Để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh:

Một thị trường không thể “thả nổi”

Theo daibieunhandandan.vn

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, ở các nước phát triển nếu đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (BĐS) tăng lên 1 USD thì sẽ có khả năng thúc đẩy các ngành có liên quan phát triển từ 1,5 - 2 USD

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Điều hành tốt thị trường BĐS sẽ có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua các biện pháp kích thích vào đất đai, tạo lập các công trình, nhà xưởng... để từ đó tạo nên chuyển dịch đáng kể và quan trọng về cơ cấu trong các ngành, các vùng lãnh thổ và trên phạm vi cả nước.

BĐS là tài sản lớn của mỗi quốc gia. Tỷ trọng BĐS trong tổng số của cải xã hội ở các nước có khác nhau nhưng thường chiếm trên dưới 40% lượng của cải vật chất của mỗi nước. Các hoạt động liên quan đến BĐS chiếm tới 30% tổng hoạt động của nền kinh tế.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tổng giá trị vốn chưa được khai thác ẩn chứa trong BĐS ở các nước thuộc thế giới thứ 3 là rất lớn lên tới hàng nghìn tỷ USD, gấp nhiều lần tổng hỗ trợ ODA của các nước phát triển hiện dành cho các nước đang phát triển trong vòng 30 năm qua. BĐS còn là tài sản lớn của từng hộ gia đình.

Trong điều kiện nền kinh tế thị trường thì BĐS ngoài chức năng là nơi ở, nơi tổ chức hoạt động kinh tế gia đình, nó còn là nguồn vốn để phát triển thông qua hoạt động thế chấp. Thị trường BĐS phát triển thì một nguồn vốn lớn tại chỗ được huy động.

Phát triển và quản lý tốt thị trường BĐS sẽ góp phần kích thích sản xuất phát triển, tăng nguồn thu cho ngân sách. Nếu thúc đẩy bằng cơ chế, chính sách và pháp luật để các giao dịch BĐS chính thức (có đăng ký và thực hiện nghĩa vụ thuế) và đổi mới cơ chế giao dịch theo giá thị trường thì hằng năm thị trường BĐS sẽ đóng góp cho nền kinh tế trên dưới 20.000 tỷ đồng mỗi năm.

Phát triển và quản lý có hiệu quả thị trường BĐS còn đáp ứng nhu cầu bức xúc ngày càng gia tăng về nhà ở cho nhân dân từ đô thị - nông thôn. Quan trọng là vậy, nên đối với các nền kinh tế, vai trò điều tiết của cơ quan quản lý đối với thị trường BĐS rất quan trọng. Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Vậy nên, Luật Kinh doanh BĐS 2014 đã chỉ rõ, một chủ trương rất mới của Chính phủ là phát triển BĐS không chỉ theo quy hoạch mà còn phát triển theo kế hoạch, phù hợp với nền kinh tế, xã hội của địa phương. Song, hiện nay thị trường BĐS dường như phát triển chưa có sự kiểm soát có hiệu quả từ phía các cơ quan nhà nước, nhất là tại các cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương.

Lẽ ra vào thời điểm này, các cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc, phải đưa ra các con số rất cụ thể và chính xác rằng, địa phương của mình cần bao nhiêu m2 nhà ở, bao nhiều m2 căn hộ cho thuê, bao nhiêu m2 văn phòng và thương mại.

Hoặc phân khúc thị trường nào đã vượt quá kế hoạch, những dự án nào phải phải lùi lại sau, phải chuyển đổi mô hình? Đấy mới là thể hiện rõ vai trò trong quản lý thị trường BĐS theo đúng tinh thần Luật Kinh doanh BĐS. Nhưng vì chưa có một cơ quan chuyên biệt thống kê một chính xác trên cơ sở phân loại hàng hóa, sản phẩm nên các dự án BĐS đã phát triển không theo quy hoạch, không có kế hoạch, không căn cứ vào nhu cầu của thị trường và nguồn lực thực hiện.

Việc cấp phép đầu tư các dự án chưa theo quy hoạch, thường do nhà đầu tư đề xuất rồi mới quy hoạch. Về phía các chủ đầu tư, hễ cứ thấy phân khúc nào có tín hiệu “sốt” giá là đổ xô vào mặc dù bản thân chủ doanh nghiệp cũng cảm thấy rất bất an. Đến khi dư thừa nguồn cung, thị trường “đóng băng”, nợ xấu tăng lên, các chủ đầu tư mới cầu cứu tới cơ quan quản lý.

Một vấn đề khác cũng đáng lưu tâm trong sự phát triển của thị trường BĐS hiện nay là việc trên một tuyến đường mới mở, hàng loạt dự án BĐS cao tầng mọc lên, trong khi hạ tầng không đáp ứng kịp. Ngoài nỗ lực của chủ đầu tư, cơ quan quản lý của nhà nước tại địa phương cần phải can thiệp vào, phải phân loại các dự án.

Ví dụ ở khu vực hạ tầng chưa đầy đủ, cần yêu cầu chủ đầu tư ở khu vực đó ngừng triển khai hoặc chậm triển khai. Đằng này ở nhiều địa phương, hễ chủ đầu tư cứ xin là cấp phép, đó là hệ quả của việc nhiều dự án xây xong, có nhà hẳn hoi mà dân không mua, hoặc mua rồi mà không đến ở do thiếu trường học, bệnh viện, chợ dân sinh. Nhiều dự án nhà bỏ hoang hóa lâu năm, gây lãng phí một nguồn lực rất lớn của đất nước.

Còn rất nhiều hoạt động trên thị trường BĐS cần đến vai trò điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước. Ví như dùng công cụ thuế để đẩy lùi nạn đầu cơ, lướt sóng. Dùng công cụ thông tin để minh bạch hóa các dự án nào đã được cấp giấy phép và chưa được phép, những dự án nào đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính hoặc chưa được phép bán sản phẩm vì con nợ thuế, nhằm tránh cho người mua bị lừa bởi các dự án “ma”, dự án bất hợp pháp. Cần là vậy, nhưng vai trò điều tiết của cơ quan quản lý còn rất mờ nhạt.

Thị trường nhà ở là bộ phận quan trọng chiếm tỷ trọng lớn trong thị trường BĐS và cũng là thị trường sôi động nhất trong thị trường BĐS. Những cơn “sốt” nhà đất hầu hết đều bắt đầu từ “sốt” nhà ở và lan tỏa sang các thị trường BĐS khác, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân.

Vì vậy, phát triển và quản lý có hiệu quả thị trường BĐS nhà ở, điều tiết tốt để bình ổn giá, bảo đảm cho giá nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước. Thị trường BĐS, không thể “thả nổi”!