Ngân hàng vẫn lách trần lãi suất

CDS

Một số ngân hàng vẫn chèo kéo khách gửi tiền với lãi suất cao hơn 2% so với mức trần 11%. Chiêu "dọa" lãi suất còn giảm nữa cũng đang được nhiều nhân viên áp dụng.

Được bạn là nhân viên một ngân hàng cổ phần ở Hà Nội giới thiệu gửi tiền lãi suất 13%, chị Thoa liền đồng ý gửi 200 triệu đồng trong vòng một tháng. Quả quyết nếu không gửi sớm, đến cuối tháng 6, lãi tiếp tục giảm, nhân viên này nài nỉ chị gửi kỳ hạn dài hơn. Như để làm tin, cô nhân viên cho biết các sếp đang duyệt gói cho vay doanh nghiệp chỉ 14% một năm, nếu thông qua chắc chắn lãi suất huy động sẽ còn thấp hơn nữa.

Một nhà băng khác ở Cầu Giấy cũng hứa áp dụng lãi suất 13,5% với khoản tiền trên 500 triệu đồng. Sau khi tiết lộ mức lãi suất hấp dẫn với khách hàng, nhân viên còn nói thêm, nếu người gửi không có thời gian, ngân hàng sẵn sàng cử người đến tận nhà để thu tiền, làm sổ tiết kiệm.

Trên thị trường, bằng cách này hay cách khác, nhiều người vẫn biết "danh sách ngầm" các ngân hàng đi đêm lãi suất. Thậm chí, một số người xưng là nhân viên chi nhánh, phòng giao dịch còn chủ động gọi điện cho khách hàng tiềm năng để chào mời. Số tiền dưới 500 triệu đồng được áp lãi phổ biến cao hơn trần khoảng 2 - 3%, từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, mức chênh lệch lên 2,5-4%.

Đi chào mời khách gửi tiền tại ngân hàng mình, song nhiều nhân viên nhà băng cũng không mấy hào hứng với lãi suất huy động đang áp dụng. Thậm chí, không ít người còn có xu hướng đem tiền cho ra ngoài vay. "Lãi suất ngân hàng cao lắm được 12% một năm, cho người quen vay tính rẻ nhất cũng đã bằng mức cho vay của ngân hàng. Nếu chấp nhận rủi ro hơn, có thể cho doanh nghiệp khác vay vốn lãi suất lên tới trên 20% một năm, bạo dạn hơn nữa thì cho vay tín dụng đen ngắn ngày, vẫn lợi hơn nhiều so với đem gửi ngân hàng", anh Vũ, nhân viên một ngân hàng trên phố Ngô Quyền(Hà Nội) chia sẻ.

Lãnh đạo một ngân hàng tại TP HCM nói thẳng, hiện tượng huy động chui chưa hề chấm dứt kể từ ngày có cái gọi là trần lãi suất đến nay. Mỗi lần Ngân hàng Nhà nước hạ trần, những ngân hàng đi chui này lại một lần thông báo cho khách mức lãi áp dụng vẫn cao hơn quy định. Ông này nói thêm, các cơ quan chức năng không phải không biết, nhưng vì chưa bắt được tận tay nên khó xử phạt.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng lớn khác nằm trong nhóm "G14+1" thì cho rằng, hiện chỉ có ngân hàng cực kỳ yếu kém, thiếu thanh khoản mới dám vượt rào lãi suất. Còn lại, đơn vị quy mô lớn, vốn khả dụng nhiều không có lý do gì để áp dụng lãi suất tiền gửi cao hơn khi xu hướng thị trường đang hạ nhiệt. "Nếu có, chỉ xem như đây là cách để giữ chân khách gửi tiền trong bối cảnh các ngân hàng cạnh tranh giành khách", ông nói.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước trước 2 lần giảm lãi suất huy động diễn ra vào ngày 11/4 và 28/5, thanh khoản toàn hệ thống đang ổn định. Bên cạnh tốc độ lạm phát được kiểm soát, thanh khoản dôi dư được cho là cơ sở để giảm giá vốn đầu vào. Chính phủ, trong phiên họp thường kỳ cũng công bố số liệu, tổng phương tiện thanh toán (M2) bao gồm tiền gửi của các ngân hàng, tiền gửi dân cư 5 tháng đầu năm tăng 4,77%.

Còn báo cáo các ngân hàng thương mại, trong 5 tháng đầu năm, vốn khả dụng dư thừa nhiều vì tín dụng tăng trưởng âm. Một số nhích được lên 0%, song từ nay đến hết năm 2012 để bật lên 11 - 12% vẫn là rất khó khăn. Trong cuộc họp với nhóm "G14+1" của Ngân hàng Nhà nước hôm 31/5, chỉ tiêu được một số nhà băng đặt ra là mỗi tháng tăng trưởng cho vay 1 - 1,5%. Song lãnh đạo một ngân hàng tham gia cuộc họp cho biết, rất khó khăn để thực hiện mục tiêu này. Do đó, không có lý do để huy động vốn với giá cao hơn quy định.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận xét, đúng là trên thị trường, khi trần về 11% vẫn có một số nhà băng đang huy động với lãi suất cao hơn so với trần quy định. Tuy nhiên, đây chỉ là số ít và là những đơn vị thiếu thanh khoản khi trước đó đã cho vay ra quá nhiều. Còn hệ thống nói chung đang dư tiền. Từ đầu năm, tín dụng tăng trưởng âm, trong khi huy động vốn tăng khoảng 5%. Theo ông Hiếu, về lâu về dài, lãi suất cho vay có xu hướng giảm xuống, thì những nhà băng nào huy động cao hơn trần, chẳng khác gì tự tố cáo mình yếu kém.