm thầm có, công khai có, rầm rộ khuyến mãi cũng có, lãi suất trên thị trường lại được các ngân hàng đẩy lên ở mức trên dưới 11,5%/năm.

Người gửi tiền thì mừng vì đồng vốn có thêm khoản lãi nhưng các DN lại lo lắng bởi với mức huy động thế này, nguồn vốn vay với lãi suất 12% như các ngân hàng từng hứa sẽ khó được thực hiện.

Tìm vốn từ lãi suất và trái phiếu

 Một loạt các ngân hàng cổ phần trong tuần qua đã công bố lãi suất huy động mới với mức tăng từ 0,1-0,8%/năm, đưa đỉnh mới của lãi suất huy động lên tới 11,9%, gần chạm lãi suất cho vay là 12%.
 Đơn cử như: Việt Á Bank đã áp dụng lãi suất huy động mới dao động ở mức 11,5-11,7%/năm, cao nhất là 11,9% dành cho khách hàng gửi từ 1 tỷ đồng trở lên; DaiABank cũng tăng 0,1-0,2%/năm ở các kỳ hạn từ 1-13 tháng, trong đó tăng mạnh nhất kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng lên ở mức 11,7%/năm; tại HDBank còn tặng thêm lãi suất từ 0,5-1% nếu khách hàng gửi tiền trên 3 tháng. 
 Mặt bằng lãi suất huy động thực tế còn cao hơn mức lãi suất các ngân hàng công bố, tùy theo lượng tiền mà khách hàng gửi. Việc “mặc cả” lãi suất lại có cơ hội tái diễn đối với những khách hàng VIP. Ví như tại Ngân hàng Đệ Nhất, lãi suất ghi trên sổ tiết kiệm cao nhất chỉ 11,6%/năm nhưng nếu gửi số tiền lớn khoảng 200-300 triệu đồng kỳ hạn 3 tháng trở lên sẽ được trả lãi đến 12%/năm; thậm chí tại đây còn nâng lãi suất lên tới 13% cho những khoản tiền gửi trên 5 tỷ đồng.
 Cùng với tăng lãi suất, một số ngân hàng cũng đưa ra chương trình khuyến mãi để thu hút tiền gửi. Từ ngày 26/5/2010 đến ngày 10/8/2010 - Ngân hàng Quốc Tế (VIB) triển khai chương trình khuyến mại “Khoảnh khắc ngọt ngào” dành cho tất cả các khách hàng gửi tiết kiệm bằng VND/USD có mức gửi từ 20 triệu trở lên với tổng số quà tặng lên tới 100 nghìn quà.
 Theo đó, bên cạnh việc được quà tặng ngay là những vật dụng đẹp và độc đáo dành cho các chuyến đi du lịch, khách hàng gửi tiền tiết kiệm số dư từ 100 triệu đồng/ 5.000 USD trở lên sẽ được nhận coupon giảm giá tour du lịch mùa hè của công ty Vacation Travel. Mức giảm từ 10% đến 15% cho tất cả các tour du lịch trong nước.
 Các tour du lịch nước ngoài đến một số nước như Thái Lan, Sigapore, Trung Quốc, Châu Âu, Australia, Hoa Kỳ cũng được giảm giá từ 15 – 150 USD. Ngân hàng Nhà nước cũng nhận xét hiện tại một số ngân hàng thương mại có chi nhánh vẫn đang áp dụng các hình thức khuyến mại, cộng thưởng lãi suất, tiết kiệm dự thưởng làm cho lãi suất huy động thực tế cao hơn so với mức niêm yết.

Để tăng nguồn vốn, nhiều ngân hàng còn tiến hành phát hành trái phiếu khiến thị trường đang rất sôi động bởi lãi suất cao, ổn định. Vietinbank ngày 26/5 công bố chính thức phát hành 6.000 tỉ đồng trái phiếu (TP) dài hạn năm 2010 theo hình thức riêng lẻ với kỳ hạn 2 năm.
 Điểm đáng chú ý, so với trần lãi suất huy động VND trong ngưỡng “cho phép” 11,5%/năm như hiện nay, lãi suất TP của Vietinbank trong năm đầu tiên được ấn định lên tới 12,5%/năm. Trong năm thứ hai, mức lãi suất này được thả nổi và được tính bằng trung bình cộng lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm trả sau kỳ hạn 12 tháng cộng biên độ tối đa 1%/năm.
 Với cách tính này, dễ dàng nhận thấy việc mua TP nhận được lãi suất cao hơn nhiều việc gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng trong thời điểm hiện nay. Trước đó, nhiều ngân hàng cũng lên kế hoạch và được NHNN chấp thuận việc phát hành TP dài hạn với khối lượng lớn như HDBank được phát hành 3.000 tỉ đồng mệnh giá giấy tờ có giá dài hạn; Vietcombank được phát hành 5.000 tỷ đồng; ABBank, LienVietBank và Techcombank cũng đã được chấp thuận hoặc công bố kế hoạch phát hành 2.000-3.000 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi trong năm 2010.

Lãi suất cho vay khó giảm

Mức lãi suất cho vay “kỳ vọng” của các DN và cơ quan quản lý nhà nước là 12% xem ra khó được các ngân hàng áp dụng vào thời điểm này, khi lãi suất huy động đã “ròm trèm” bằng với lãi suất cho vay. Ngoài một số ngân hàng thương mại quốc doanh có nguồn vốn lớn có thể áp dụng lãi suất cho vay 12% đối với một số đối tượng khách hàng nhất định, hấu hết các ngân hàng cổ phần đều vẫn giữ mức lãi suất cho vay trên 13,5- 15%/năm.
 Để đảm bảo lợi nhuận, chênhlệch giữa lãi suất huy động và cho vay giữa các ngân hàng phải đảm bảo ở mức từ 2-4%. Mặc dù được kêu gọi sự đồng thuận giảm lãi suất cho vay từ Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội ngân hàng nhưng trên thực tế, các ngân hàng cũng khó có khả năng hạ lãi suất cho vay bởi dù tiết giảm những chi phí đầu vào đến mức tối đa thì vẫn phải đảm bảo kinh doanh có lãi. Ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc ABBANK cho rằng: Cạnh tranh trong huy động vốn ngày càng gay gắt hơn khiến lãi suất huy động chưa thể giảm ngay.
 Đồng thời, với các khoản vốn huy động chi phí cao ở các tháng trước chưa đến kỳ đáo hạn, các ngân hàng đều cần có thời gian để cân đối lại. Với mức lãi suất mong muốn 12%, chỉ số lạm phát sẽ phải đẩy xuống mức 7% + 1, tỷ lệ biên độ lãi suất thực dương cho người gửi tiền khoảng 2% + biên độ lợi nhuận ròng ngân hàng 3%. Như vậy rõ ràng phải đưa chỉ số lạm phát xuống 7%, điều này khó thực hiện được trong thời điểm này.
 Từ nay đến cuối năm, mục tiêu đưa lãi suất cho vay xuống còn 12% có thể thực hiện được với điều kiện tính thanh khoản của ngân hàng phải được nâng cao hơn nữa.

Theo ông Thanh, việc giảm lãi suất sẽ diễn ra từng bước và dự đoán 2-3 tháng tới lãi suất sẽ giảm thêm 50-100 điểm phần trăm so với hiện nay.