Ngành Ngân hàng vẫn tăng trưởng tốt

Theo KimEng

Tăng trưởng tín dụng năm 2009 có thể đạt 25%, vượt dự báo của Ngân hàng Nhà nước.Theo Công ty chứng khoán KimEng, bất chấp sự cạnh tranh ngày một mạnh mẽ từ các ngân hàng ngoại, các ngân hàng Việt Nam vẫn có tiềm năng tăng trưởng tốt.

Tín dụng tăng trưởng nhanh

 Tín dụng tăng trưởng 53,8% trong năm 2007, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2008 chỉ còn lại 20,4% do chính sách thắt chặt tiền tệ của nhà nước và biến động trên thị trường tài chính toàn cầu.

Hai tháng đầu năm 2009, hoạt động cho vay của ngân hàng không mấy sôi động, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 0,5%. Tăng trưởng tín dụng đã ở mức cao từ tháng 3/2009 theo kế hoạch kích cầu của Chính phủ thông qua các kênh hỗ trợ tín dụng.

Số liệu mới công bố vào tháng 5/2009 khiến người ta lo ngại về khả năng hình thành bong bóng giá tài sản và rủi ro trong những khoản vay không hiệu quả. Tín dụng từ đầu năm đến nay tăng trưởng đến 14,9% trong khi mức độ tăng trưởng trong 3 tháng đầu năm 2009 chỉ là 2,6%. Tăng trưởng tín dụng năm 2009 có thể đạt 25%, vượt dự báo của Ngân hàng Nhà nước.

Tăng trưởng huy động chậm hơn

Lượng tiền gửi tại các ngân hàng cũng tăng nhưng với tốc độ chậm hơn. Nguyên nhân chính khiến tiền gửi tăng trưởng chậm hơn là một nguồn tiền đã được rót vào thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán trong giai đoạn tăng trưởng tốt thời gian gần đây. Lãi suất tiền gửi trong khi đó vẫn ở mức thấp.

Các ngân hàng nâng lãi suất tiền gửi từ 6,9%/năm trong tháng 1/2009 lên mức 8,8%/năm trong tháng 5/2009 để cạnh tranh với mức lợi tức do các loại hình đầu tư khác mang lại. Gần đây, một số ngân hàng đã nâng lãi suất tiền gửi lên 10%.

Dù lãi suất tiền gửi đang trong xu thế tăng lên nhưng lãi suất cho vay của các ngân hàng lại có xu thế hạ xuống. Điều này hẳn ảnh hưởng không ít tới công việc kinh doanh của các ngân hàng.
Sự cạnh tranh từ phía các ngân hàng nước ngoài
Năm 2008, 5 ngân hàng nước ngoài đã được cấp phép hoạt động trong mô hình ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam – đây là một phần trong cam kết khi gia nhập WTO.

Lần đầu tiên, ngân hàng nước ngoài với tổng tài sản chưa đầy 10% tổng tài sản ngân hàng tại Việt Nam có thể cạnh tranh trong một sân chơi bình đẳng với ngân hàng trong nước. Ngân hàng trong nước hẳn sẽ gặp khó khăn nhất định trong cạnh tranh, dù vậy chưa có rủi ro nào lớn trong ngắn hạn.

Làn sóng hợp nhất ngân hàng có thể gia tăng

Theo yêu cầu khi gia nhập WTO, các ngân hàng sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn về vốn, vì vậy khả năng hợp nhất đối với một số ngân hàng là hoàn toàn có thể. Năm 2008, 9 ngân hàng nhỏ đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động có số vốn điều lệ thấp hơn 1.000 tỷ đồng đã phải tăng vốn để tiếp tục hoạt động.

Đến cuối năm 2009, sẽ có khoảng 21 ngân hàng phải tăng vốn lên hơn 2 nghìn tỷ đồng và tất cả các ngân hàng sẽ phải có vốn điều lệ theo yêu cầu đạt 3 nghìn tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2010.

KimEng tin rằng cổ đông của một số ngân hàng nội địa sẽ phải đương đầu với tình trạng pha loãng cổ phiếu trong những năm tới bởi khoảng hơn một nửa ngân hàng nội địa sẽ phải tăng vốn để đáp ứng các yêu cầu.

Không chỉ các ngân hàng chưa đáp ứng yêu cầu phải tăng vốn, một số ngân hàng nhà nước với lượng vốn cao hơn mức yêu cầu cũng sẽ đương đầu với thách thức tương tự.

Vẫn có tiềm năng tăng trưởng

Bất chấp sự cạnh tranh từ phía ngân hàng nước ngoài, KingEng vẫn lạc quan về triển vọng của ngành ngân hàng trong nước. Số lượng tài khoản ngân hàng tại Việt Nam hiện mới chỉ chiếm 20% dân số. Số lượng các sản phẩm tài chính tại Việt Nam chưa nhiều, các ngân hàng có thể tăng được các khoản thu nhập ngoài nguồn thu từ hoạt động tiền gửi.