Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ được mua cổ phần của các tổ chức tín dụng

Theo Đầu tư

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho Dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Việc cho NHNN được mua cổ phần có thời hạn của các tổ chức tín dụng gặp khó khăn về tài chính được xem là phù hợp.

Theo Dự án Luật, NHNN được sử dụng vốn pháp định do ngân sách nhà nước cấp để góp vốn, mua cổ phần thành lập doanh nghiệp nhằm thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức năng của mình khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. NHNN quyết định mua cổ phần có thời hạn của các tổ chức tín dụng gặp khó khăn về tài chính, có nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống ngân hàng.

Tham gia góp ý vào phần này, hầu hết các bộ, ngành đều thống nhất quan điểm trao thẩm quyền cho NHNN trong việc quyết định mua cổ phần có thời hạn của các tổ chức tín dụng gặp khó khăn về tài chính, có nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống ngân hàng.

Trong cơ chế thị trường, việc phá sản, giải thể của tổ chức tín dụng không phải không xảy ra (trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, đã có hàng chục ngân hàng lớn ở Mỹ và châu Âu bị buộc phải phá sản, bị quốc hữu hoá hoặc bị các ngân hàng khác mua lại).

Do vậy, việc cho NHNN được mua cổ phần có thời hạn của các tổ chức tín dụng gặp khó khăn về tài chính được xem là phù hợp, nhằm tránh sự đổ vỡ của một tổ chức tín dụng khi bị mất khả năng thanh toán, nếu việc đổ vỡ có thể dẫn đến sự đổ vỡ dây chuyền của tổ chức tín dụng khác hoặc dẫn đến những hậu quả rất xấu đối với nền kinh tế và xã hội.

Tuy nhiên, theo quan điểm của nhiều bộ, ngành, như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp..., thì không nên cho phép NHNN được góp vốn, mua cổ phần để thành lập doanh nghiệp. Vì Luật Doanh nghiệp cấm "cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình".

Hơn nữa, nếu NHNN tham gia góp vốn mua cổ phần sẽ trở thành đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp trực thuộc và tổ chức tín dụng có vốn nhà nước, dẫn đến chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.

Mặc dù không nhận được sự đồng thuận của nhiều bộ, ngành về vấn đề này, nhưng NHNN vẫn bảo lưu quan điểm được góp vốn, mua cổ phần thành lập, hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp để thực hiện chức năng của chính của NHNN nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. 
 "Trong những trường hợp cụ thể này, cần làm rõ NHNN góp vốn mua cổ phần để thành lập doanh nghiệp có nằm trong phạm trù mục đích sinh lợi riêng cho cơ quan mình hay không? Đây là nội dung rất quan trọng, ảnh hưởng đến việc thực thi các chức năng khác của NHNN", đại diện Bộ Tư pháp cho biết.