Lợi ích của cho vay tiêu dùng đối với người dân và xã hội rất lớn!

PV.

Theo ông Bùi Quốc Dũng,Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), mặc dù dịch vụ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam mới bắt đầu phát triển song kênh tín dụng này đã mang lại những lợi ích thiết thực, và trong tương lai, đây sẽ là kênh tín dụng có nhiều tiềm năng và lợi thế hơn cả.

Thưa ông, hiện vẫn còn rất nhiều người dân chưa hiểu đầy đủ về hoạt động cho vay tiêu dùng. Ông có thể mô tả rõ hơn về hoạt động này?

Lợi ích của cho vay tiêu dùng đối với người dân và xã hội rất lớn! - Ảnh 1

Ông Bùi Quốc Dũng

Cho vay tiêu dùng là hoạt động cung cấp các khoản vay cho cá nhân để mua hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho các mục đích tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình, nhằm phân biệt với hoạt động cho vay thương mại, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Các khoản cho vay tiêu dùng hiện nay do ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng cung ứng, dưới các hình thức như cho vay mua xe, cho vay mua đồ dùng gia đình qua các hình thức như cho vay theo lương, qua thẻ tín dụng… Đây là hình thức đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các cá nhân, gia đình khi năng lực tài chính chưa đủ để trang trải, cho phép họ có thể tiêu dùng trước, chi trả sau dưới nhiều hình thức.

Tại Việt Nam, hoạt động cho vay tiêu dùng hiện đang phát triển khá mạnh, với sự tham gia tích cực của nhiều tổ chức tín dụng, đặc biệt là cáccông ty tài chính. Trong 7 năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam có mức tăng trưởng trung bình 20%/năm.

Về thị phần,dư nợ cho vay tiêu dùng mới chỉ chiếm khoảng 8,02%/tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống, con số này cho thấy hoạt động cho vay tiêu dùng còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.

Dư địa để dịch vụ cho vay tiêu dùng phát triển là rất lớn, vậy những lợi ích mà nó đem lại cho người dân và xã hội có tương ứng không thưa ông?

Phải khẳng định, những lợi ích mà hoạt động cho vay tiêu dùng mang lại cho người dân và xã hội là rất lớn. Hoạt động cho vay tiêu dùng đã góp phần nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho người dân, mang lại cơ hội sử dụng dịch vụ tài chính cho những người có thu nhập trung bình thấp, bởi các đối tượng này thường bị các ngân hàng thương mại truyền thống từ chối cho vay do khó chứng minh khả năng trả nợ.

Đồng thời, cho vay tiêu dùng cũng góp phần gia tăng sự hiểu biết về tài chính cho người dân, từ đó giúp họ quản lý tài chính cá nhân tốt hơn, tạo nền tảng sẵn sàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng khác để đáp ứng nhu cầu tài chính của mình một cách tối ưu.

Hơn nữa, người dân đi vay tiêu dùng hợp lý, có kế hoạch tài chính lành mạnh sẽ quản lý được các biến động của thu nhập cá nhân, hợp lý hóa chi tiêu, theo đó góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình.

Và nhất là hoạt động cho vay tiêu dùng góp phần thu hẹp các hoạt động cho vay phi chính thức, giúp người dân có nhu cầu vay tiêu dùng không phải tìm đến các loại hình cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” có lãi suất quá cao, qua đó tránh được rủi ro.

Quan trọng nhất, về mặt xã hội, cho vay tiêu dùng là một công cụ quan trọng kích cầu tiêu dùng, qua đó làm tăng sản lượng và tạo thêm các cơ hội việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia.

Rõ ràng, cho vay tiêu dùng mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân và xã hội, song hiện vẫn còn có những quan điểm sai lệch về kênh tín dụng này, thậm chí, nhiều người còn cho rằng, cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính với lãi suất quá cao chẳng khác gì “tín dụng đen”. Ông lý giải như thế nào về vấn đề này?

Đặc thù của loại hình cho vay tiêu dùng là có rủi ro và chi phí cao nên theo nguyên tắc kinh tế, để bù đắp rủi ro,các tổ chức tín dụng thường áp dụng lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn lãi suất cho vay thông thường. Với các chi phí quản lý, vậnhành mạng lưới hoạt động cao, nhiềukhoản vay nhỏ lẻ, có giá trị thấp, thời hạn cho vay ngắn, thủ tục xét duyệt đơn giản, nhanh chóng, nhiều trường hợp cán bộ tín dụng phải đến tận nơi của khách hàng để làm thủ tục cho vay..., tất cả đã đẩy chi phí quản lý tăng cao.

Trong khi đó, theo quy định tại Luật các Tổ chức tín dụng thì công ty tài chính không được huy động vốn từ dân cư, chỉ được huy động từ các tổ chức kinh tế, vay vốn nước ngoài, sử dụng vốn chủ sở hữu hoặc vay từ tổ chức tín dụng khácvới nguồn vốn chủ yếu là vốn trung - dài hạn có mức lãi suất cao.

Với đặc điểm của cho vay tín dụng chủ yếu là các món vay nhỏ, thời hạn vay ngắn nên việc trả lãi vài chục nghìn đồng/ngày đến vài trăm nghìn đồng/tuần cũng có thể phản ánh thành mức lãi suất niêm yết rất cao so với lãi suất cho vay thông thường, do đó phản ánh không chính xác yêu cầu trả nợ thực sự của khách hàng đối với từng khoản vay cụ thể.

Không chỉ riêng Việt Nam, lãi suất cho vay tiêu dùng tại các nước trên thế giới cũng thường cao gấp nhiều lần so với lãi suất cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh. Điều này cũngdễ hiểu đối với một nền kinh tế thị trường

Xin cảm ơn ông!