Mua đất với khoản tiền nhỏ: Tại sao lại không?

Theo baodautu.vn

Vinh nói rằng em đã có đủ số tiền mua được miếng đất vườn xa trung tâm Sài Gòn, nhưng cứ lần lữa mãi vì “chẳng biết thế nào”. Giờ thì tiền lãi tiết kiệm thu về có xíu xiu, còn miếng đất kia thì đã tăng gấp rưỡi.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

1. Bữa rồi, Vinh - cậu lái xe của gia đình - xin phép dừng xe lại trên đường để vào ngân hàng rút tiền. Hàng ngày đi làm tới tối mới về, nên ngân hàng đã đóng cửa, hơn thế, lấy tiền mặt mà chạy xe gắn máy thì sợ bị cướp cả tiền lẫn xe.

Dù cho số tiền mà Vinh mang về không phải quá nhiều, chỉ vài chục triệu đồng để đi đặt cọc mua miếng đất nền nhỏ. Nhưng với công việc và thu nhập của Vinh, đó là khoản tiền lớn.

Cách nay gần 2 năm, nhờ lái xe đưa nhóm bạn của tôi đi coi đất vườn, mà Vinh biết có một cơ hội cho cậu. Khi ấy, đường xá ở khu vực mà cả nhóm cần tới chưa trải đá răm và thẳng tắp như bây giờ. Con đường đất đỏ trơn trượt, đầy ổ voi, cây lá xum xuê xòa ra che hết lối đi. Thấy giá còn rẻ, cũng chấp nhận được, nhóm bạn của tôi nói, Vinh ơi, em mua 1 miếng đi.

Chỗ này đúng là xa so với chỗ làm của em thiệt, nhưng với khoản tiền ấy phù hợp với nội dung ví tiền của em. Sau này đường xá làm ngon lành rồi, lại có tuyến xe bus thế này, đi lại cũng dễ dàng.

Xin chuyển đổi lên đất nông nghiệp khác thì sẽ có vài chục mét vuông xây căn nhà mái Thái. Chẳng phải là có nhà, có đất trồng cây, nuôi gà, nuôi heo bán cho bạn bè xung quanh hay sao. Giữa Sài Gòn này, làm gì có nơi nào chỉ hơn 200 ngàn/m2 như thế.

Nghe chuyện, nhưng Vinh cứ lo. Cậu lo nhiều thứ lắm. Lo mua rồi mà cần tiền thì có dễ bán hay không. Lo đi làm quá xa, nhà rộng đẹp cỡ nào cũng khó. 20 km là cả quãng đường không dễ gì vượt qua được nếu như lười đột xuất.

Cô bạn tôi thì ra sức thuyết phục: “Em có thấy ở Sài Gòn biết bao người ở Đồng Nai, Bình Dương hàng ngày lên thành phố đi làm, tối tối lại về nhà không? 20 km vẫn chấp nhận được”. Nhưng nỗi khổ của người đi mua nhà đất, là nếu người bán càng quá nhiệt tình, người mua càng đề phòng, cảm giác không tin tưởng.

Bữa ấy, nhóm bạn tôi đặt cọc mua đất ngay, còn Vinh, tất nhiên cậu ra về tay không, cùng một tạ suy nghĩ ngổn ngang trong đầu.

2. Sáu tháng sau, tất cả khu vực đường xá ở đám đất vườn ấy trở thành đại công trường. Người ta thi công ngổn ngang, bụi bay mù trời. Và sau 1 năm thì xe chạy bon bon, không lo ổ voi, ổ trâu như trước nữa. Theo đó, giá đất cũng leo thang. Cứ vài ba chục triệu 1 lần tăng, không quá nhiều, nhưng từ từ mà lên.

Bắt đầu từ lúc nhóm bạn đi khảo sát và mua đất tới giờ, giá đã tăng lên gấp rưỡi, gấp đôi. Và theo dự tính của các bạn, giá ấy vẫn chấp nhận được. Điện 3 pha được Nhà nước kéo tới tận nơi, nước máy có đồng hồ đo hàng tháng. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều gia đình mua đất trước kia đã chuyển đổi giấy phép làm nhà, trồng cây, đào ao.

Cậu tài xế bắt đầu sốt ruột khi thấy người này mua, người kia bán. So sánh lãi suất ngân hàng, thì đúng là khác biệt một trời một vực. Giờ bỏ tiền ra mua, thì tất nhiên không dám. Khi ấy mua chỉ có giá hơn 200 triệu đồng, giờ thấp nhất cũng 400-450 triệu đồng, ai mà dám. Cứ mỗi lần chở nhóm bạn tôi đi, Vinh lại suy nghĩ nhiều thêm nữa.

Tôi khuyên Vinh chọn mua miếng đất nền thổ cư ở ngoại thành. Giờ khó có thể mua ở đâu trong nội thành với giá vài triệu đồng/m2 mà lại thoáng mát, dân cư không quá phức tạp. Của mua là của được. Vài năm sau, đất lên giá, muốn mua chung cư ở gần thì bán đi. Còn nếu thích và chấp nhận đi làm xa chừng hơn 15km thì xây nhà, cho vợ con khỏi lo cái nóng mùa khô, cái dột mùa mưa trong khu nhà trọ thiếu tiện nghi.

Nhưng quả thật, nếu tôi là Vinh, thì tôi sẽ mua miếng đất vườn 1.000 m2, chỉ vài trăm triệu đồng, cất lên căn nhà cấp 4 điệu đà kiểu biệt thự vườn. Ít tiền, cũng có thể trở thành điền chủ được. Đi làm xa với bán kính 20 km chốn thị thành này, có phải là cá biệt đâu. Tại sao lại không?