Mặt bằng bán lẻ vẫn giữ sức nóng

Theo Nguyên Bảo/doanhnhansaigon.vn

Thông qua việc liên doanh với Sơn Kim Retail (thuộc Sơn Kim Group), GS25 (chuỗi cửa hàng tiện lợi của Hàn Quốc, thuộc quyền quản lý của GS Retail, Tập đoàn GS) sẽ chính thức mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam trong tháng 1 này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo kế hoạch, quý I/2018, 4 cửa hàng tiện lợi GS25 sẽ có mặt tại khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh, sau đó, liên doanh này sẽ mở rộng sự hiện diện sang quận 7, quận 2... Dự kiến, trong năm 2018, 50 cửa hàng GS25 đầu tiên sẽ được phát triển tại Việt Nam và trong 10 năm, số lượng cửa hàng sẽ đạt con số 2.500.

Trước GS25, thương hiệu đang nắm 30% thị phần cửa hàng tiện lợi tại Hàn Quốc, một cái tên khác là 7-Eleven cũng đã đặt chân vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Mục tiêu mà 7-Eleven từng chia sẻ với giới truyền thông là mở 100 cửa hàng trong 3 năm và tăng lên 1.000 trong 10 năm tới. Những kế hoạch ra mắt ấn tượng mà theo đánh giá của bà Nguyễn Hồng Trang - Đại diện Sơn Kim Retail, đơn vị liên doanh với GS Retail (sở hữu thương hiệu GS25), chưa bao giờ, thị trường bán lẻ, cụ thể là phân khúc cửa hàng tiện lợi lại có sự bùng phát mạnh mẽ như hiện nay.

Thực tế cho thấy, ngay như cung đường Trần Trọng Cung (Quận 7, TP. Hồ Chí Minh), dù chỉ xấp xỉ 1km nhưng đã có sự hiện diện của MiniStop, CircleK, FamilyMart và cả mini-mart Vinmart+, Zakka Mart... Sự cạnh tranh trong ngành bán lẻ trở thành bệ phóng cho giá thuê mặt bằng.

Khảo sát về thị trường bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh, cụ thể ở mảng cung - cầu mặt bằng, theo Jones Lang Lasalle (JLL) Việt Nam, hệ thống các cửa hàng tiện lợi, mini-mart ghi nhận tiếp tục mở rộng mạnh mẽ với các thương hiệu như Bách Hóa Xanh, Vinmart+, Ministop, 7-Eleven...

Tính đến quý IV/2017, với số lượng cửa hàng tăng gần 45%, thương hiệu trong nước đang thống lĩnh thị trường với thị phần hơn 60%. Song, JLL Việt Nam cũng đưa ra dự báo, những thương hiệu bán lẻ quốc tế nhiều khả năng sẽ tiếp tục gia nhập thị trường nhờ triển vọng và tiềm năng của thị trường này.

Đại diện của JLL Việt Nam nhìn nhận, dù mức giá không có sự đột biến như nhà ở hay văn phòng nhưng do nhu cầu mở rộng diễn ra liên tục nên nhìn chung, giá thuê mặt bằng bán lẻ có ghi nhận mức tăng theo năm, cùng với đó là xu hướng thuê cũng có sự thay đổi.

Theo đó, trước đây, xu hướng chọn mặt bằng nhà mặt phố thường có diện tích tối đa khoảng 150m2, thì nay, quy mô thuê lớn hơn, nhất là với những thương hiệu quốc tế, diện tích họ cần thường rộng rãi nên sẽ không dễ trong việc tìm vị trí, mở rộng mặt bằng cho cửa hàng đầu tiên trên những phố thương mại. Nếu có, phải kết hợp nhiều ngôi nhà và khi đó chi phí mặt bằng sẽ "ngốn" phần lớn chi phí vận hành của doanh nghiệp.

Được biết, chi phí mặt bằng chiếm phổ biến từ 30 - 35% trên tổng doanh thu bán lẻ của doanh nghiệp, so với mức bình quân 25% của 5 năm trước. Do đó, một số nhà bán lẻ ngoại đang áp dụng phương thức liên doanh với đối tác sở hữu nhiều quỹ đất đẹp trong nước để có thể nhanh chóng tiếp cận thị trường và tiết giảm chi phí vận hành.