Lặng sóng!

Theo doanhnhan.net

(Tài chính) Không còn quá lạc quan và hồ hởi như các năm trước, thị trường bất động sản du lịch ven biển miền Trung đang lặng sóng.

Lặng sóng!
Các resort, khu nghỉ dưỡng xây dựng dang dở nằm chơ vơ dọc bờ biển miền Trung. Nguồn: internet

Tốc độ bán ra của các dự án đều chậm hẳn, cùng với việc giá giảm bán, các chủ đầu tư đang phải tung ra nhiều chính sách khuyến mãi nhằm thu hút khách hàng. Tuy nhiên, bất động sản du lịch ven biển miền Trung không còn thể hiện tính hấp dẫn như lâu nay nữa.

Mời gọi sang bán dự án

Cuối quý II/2013, Tập đoàn Sovico Holdings cùng nhà Tư vấn Bất động sản Savills Việt Nam đã phải tạm dừng việc mở bán 70 căn biệt thự thuộc quần thể 131 căn của Khu Du lịch nghỉ dưỡng 5 sao Furama Villas (Đà Nẵng) vì không định được giá bán hợp lý, do khó tìm được người mua.

Cùng thời điểm, chủ đầu tư của Khu nghỉ dưỡng Palm Garden Resort (Hội An) cũng đã lặng lẽ ra quyết định sẽ sang nhượng lại dự án này để dốc sức đầu tư vào một dự án bất động sản khác nằm sâu trong trung tâm đô thị Đà Nẵng.

Hai sự việc kể trên chỉ là phần nhỏ trong số những vụ sang nhượng, thay đổi chủ đầu tư đã âm thầm diễn ra ở các dự án bất động sản du lịch các tỉnh ven biển từ Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) cho đến Nha Trang (Khánh Hòa) hơn 2 năm nay.

Một nhà đầu tư dự án nghỉ dưỡng lớn tại khu vực Lăng Cô tiết lộ, thiếu vốn đầu tư, áp lực tiêu thụ chậm ở các dự án cùng những hoạt động khai thác khác gặp nhiều khó khăn, đã thực sự trở thành gánh nặng với nhiều nhà đầu tư bất động sản tại vùng này.

Tăng cường khuyến mãi

Bất chấp các nỗ lực truyền thông nhằm đẩy mạnh quảng bá cho những lợi thế hấp dẫn ở phân khúc địa ốc này, song đa phần chủ dự án đều thừa nhận, tốc độ bán hàng vẫn hết sức chậm chạp. Ngay chủ dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp The Empire Đà Nẵng là Tập đoàn Thành Đô cũng đang phải áp dụng nhiều chính sách bán hàng hấp dẫn nhằm mục đích tạo nên những khác biệt để thu hút khách hàng, hỗ trợ phát triển dự án. Điều này khác hẳn nhận định ban đầu của doanh nghiệp này những năm trước, rằng dự án quy mô đến 51,5 hecta, với tổng vốn đầu tư đến 700 triệu USD, vị trí nằm liền kề khu danh thắng Ngũ Hành Sơn là cực kỳ đắc địa, sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư đến sở hữu các căn hộ cao cấp, biệt thự giá trị nơi đây.

Ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn và Môi giới bất động sản CBRE từng nhìn nhận với báo giới rằng, cơ hội đầu tư bất động sản du lịch nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng những năm 2007 – 2008 là một “hào quang hồng”. Với sức nóng của thị trường bất động sản cả nước lúc đó, các chủ đầu tư đều nhìn vào phân khúc địa ốc này ở miền Trung với tinh thần lạc quan, đến mức bỏ qua những yếu tố bất lợi về sau, ồ ạt triển khai các dự án. Đối tượng khách hàng nhắm đến của những dự án này đều là những người có thu nhập cao từ nước ngoài và nhà đầu tư ở hai đầu đất nước.

Giá bất động sản ở đây vì thế được đẩy lên cao một cách thiếu cơ sở. Để rồi, khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra, mảng thị phần địa ốc ven biển miền Trung lập tức mất tính hấp dẫn. “Nhạc hết, đèn tắt, các nhà đầu tư phải nhìn thẳng vào thực tế không mấy lạc quan của mình”, ông Marc đã nói như vậy.

Thực tế, một số nhà đầu tư bất động sản địa phương ngay từ đầu đã chỉ ra có không ít vấn đề về giá trị sử dụng của bất động sản ở các dự án ven biển khu vực cần phải chú ý. Thứ nhất là tác động của thiên nhiên ở miền Trung: đây là một vùng biển có dòng nước ấm, nồng độ muối trong nước biển cao, dễ làm hư hại các công trình sử dụng sắt thép; nhiều vị trí bờ biển lại dễ bị xâm thực, hướng và tính chất đất rất bất lợi cho việc xây cất nhà cửa. Thời tiết khu vực lại có mưa nhiều, độ ẩm cao, thường có bão, bình quân chỉ có 6 tháng nắng vào độ xuân hè, nếu chỉ lưu trú ngắn hạn sát bờ biển còn được, nhưng kéo dài quanh năm lại rất phiền hà.

Thứ hai là mật độ dân cư, mức thu nhập ở khu vực còn thấp, chưa hội đủ các điều kiện phục vụ, đáp ứng nhu cầu đời sống cao cấp cho các cư dân lưu trú ở các biệt thự, căn hộ cao cấp. Đơn giản như về y tế, giáo dục, khu vực này vẫn còn nhiều hạn chế, lẽ ra cần thu hút thêm nhiều dự án hạ tầng dân sinh như vậy nữa, thay vì chỉ có các dự án bất động sản du lịch. Chính “độ vênh” này sẽ không bảo đảm sự an tâm cho những người mua nhà để ở tại đây.

Tiếc thay, những cảnh báo đó đã bị bỏ qua, để đến hiện tại, đa phần dự án đầu tư ở vùng ven biển miền Trung vẫn phải đối mặt với khủng hoảng thừa.

Hết hào hứng

Đến nay miền Trung vẫn còn nhiều dự án khu nghỉ dưỡng đã được cấp phép tiếp tục “treo” lơ lửng do nhà đầu tư thoái lui. Điển hình như Dự án Dragon Hill, Khu resort cao cấp Bồng Lai giáp giới Đà Nẵng với Quảng Nam, đều đã ách tắc khi giá địa ốc tụt mạnh, thị trường đóng băng từ năm 2011 cho tới nay.

Ngay nhà đầu tư địa ốc có tiềm lực lớn là Tập đoàn Sun Group đến nay vẫn phải rất thận trọng với từng dự án đầu tư tại đây. Trong khi Khu nghỉ dưỡng InterContinental ngay bán đảo Sơn Trà của tập đoàn này được đánh giá là dự án đầu tư đúng, mang lại hiệu quả cao cho nhà đầu tư. Song tập đoàn này lại rất lặng lẽ triển khai khu biệt thự Sun Villas gồm 112 căn ở khu đất 15 hecta sát sông Hàn, có giá bán không dưới 1 triệu đô la Mỹ/căn. Xem ra khí thế nhà đầu tư đã giảm đi nhiều.

Tất cả cho thấy, thực sự phân khúc bất động sản du lịch ven biển miền Trung không còn thể hiện dấu toàn bích như đánh giá lâu nay nữa. Các nhà đầu tư phải lo giải quyết những áp lực từ bài toán suy thoái kinh tế chung, đồng thời phải tự xét lại các quyết định đầu tư của mình. Điều đó khiến cho bức tranh kinh doanh của ngành bất động sản du lịch tại khu vực miền Trung không biết tới bao giờ mới sáng lên được.