Minh bạch thông tin để phát triển bền vững hàng nông sản

Theo daibieunhandan.vn

Nhiều doanh nghiệp sản xuất nông, thủy sản của Việt Nam chưa coi trọng việc minh bạch thông tin, dù đây là một công cụ hữu hiệu để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Nhiều chuyên gia đề nghị cần sớm áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, thay cho truy xuất nguồn gốc bằng ghi chép trên giấy để giúp doanh nghiệp minh bạch thông tin, đáp ứng kịp thời yêu cầu của nhà nhập khẩu, phân phối, cũng như người tiêu dùng.

Minh bạch thông tin để phát triển bền vững hàng nông sản
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Truy xuất nguồn gốc hiện là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm. Yêu cầu này không chỉ xuất phát từ phía Chính phủ, từ các tổ chức tiêu chuẩn độc lập, mà cả từ phía người tiêu dùng nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp xuất khẩu đã thực hiện truy xuất nguồn gốc bằng ghi chép trên giấy. Song cách làm này không minh bạch và nhiều rủi ro, vì chỉ có doanh nhiệp đọc và hiểu được mã số truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Người tiêu dùng hay các tổ chức, cơ quan chức năng muốn biết được nguồn gốc phải đi tìm lại số liệu trong rất nhiều giấy tờ và cũng khó kiểm chứng độ trung thực, chính xác của thông tin truy xuất. Do đó, các cá nhân, tổ chức cũng không thể biết hết về sản phẩm.

Ngược lại, truy xuất nguồn gốc điện tử có nhiều ưu thế hơn hẳn vì tạo ra một công cụ để người mua/người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhận báo cáo truy xuất dễ dàng bằng smart phone. Đồng thời, có đầy đủ thông tin về nhà sản xuất ở tất cả các khâu, quá trình sản xuất, chất lượng, việc đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh, nhà nhập khẩu. Thông tin tin cậy hơn do được cung cấp qua hệ thống độc lập của bên thứ ba. Tên tuổi doanh nghiệp xuất khẩu được người tiêu dùng biết đến. Đây cũng là mục tiêu của dự án xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử Traceverified cho nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, do Cơ quan Hợp tác phát triển Đan Mạch, thông qua tổ chức Hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu (GCF) tài trợ. Công ty Sắc Ký Hải Đăng là đơn vị được lựa chọn để thực hiện dự án. Đại diện doanh nghiệp cho biết, trong giai đoạn đầu, sẽ cung cấp dịch vụ cho chuỗi liên kết ngành cá tra ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhất là ở tỉnh Cần Thơ và An Giang. Sau đó rút kinh nghiệm và mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ sang các chuỗi liên kết ngành thủy sản và nông sản xuất khẩu khác.

Tuy có những lợi ích như vậy nhưng hiện nay chỉ một số doanh nghiệp áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tử do đây là yêu cầu bắt buộc để xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Hầu hết các doanh nghiệp còn lại không muốn hoặc không thích minh bạch thông tin, thực hiện truy xuất chủ yếu là để đối phó với các quy định. Do đó, doanh nghiệp không muốn thực hiện hoạt động này dù hệ thống được thiết kế riêng cho mỗi đơn vị và miễn phí thiết kế, cũng như hướng dẫn thực hiện. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó sự e ngại trong việc minh bạch hóa thông tin của doanh nghiệp là khó khăn lớn nhất, cản trở việc áp dụng rộng rãi. Bởi lẽ, để minh bạch thì doanh nghiệp phải thay đổi, thậm chí cả dây chuyền sản xuất, quy trình quản lý và sẽ tốn kém chi phí. Mặt khác, một số doanh nghiệp giấu thông tin vì nghĩ sẽ có lợi hơn là minh bạch. Nhưng như vậy thì doanh nghiệp làm ăn tốt, danh tiếng hàng nông sản Việt Nam sẽ bị thiệt hại bởi một số ít đơn vị kinh doanh không nghiêm túc. Bên cạnh ý thức của doanh nghiệp, theo Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược nông nghiệp, nông thôn Đặng Kim Sơn, chưa có môi trường tốt để doanh nghiệp minh bạch hóa thông tin. Đây là trách nhiệm của Nhà nước, hệ thống chính sách pháp luật.

Ở góc nhìn khác, Phó chủ tịch Hiệp Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, minh bạch thông tin là yêu cầu khách quan, sẽ bắt buộc doanh nghiệp phải thay đổi để có thông tin tốt, cung cấp cho thị trường. Để nâng cao ý thức trách nhiệm về đạo đức kinh doanh ở mỗi đơn vị, Vasep đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần quy định bắt buộc ghi trên nhãn của mỗi sản phẩm để người dùng có căn cứ lựa chọn. Doanh nghiệp không làm đúng như nhãn mác sẽ bị truy tố gian lận thương mại.

Để đưa truy xuất nguồn gốc điện tử vào thực hiện rộng rãi cần vận động, thuyết phục nhằm thay đổi nhận thức của doanh nghiệp và các cơ quan quản lý, đồng thời biến nó thành quy định bắt buộc, chuẩn hóa quy trình áp dụng. Coi minh bạch hóa thông tin là một trong những cách để xây dựng thương hiệu cho hàng nông, thủy sản xuất khẩu của nước ta, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.