Lãi suất và tỷ giá sẽ ổn định


TS. Trần Du Lịch, ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đồng thời là thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, lạm phát cả năm có thể được kiểm soát ở mức 8%, nên xu hướng lãi suất từ nay đến cuối năm sẽ ổn định và khả năng lãi suất cho vay khó giảm sâu so với mức hiện nay. Đồng thời, lãi suất tiền gửi cũng khó thay đổi.

* Xin cho biết nhận định của ông về khả năng lạm phát 2 quý cuối năm và dự báo cả năm sẽ được kiểm soát ở mức nào?
TS. Trần Du Lịch: Theo tôi, lạm phát trong năm nay khả năng sẽ được kiểm soát ở mức khoảng 8% như mục tiêu đề ra. Do đó, trong thời gian từ nay đến cuối năm, tôi cho rằng, cả hai vấn đề là lãi suất và tỷ giá sẽ không có biến động. Khả năng lãi suất cho vay cũng sẽ khó giảm sâu hơn so với mức hiện nay. Còn đối với lãi suất huy động tiền gửi sẽ ổn định.
* Theo ông, mức lãi suất thỏa thuậnhiện nay liệu đã phù hợp để các DN tiếp cận vốn vay mở rộng sản xuất - kinh doanh?
TS. Trần Du Lịch: Các DN luôn kỳ vọng có được mức lãi suất thấp, nhưng thực tế để đáp ứng được điều này là không dễ. Mặc dù chủ trương của Chính phủ muốn giảm lãi suất cho vay thỏa thuận, nhưng để giải quyết được bài toán này còn tùy thuộc vào các yếu tố như niềm tin vào việc kiểm soát lạm phát từ nay đến cuối năm.

 Thứ hai là dư địa, tức tổng cung tiền cũng như tổng tín dụng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể cung cấp ra nền kinh tế trong năm nay. Nếu thực hiện đúng theo mục tiêu của NHNN là kiểm soát tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2010 ở mức 25% thì khả năng lãi suất sẽ khó giảm sâu so với mặt bằng hiện nay. Có nghĩa là vai trò của NHNN trong vai trò tái cấp vốn, nghiệp vụ thị trường mở là làm thế nào để phù hợp với tổng cung tiền cũng như mức tăng trưởng tín dụng, vì giảm lãi suất sẽ dẫn đến tăng cung tín dụng.

Bên cạnh đó, sức ép của cầu vốn giảm thì tạo sức ép lên các ngân hàng phải điều chỉnh giảm lãi suất. Yếu tố thứ ba cũng góp phần quan trọng cho việc cắt giảm lãi suất đó chính là phải giảm lãi suất trái phiếu chính phủ phát hành. Vì về nguyên tắc, trái phiếu chính phủ luôn được xem là an toàn nhất, nên lãi suất phải thấp hơn lãi suất huy động của các ngân hàng.

 Nếu thực hiện được 3 yếu tố này, lãi suất cho vay có thể giảm thêm. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng lãi suất sẽ giảm nhiều nữa, vì thực tế lãi suất còn phụ thuộc vào “đáy” và “trần” - đó chính là chỉ số lạm phát. Hiện nay, nếu tính sự giảm giá của đồng tiền thì với lãi suất tiền gửi ngân hàng đang áp dụng đã thực dương, dù không lớn.
* Tăng trưởng dư nợ tín dụng toàn ngành 6 tháng đầu năm đạt 10,56% so với mục tiêu cả năm nay khoảng 25%, theo ông, có phù hợp với tình hình hiện nay?
TS. Trần Du Lịch: Hai quý đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng không cao, do nhu cầu vốn của DN còn cầm chừng và không như cùng kỳ năm trước. Mặt khác, trên thực tế, trong vài năm trước, dư nợ tín dụng chỉ tăng trưởng nhanh trong vài tháng. Nhu cầu vốn 2 quý cuối nay sẽ cao hơn 6 tháng đầu năm. Tôi tin rằng, với mục tiêu kiểm soát tăng trưởng dư nợ tín dụng khoảng 25% và với cách điều hành như hiện nay là có khả năng đạt được.
* Nhưng với diễn biến thị trường hiện nay, tâm lý DN vẫn e ngại trong việc sử dụng vốn vay, vì cho rằng, khả năng sinh lời không cao hơn nhiều so với lãi suất?
TS. Trần Du Lịch: Với mặt bằng lãi suất hiện nay, cũng có không ít DN cho là cao. Nhưng chúng ta nên biết rằng, hiện nay, nguồn vốn vay chủ yếu mang tính chất ngắn hạn để mua nguyên vật liệu, trả lương công nhân, chứ không phải để mua máy móc, thiết bị. Như vậy, tùy vào hợp đồng, dự án kinh doanh, tính khả thi và khả năng sinh lời…, thì DN vẫn tiếp tục vay. Còn với các DN vay vốn để đầu tư dài hạn, với mức lãi suất hiện nay cũng gặp đôi chút khó khăn.

 Do đó, chính mặt bằng lãi suất cao trên thị trường ngắn hạn này sẽ làm ảnh hưởng đến những kỳ vọng hay ý muốn đầu tư dài hạn của các DN. Vì về cơ bản, muốn để DN đầu tư dài hạn, lâu dài, vấn đề quan trọng trước tiên là chúng ta phải kiểm soát được lạm phát thì mới có thể giảm được lãi suất và DN mới vay vốn dài hạn. Còn trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta vẫn đang phải quan tâm, đối phó với lạm phát thì khó có thể nói đến việc tăng trưởng được dư nợ tín dụng trung, dài hạn.
                                                                                                                                        InfoTV (ĐTCK)