Năm 2013 nới lỏng tín dụng phi sản xuất: Tiền “chảy” vào chứng khoán và BĐS?

Theo TTVN

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Đức Độ, nếu Chính phủ không có những biện pháp can thiệp mạnh, tín dụng trong nền kinh tế, cho cả lĩnh vực sản xuất lẫn phi sản xuất, sẽ chỉ tăng trưởng ở mức thấp.

Theo định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm 2013 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ trọng tín dụng phi sản xuất sẽ do các tổ chức tín dụng tự quyết định. Chuyên gia tài chính Nguyễn Đức Độ cho rằng, với việc NHNN bãi bỏ quy định về tỷ trọng tín dụng phi sản xuất tại các tổ chức tín dụng, người ta có thể kỳ vọng vào 2 điều:

Thứ nhất, nếu tín dụng tiêu dùng tăng, tổng cầu trong nền kinh tế sẽ được cải thiện phần nào và vấn đề tìm đầu ra của các doanh nghiệp cũng sẽ bớt khó khăn hơn.

Thứ hai, nếu dòng tiền chảy mạnh hơn vào thị trường tài sản, việc giải phóng hàng tồn kho bất động sản (BĐS) sẽ dễ dàng hơn, gánh nặng nợ nần của các doanh nghiệp cũng như của các nhà đầu tư cũng sẽ được giảm bớt. Việc giải quyết vấn đề nợ xấu, vì thế, cũng sẽ thuận lợi hơn và cơ hội phục hồi của nền kinh tế cũng sẽ lớn hơn.

Ông có cho rằng, với việc không quy định như trên, tiền sẽ "chảy" vào lĩnh vực BĐS và chứng khoán hay không?

Năm 2013 nới lỏng tín dụng phi sản xuất: Tiền “chảy” vào chứng khoán và BĐS? - Ảnh 1
Chuyên gia tài chính
Nguyễn Đức Độ
Đối với thị trường BĐS, cơ hội sẽ thấp hơn nhiều, bởi giá BĐS cho đến nay vẫn còn chưa tìm được đáy.

Nếu người dân và các nhà đầu tư chưa tin rằng giá BĐS đã đủ hấp dẫn hoặc thị trường sẽ phục hồi trong tương lai gần, thì cho dù có nới lỏng hạn mức tín dụng, đồng thời hạ lãi suất cho vay mua nhà xuống mức rất thấp đi nữa, người ta cũng sẽ không đi vay, thậm chí không bỏ tiền túi ra để đầu tư.

Tuy nhiên, nếu tiền chảy vào thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp có thể sẽ được hưởng lợi. Khi giá chứng khoán tăng, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội hơn để phát hành cổ phiếu và tăng vốn.

Điều này rất quan trọng đối với các doanh nghiệp đang có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao và khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp BĐS.

Nếu các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu thành công, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp sẽ tăng, tỷ lệ đòn bẩy tài chính sẽ giảm, đồng thời họ sẽ có thêm tiền mặt để tiếp tục sản xuất kinh doanh, hoặc ít nhất là tăng khả năng cầm cự, chống đỡ với những khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Mặc dù NHNN có khẳng định sẽ tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng để đảm bảo mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả nhưng nhiều người vẫn tỏ ra lo lắng về việc dòng tiền sẽ không chảy vào lĩnh vực sản xuất? Bản thân ông thấy lo lắng đó thế nào?

Chúng ta không nên quá lo ngại về việc khu vực phi sản xuất, chẳng hạn như thị trường BĐS, hút tiền và khiến cho tín dụng vào khu vực sản xuất tăng trưởng chậm.

Ngược lại, nếu tiền bị hút vào thị trường BĐS, thì đó là điều tốt. Chỉ khi tiền chảy vào thị trường BĐS, vấn đề nợ xấu mới được giải quyết triệt để và lúc đó tín dụng cho khu vực sản xuất mới tăng trưởng mạnh trở lại.

Trong giai đoạn hiện nay, tín dụng cho các khu vực sản xuất và phi sản xuất sẽ không phải cạnh tranh nhau, mà ngược lại, sẽ bổ sung cho nhau.

Các ngân hàng hiện còn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra và phải mua trái phiếu Chính phủ.

Nếu giá BĐS nhanh tìm được đáy và chúng ta giải quyết tốt vấn đề nợ xấu, cũng như kích được cầu tiêu dùng, tín dụng cho khu vực sản xuất sẽ gia tăng, bởi lòng tin của các ngân hàng đối với các doanh nghiệp cũng sẽ được cải thiện.

Tuy nhiên, cần khẳng định rằng, tín dụng cho khu vực sản xuất sẽ khó có thể tăng nhanh.  

Một trong những lý do là nhiều doanh nghiệp hiện nay còn phải lo trả nợ, hạ tỷ lệ đòn bẩy tài chính, nên nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh sẽ không lớn, nhất là trong bối cảnh tổng cầu vẫn còn yếu.

Ông dự báo như thế nào về tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực phi sản xuất trong năm 2013?

Nới lỏng hạn mức cho vay, hạ lãi suất là những điều kiện cần, nhưng chưa đủ để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đối với cả lĩnh vực sản xuất lẫn phi sản xuất. Trong giai đoạn hiện nay, mức độ rủi ro cao trên các thị trường mới là yếu tố cản trở sự dịch chuyển của các dòng tiền.

Nếu Chính phủ không có những biện pháp can thiệp mạnh, tín dụng trong nền kinh tế, cho cả lĩnh vực sản xuất lẫn phi sản xuất, sẽ chỉ tăng trưởng ở mức thấp.

Xin cảm ơn ông!