Ngân hàng ngoại lạc quan về thị trường tài chính Việt Nam

st

Mặc dù nền kinh tế trong nước năm 2008 gặp không ít khó khăn nhưng đại diện một số ngân hàng ngoại có mặt tại Việt Nam cho rằng, tăng trưởng của các ngân hàng này vẫn rất ổn. Hẩu hết các ngân hàng ngoại đều rất lạc quan về sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam.

 

Theo ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, hiện các ngân hàng Việt Nam đã có những chính sách ổn định thị trường và đây có thể đang là giai đoạn ổn định để chuẩn bị cho sự tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Mặc dù đều kỳ vọng vào thị trường Việt Nam nhưng phương hướng phát triển của các ngân hàng ngoại cũ và mới vào Việt Nam đang có sự phân hướng khác nhau.

Ngân hàng ANZ đã bước chân vào Việt Nam khá lâu, ông Philip Crouch, Tổng giám đốc dịch vụ tài chính cá nhân của ANZ đánh giá, hoạt động của ngành ngân hàng Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng.

Chỉ mới có 10% dân số sử dụng dịch vụ ngân hàng và chỉ tập trung nhiều ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM. Do đó, thị trường Việt Nam vẫn còn rất nhiều cơ hội cho các tập đoàn tài chính nước ngoài.

Ông Kelvin Lee, Giám đốc điều hành Vina Securities cũng cho rằng, hiện chỉ có khoảng 0,5% người dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng và việc giao dịch qua tài khoản cũng chưa nhiều. Do đó, cần có biện pháp để gia tăng tiện ích của ngân hàng cho dân chúng.

Theo ông Philip Crouch, thị trường ngân hàng tại Việt Nam trong thời gian tới cạnh tranh sẽ trở nên gay gắt hơn, nhưng ANZ cũng đang nỗ lực để làm cho "phần bánh" của mình to hơn. Để tiếp tục phát triển tại Việt Nam, ANZ đã có những phương thức khác nhau, nhưng có hai chiến lược chính trong tiếp cận khách hàng là liên kết với ngân hàng địa phương và xây dựng thương hiệu.

"Ở Việt Nam, hoạt động của ngành ngân hàng rất tốt và còn nhiều cơ hội để đầu tư, nhất là đầu tư vào những ngân hàng mới nổi lên trong 2 năm qua…", ông Philip Crouch cho biết.

Ông Tomaso Andreatta, Trưởng đại diện Ngân hàng Intesa SanPaolo của Ý (vừa mới mở văn phòng đại diện tại Việt Nam) thì cho biết, hiện tại nhà băng này chưa có kế hoạch cho việc mở ngân hàng con tại Việt Nam do những chi phí phát sinh khi mở ngân hàng con, nhưng Intesa SanPaolo sẽ tập trung vào cung cấp các dịch vụ bán buôn và dịch vụ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo ông Tomaso, các ngân hàng quốc tế khác đã vào Việt Nam từ rất lâu, họ có kinh nghiệm nhiều hơn trong việc khai thác thị trường, nhưng trong năm nay có thể họ sẽ dừng lại và chờ đợi.

Trong khi đó, các ngân hàng mới lại rất hào hứng tham gia vào thị trường Việt Nam, cung cấp vốn cho các dự án có tính khả thi cao được thực hiện trong thời gian ngắn, hay cung cấp vốn cho các doanh nghiệp lớn, các ngân hàng của Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài vào làm ăn tại Việt Nam.

Đại diện cao cấp, Phó chủ tịch Ngân hàng Commerzbank của Đức (văn phòng đại điện tại Việt Nam, Lào và Campuchia), ông Peter Born nhận định, sẽ có ít ngân hàng theo đuổi việc thành lập ngân hàng con tại Việt Nam như các ngân hàng đã được cấp phép, bởi vì việc này cần nhiều vốn, nhiều nguồn lực trong khi thị trường đã trở nên khá cạnh tranh và Commerzbank vẫn tiếp tục tập trung vào lĩnh vực mạnh là ngân hàng bán buôn.

Theo đánh giá của ông Andrian Cundy, Trưởng nhóm nghiên cứu của VinaSecurities,  hiện tại chưa có nhiều ngân hàng con được mở tại Việt Nam và trong giai đoạn này sẽ không có nhiều đơn vị đi theo con đường này, mà xu hướng mua cổ phần của các ngân hàng nội địa sẽ là chủ đạo.

Các ngân hàng ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đang tìm kiếm các cơ hội tại Việt Nam cũng có những định hướng tương tự.

Ông Tomaso Andreatta cũng nói rằng, năm 2007, kinh tế Việt Nam tăng trưởng với tốc độ cao và mọi người kỳ vọng sẽ có nhiều tiền để thực hiện các dự án cùng một lúc, nhưng khủng hoảng kinh tế đã không biến kỳ vọng này thành hiện thực.

Tuy nhiên, khủng hoảng vừa là viên thuốc đắng vừa có những hữu ích, bởi các nhà đầu tư sẽ không thể nóng vội mà phải chọn lọc dự án để thực hiện cho hiệu quả. Ông Tomaso hy vọng, các ngân hàng bán buôn sẽ tìm thấy nhiều dự án khả thi để tiếp tục rót vốn vào Việt Nam.

Theo Gia Linh
ĐTCK