"Ma trận" thông tin thị trường: Đủ kiểu "ăn theo"

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Để lọc bỏ các nguồn thông tin "ảo" về chủ sở hữu bất động sản (BĐS) thực sự, nhiều người cũng phải tìm tới những dịch vụ "ăn theo". Bắt đầu quãng thời gian khắc nghiệt từ cuối 2011, thị trường BĐS đến nay có thêm nhiều loại hình, thuật ngữ giao dịch mới: góp vốn, ký gửi, ủy thác, nhượng quyền, đổi vật liệu xây dựng lấy m2 sàn xây dựng...

 "Ma trận" thông tin thị trường: Đủ kiểu "ăn theo"
Dịch vụ "ăn theo" thị trường BĐS đang ngày một nở rộ "nhờ" yếu tố kém minh bạch thông tin của địa ốc. Nguồn: internet

Với thị trường BĐS, môi giới cũng đang được khẳng định vị thế không thể thiếu của mình trong mục tiêu thúc đẩy thanh khoản một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, không ít khách hàng cần mua nhà, đất vẫn "ngại" làm việc thông qua môi giới. Một phần do thói quen thích tự tìm nhà cho yên tâm (!), phần còn lại xuất phát từ tư duy cho rằng "chẳng việc gì phải mất tiền cho đội quân chỉ trỏ".

Nhắn tin tìm… chính chủ

Tâm thế trên đã mang lại hai hệ quả cho người cần tìm mua, thuê BĐS. Thứ nhất, tiết kiệm được khoản tiền trung gian (hoa hồng). Thứ hai, mất rất nhiều thời gian, công sức (mà vẫn gặp rủi ro cao) cho quá trình tìm thông tin chính chủ, liên hệ chủ nhà, đặt cọc và giao dịch. Theo bà Hà, đại diện kinh doanh của một sàn giao dịch BĐS tại Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), đáng mừng là nhiều khách hàng đã hiểu rõ về chức năng, cách làm việc của môi giới và tìm tới sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, lại xuất hiện thực trạng khách hàng thất vọng vì những môi giới kém chuyên môn, không đầy đủ kiến thức pháp lý BĐS cũng như làm ăn "thiếu tâm".

Khó khăn tìm thông tin chuẩn về BĐS mình cần tìm (chủ sở hữu, pháp lý, giá), khách tìm tới môi giới, nhưng môi giới lại chưa "tròn vai" (thậm chí có hiện tượng liên kết nhiều môi giới để ép giá, nâng giá tùy tiện…). Chưa nói tới hệ quả lòng tin cho môi giới bị ảnh hưởng, dịch vụ "nhắn tin chính chủ" đã ra đời để đáp ứng sự cần kíp của các "thượng đế".

Trang web đáng chú ý nhất về dịch vụ này: với lời quảng cáo khá mùi mẫn: "Chúng tôi không phải trung gian, chúng tôi chỉ làm hộ bạn việc phân loại thông tin, bạn sẽ tự liên hệ với chủ nhà và thực hiện giao dịch… Bạn liên hệ, phần lớn qua trung tâm, môi giới, thường chỉ có 1 cơ hội, bạn mất 50.000 đồng, nếu ưng, mất 1/2 tiền thuê nhà. Với 15.000 đồng sử dụng dịch vụ của chúng tôi, bạn có 5 cơ hội chính chủ, tất nhiên là không mất xu nào. Không có gì là miễn phí cả. 15.000 đồng có nhiều để bạn thử, giúp bạn đỡ mất thời gian và khó chịu không?".

Theo đó, người sử dụng dịch vụ phải nhắn tin tới đầu số 8724, để nhận về 5 tin kết quả dạng "cơ hội chính chủ". Nếu chưa tìm được nhà ưng ý, "thượng đế" cần nhắn tiếp và hệ thống sẽ tự động báo khi tài khoản hết tin (!). Thậm chí, website này cũng cung cấp dịch vụ cho môi giới với quy định: "Phải có mức phí dịch vụ cụ thể cho từng tin quảng cáo, ví dụ: phí dẫn đi xem 50.000 đồng, phí môi giới 200.000 đồng"…

Điều đáng nói, những dạng website dịch vụ kiểu này không bao giờ có thông tin về đơn vị chủ quản, giấy phép hoạt động kinh doanh. Không điện thoại liên hệ, không địa chỉ cơ sở, không giấy phép, chỉ duy nhất 1 email liên lạc (lấy gì đảm bảo cho số tiền khách bỏ ra cho dịch vụ này sẽ mang về kết quả như ý?!). Ngoài ra, quy định về mức phí dẫn đi xem và môi giới trên website đã cho thấy sự thiếu kiến thức trầm trọng của những đối tượng kinh doanh dịch vụ có dấu hiệu lừa đảo. Đáng lo hơn, những trang web này tới nay vẫn tồn tại với lượng khách hàng đáng kể.

Dịch vụ nhận đặt chỗ

Năm 2013 có thể coi là quãng thời gian "cực thịnh" của chung cư giá rẻ. Trong đó, nổi lên những cái tên như Xí nghiệp xây dựng số 1 Lai Châu, Vinaconex…Tiêu biểu, doanh nghiệp của đại gia Lê Thanh Thản đã trở thành tâm điểm thị trường nhà đất Hà Nội nhiều tháng gần đây. Chung cư Đại Thanh, VP5 Linh Đàm và mới nhất là Kim Văn Kim Lũ. Người có nhu cầu ở cấp bách nhưng túi tiền có hạn, vội vã chen chân để mong được một suất mua (với giá chênh vài chục tới cả trăm triệu đồng), mỗi khi thị trường xuất hiện nguồn tin "ông Thản sắp mở bán".

Thế nhưng, không phải ai cũng "may mắn" để kiếm được suất mua, hay đơn giản là đặt chỗ tại sàn của chủ đầu tư. Đón đầu lượng cầu "đói hàng" này, nhiều sàn, môi giới, thứ cấp đã tung dịch vụ đặt chỗ cho khách.

Từ giữa tháng 11/2013, trên nhiều diễn đàn cộng đồng liên tục xuất hiện thông tin về nhận đặt chỗ dự án chung cư Kim Văn Kim Lũ – ưu tiên giá rẻ đến khách hàng. Ví dụ trên diễn đàn lamchame.com về đoạn tin quảng cáo ngày 20/11/2013: "Hiện tại chúng tôi đã được chính thức đại diện cho Công ty Xây dựng Tư nhân Số 1 Lai Châu phân phối trực tiếp dự án Chung cư Kim Văn Kim Lũ CT12B và CT12 C. Ngày 18/11/2013 Tòa CT12B mở bán chính thức với sự sôi động của thị trường. Chỉ còn hơn 1 tuần nữa, toà CT12C chính thức mở bán. Chúng tôi đang có thủ tục đặt chỗ, ưu tiên khách hàng liên hệ sớm bán với giá ưu đãi! Hãy liên hệ ngay để được: đặt chỗ – chọn tầng – chọn hướng – chọn căn; cam kết giá rẻ nhất, chênh thấp nhất thị trường…".

Thông tin trên xuất phát từ một nhân viên môi giới của sàn Đất Vàng (Lê Văn Lương, Hà Nội). Tìm hiểu qua anh Tú, khách hàng đang sử dụng dịch vụ đặt chỗ, một căn góc tầng 16-19, có mức chênh khoảng 30 triệu đồng/căn, trong khi nếu "làm việc" với nhân viên của sàn Mường Thanh (của chủ đầu tư), con số chênh sẽ vào khoảng 40-45 triệu đồng/căn. Cũng là ký hợp đồng trực tiếp với chủ doanh nghiệp, nhưng mức chênh lại không tương đồng – sự khó hiểu này đang làm rối trí rất nhiều khách hàng…