Năm 2022, những dự án giao thông trọng điểm của TP. Hồ Chí Minh khởi công

Theo Bùi Hằng (T/h)/kinhtemoitruong.vn

TP. Hồ Chí Minh năm 2022 sẽ tập trung phát triển các dự án hạ tầng giao thông giúp tăng kết nối vùng và giảm ùn tắc, trong đó có nút giao An Phú, quốc lộ 50 hay cụm dự án “giải cứu” ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Năm 2022, những dự án giao thông trọng điểm của TP. Hồ Chí Minh khởi công.
Năm 2022, những dự án giao thông trọng điểm của TP. Hồ Chí Minh khởi công.

Nút giao An Phú ở TP. Thủ Đức là nơi giao nhau giữa ba trục giao thông lớn gồm cao tốc TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM) - Long Thành - Dầu Giây, đại lộ Mai Chí Thọ và đường Lương Định Của. Dự án có tổng vốn đầu tư 3.926 tỷ đồng, quy mô ba tầng gồm hầm chui hai chiều nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây qua tuyến Mai Chí Thọ (phía hầm Thủ Thiêm), kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống; Mặt đất xây đảo, tiểu đảo; Trên cao làm hao cầu vượt.

Dự án mở rộng quốc lộ 50, đoạn qua huyện Bình Chánh với tổng đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, sẽ triển khai trên đoạn tuyến dài gần 7 km, mở rộng lên 34 m.

Dự án chia làm hai đoạn, với đoạn một dài hơn 4,3 km xây tuyến đường mới song hành với quốc lộ 50, đoạn còn lại dài hơn 2,5 km mở rộng đường hiện hữu. Công trình này sẽ góp phần giải quyết điểm đen giao thông tại khu vực này.

Mặt khác, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà (quận Tân Bình) có tổng vốn đầu tư 4.800 tỷ đồng, dự kiến khởi công quý 2 năm nay. Đây là dự án được mong chờ giải quyết áp lực giao thông quanh sân bay Tân Sơn Nhất, đặc biệt khi nhà ga T3 đưa vào khai thác.

Điểm đầu tuyến giao đường Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện; Điểm cuối tuyến giao đường C12 - Cộng Hòa - Trường Chinh. Vận tốc thiết kế là 50 km/ giờ. Quy mô mặt cắt ngang tuyến chính đáp ứng 6 làn xe. Xây dựng cầu cạn dọc trên tuyến dài khoảng 987 m, đáp ứng 4 làn xe, chiều rộng 17-21 m.

Với dự án cũng xây dựng hai hầm chui tại nút giao thông đường Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn và nút giao đường Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý.

Năm 2022, Cùng với công trình trên, ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất, các đơn vị cũng nỗ lực khởi công mở rộng đường Hoàng Hoa Thám và cải tạo đường Cộng Hòa.

Dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám thực hiện từ đoạn qua cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa, dài hơn 780 m, rộng 22 m.

Công trình được được phê duyệt vào tháng 10/2016 với tổng mức đầu tư 255 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 170 tỷ đồng.

Dự án cải tạo đường Cộng Hòa đoạn từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến Thăng Long, dài 134 m, mở rộng 14-19 m phía bên phải đường Cộng Hoà. Công trình có tổng mức đầu tư gần 142 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 114 tỷ đồng.

Dự án nâng cấp, mở rộng đường Trần Văn Mười (quốc lộ 22 – Phan Văn Hớn) huyện Hóc Môn có tổng mức đầu tư dự kiến 499 tỷ đồng.

Công trình sẽ được cải tạo mặt đường, vỉa hè theo hiện trạng và đầu tư hệ thống thoát nước trên đường chính và các đường nhánh trong khu vực.

Cùng với đó, các dự án giao thông khác sẽ được chủ đầu tư khởi công sắp tới là xây cầu Rạch Kinh (huyện Củ Chi); Kè chống sạt lở bờ sông khu vực cầu Giồng Ông Tố (TP. Thủ Đức).

Đối với 42 dự án (33 dự án đầu tư công, 9 dự án theo phương thức PPP) Sở Giao thông vận tải TP.HCM đang xin ý kiến UBND thành phố cho phép chủ trương lập đầu tư công, Ban Giao thông sẽ phối hợp với Sở Giao thông vận tải báo cáo thành phố để sớm có chủ trương cho phép lập đầu tư công và kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, trong năm 2021, đơn vị đã hoàn thành thủ tục trình phê duyệt 7 dự án; Hoàn thành thủ tục khởi công 7 gói thầu, dự án; Hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng 19 gói thầu, dự án; Phê duyệt một dự án; Phê duyệt chủ trương đầu tư công 2 dự án; Tiếp tục thi công tại công trường 32 dự án; Phê duyệt quyết toán hoàn thành 13 dự án.

Năm 2021, tổng kế hoạch đầu tư công là 2.154 tỷ đồng, kết quả giải ngân cả năm 2021 của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM ước đạt 95,2%.

Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. HCM cho rằng năm 2022 sẽ là một năm cần chuẩn bị triển khai rất nhiều dự án, Ban Giao thông cần xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng dự án giao thông trọng điểm, sắp thứ tự ưu tiên theo dõi giám sát tiến độ. Đặc biệt là các dự án lớn từ nguồn vốn Trung ương như nút giao An Phú, nhất định không để tiến độ giải ngân chậm.

Song song đó, phải lưu tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình quản lý dự án.