M&A bất động sản sẽ bùng nổ trong vòng 2 năm tới!

Theo kinhdoanhnet.vn

(Taichinh) - Vốn ngoại đầu tư vào bất động sản được kỳ vọng sẽ tăng theo chiều hướng tốt sau một thời gian dài trầm lắng, với một lượng vốn đáng kể từ một số quỹ đầu tư vào thị trường trong vòng 2 – 3 năm tới đây.

Vốn ngoại đầu tư vào bất động sản được kỳ vọng sẽ tăng. Nguồn: internet
Vốn ngoại đầu tư vào bất động sản được kỳ vọng sẽ tăng. Nguồn: internet

Tại Hội thảo bất động sản Việt Nam 2015 “Cơ hội đầu tư nửa thập kỷ tới” mới đây, nhiều chuyên gia kinh tế đã đưa ra dự báo nguồn vốn FDI chủ yếu đến từ các nước Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) bắt đầu tăng mạnh vào bất động sản.Thị trường bất động sản Việt Nam đang nhận được sự quan tâm cao vào từ các nhà đầu tư khu vực châu Âu và Hoa Kỳ, dự báo con số này sẽ tăng trong vòng 2 – 3 năm tới đây.

Song song với đó, thị trường bất động sản Việt Nam đang nhận được sự quan tâm cao vào từ các nhà đầu tư khu vực châu Âu và Hoa Kỳ, dự báo con số này sẽ tăng trong vòng 2 – 3 năm tới đây. “Vốn ngoại đầu tư vào bất động sản được kỳ vọng sẽ tăng theo chiều hướng tốt sau một thời gian dài trầm lắng, với một lượng vốn đáng kể từ một số quỹ đầu tư vào thị trường. Chiến lược đầu tư này chủ yếu thông qua các thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A)”, ông Winfield K Wong, Giám đốc Khối Dịch vụ ngân hàng toàn cầu, Ngân hàng HSBC Việt Nam, nhận định.

Còn theo ý kiến từ ông Mathew B. Winn, Giám đốc điều hành bộ phận bán lẻ toàn cầu Cushman & Wakefield, hiện nay các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chọn hình thức liên doanh hoặc mua lại các công ty trong nước để nhanh chóng tiến vào thị trường hơn là bắt đầu từ con số 0. Về mặt lợi ích thì họ sẽ mang lại tiềm lực tài chính tốt hơn, sản phẩm, dịch vụ, quy trình sản suất, hệ thống phân phối…được chú trọng đầu tư hơn, công tác đào tạo nhân lực được nâng cao, từ đó giá trị sản phẩm và thương hiệu được nâng tầm.

Một chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng trong thời gian qua, thị trường bất động sản Việt Nam chứng kiến sự gia nhập thị trường của nhiều nhà đầu tư quốc tế lớn. Trong năm 2014 vừa qua, các vụ giao dịch M&A diễn ra giữa các tập đoàn trong nước, đa số các nhà đầu tư nước ngoài đang trong tình trạng chờ đợi thời cơ thích hợp để nhảy vào đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2017 sẽ là thời điểm bùng nổ mạnh các thương vụ M&A giữa các tập đoàn trong nước với nước ngoài.

Mới đây nhất, Quỹ Đầu tư Jen Capital - thuộc Chiaphua Limited (một trong những quỹ đầu tư tư nhân quản lý nhiều công ty ở Hồng Kông đã phát triển trên 200 dự án tại châu Á, Bắc Mỹ và Trung Đông) cũng đang tìm kiếm những dự án bất động sản tiềm năng trong trung và dài hạn ở Việt Nam.

Theo tiết lộ của ông Nguyễn Vĩnh Trân, Chủ tịch Quỹ Jen Capital, hiện tổ chức tài chính này đang tập trung vào các dự án ở vùng đô thị đông dân cư, quy mô khoảng vài trăm căn hộ như ở quận Tân Bình, quận 4, quận 7, quận 10…Trung bình mỗi dự án quỹ này chỉ rót vốn từ 10-20 triệu USD và không chọn những dự án cao cấp ở trung tâm thành phố. Nguồn vốn đến từ các tổ chức tài chính, quỹ đấu tư quốc tế lớn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trân cho biết thêm: “Chúng tôi không đặt ra một mốc thời gian cụ thể để hoàn vốn đầu tư mà tính toán một lộ trình khá dài. Điều này sẽ phù hợp hơn với chu kỳ phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam. Chúng ta thấy rằng thị trường bất động sản Việt Nam thay đổi khá lẹ, có khi 3 tháng, có lúc 6 tháng vì bất kỳ tình huống nào”.

Tuy nhiên, ông Trân cũng cho rằng cản trở lớn nhất cho các nhà đầu tư hay quỹ đầu tư nước ngoài trong các thương vụ M&A là họ khó chấp nhận những dự án nào vẫn chưa phải là “đất sạch”, còn vướng các thủ tục pháp lý về đền bù giải tỏa… Khó khăn thứ hai của các nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện M&A tại Việt Nam là vấn đề giá đất chưa rõ ràng. Thứ ba, chính sách cần phải được rõ ràng, minh bạch về mặt xin giấy phép, trả tiền sử dụng đất, chính sách tài cho người mua…

“Nếu chấp nhận rủi ro thì chúng tôi cũng không thể nào xác định được thời điểm chính xác nhận được đất sạch để phát triển dự án. Nhưng, nếu vốn bị chôn trong dự án từ 1-2 năm thì lẽ dĩ nhiên lợi nhuận sẽ không còn”, ông Trân nói.

Theo báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài-FDI tại Việt Nam trong quý I/2015 vừa được Cục đầu tư nước ngoài công bố, lượng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm trong quý I đạt hơn 1,837 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực bất động sản thu hút gần 203 triệu USD.

Sự vắng mặt của các dự án lớn đã khiến vốn đăng ký mới trong quý I/2015 giảm mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, trong quý I có 267 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 1,2 tỷ USD, chỉ bằng 59,4% so với cùng kỳ. Trong khi đó, số dự án đăng ký tăng thêm vốn là 102 dự án với số vốn tăng thêm đạt 621 triệu USD, bằng 48,2% so với cùng kỳ năm trước.

Đánh giá về kết quả này, Cục đầu tư nước ngoài nhận định “Trong Quý I năm 2015 số lượt dự án cấp mới và tăng vốn đều tăng hơn so với cùng kỳ năm 2014, tuy nhiên trong quý I năm 2015 không có các dự án quy mô lớn như cùng kỳ năm 2014 vì vậy số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm giảm so với cùng kỳ.”

Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực là mặc dù vốn đăng ký mới và tăng thêm giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm trước nhưng số vốn thực hiện trong quý I lại tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3,05 tỷ USD.

Lĩnh vực bất động sản tiếp tục đứng thứ 2 trong danh sách những ngành thu hút vốn nước ngoài nhiều nhất với gần 203 triệu USD đăng ký mới. Lũy kế, tổng vốn đăng ký của nhà đầu tư nước ngoài tại các dự án bất động sản tính đến 20/3/2015 đạt gần 48,5 tỷ USD. Dẫn đầu danh sách vẫn là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với vốn đăng ký mới và tăng thêm trong quý I đạt hơn 1,4 tỷ USD.

Hàn Quốc là quốc gia đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất trong quý I với tổng mức vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt hơn 491 triệu USD. Tiếp đó lần lượt là Brishtis VirginIslands, Nhật Bản, Hồng Kong và Singapore.

Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh là địa phương thu hút được nhiều vốn FDI nhất trong quý I với 540 triệu USD đăng ký mới và tăng thêm. Hà Nội tỏ ra khá “kén” nhà đầu tư nước ngoài khi chỉ thu hút được 68,66 triệu USD và đứng ở vị trí thứ 10 trong bảng xếp hạng. Lai Châu là địa phương ít “hấp dẫn” nhất đối với nhà đầu tư nước ngoài khi vốn đăng ký mới chỉ đạt khoảng 3 triệu USD.